Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: Phát huy vai trò của chính sách tín dụng gắn với phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 04/09/2018, 14:35 [GMT+7]
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là Ngân hàng thương mại 100% vốn chủ sở hữu nhà nước đang trong tiến trình cổ phần hóa. Trong thời gian qua, Agribank đã tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước, phát huy vai trò của chính sách tín dụng đối với phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực tam nông. Thông qua việc tăng quy mô hoạt động huy động vốn và đầu tư tín dụng ổn định, an toàn và hiệu quả, Agribank đã hoàn thành việc thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn I (2013-2015) theo Quyết định 53/QĐ-NHNN ngày 15-11-2013, hiện nay Agribank đang triển khai thực hiện các nội dung thuộc Đề án tái cơ cấu giai đoạn II (2016-2020), Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, Agribank quản lý Tổng tài sản hơn 1,1 triệu tỷ đồng với trên 12 triệu khách hàng gửi tiền, 16 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, gần 4 triệu khách hàng có quan hệ tín dụng, quan hệ ngân hàng đại lý với 825 định chế tài chính có uy tín trong nước và quốc tế; giữ vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn với 73,6% tổng dư nợ, hoạt động kinh doanh có lãi, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) và làm tốt công tác an sinh xã hội. Những thành tích trong hoạt động của Agribank đã được Đảng và Nhà Nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương độc lập, Huân chương Lao động, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ...; được nhận nhiều giải thưởng do các ngân hàng uy tín trên thế giới trao tặng như Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc do Wells Fargo Bank và JP Morgan Bank trao tặng, Chất lượng điện đạt chuẩn tự động cao do BNY Mellon Bank trao tặng...; được Fitch Ratings xếp hạng Nhà phát hành nợ dài hạn ở mức “B+” với triển vọng “Tích cực”.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam coi trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng |
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Agribank thường xuyên quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ công nhân viên các chỉ thị của Bộ chính trị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, quy định nội bộ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý kinh doanh, ngăn chặn, không tạo kẽ hở để lợi dụng tiêu cực, tham nhũng như: Quy định phân công, phân cấp rõ ràng, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong quản lý, điều hành; ban hành đồng bộ cơ chế quy trình về cấp tín dụng, nhận và xử lý tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro; quy định về chi tiêu tài chính, mua sắm và quản lý tài sản, công cụ dụng cụ, áp dụng lãi suất tiền gửi, tiền vay; quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền; chấn chỉnh công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; cảnh báo các rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống khủng bố trong hoạt động ngân hàng.
Qua công tác kiểm tra nội bộ, đã kịp thời phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, từ năm 2016 đến nay phát sinh 15 vụ tại các chi nhánh trực thuộc, nguyên nhân chủ yếu do một số cán bộ suy thoái về đạo đức lợi dụng sơ hở của đồng nghiệp và sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo tại các chi nhánh loại II, Phòng giao dịch để thực hiện hành vi tham nhũng.
Để chấn chỉnh kịp thời, Agribank đã liên tục tổ chức các đợt kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề việc chấp hành cơ chế nghiệp vụ đối với các đơn vị trực thuộc trong các năm 2016, 2017; có những đợt huy động tới hơn 1000 người tập trung tập huấn, đột xuất bất ngờ triển khai kiểm tra đồng loạt tại hầu hết các chi nhánh trong toàn hệ thống. Qua công tác kiểm tra, Agribank đã xử lý kỷ luật nghiêm khắc các cán bộ có trách nhiệm liên quan trong các vụ việc vi phạm và các cán bộ có sai phạm. Tổng số 270 cán bộ liên quan đến các tồn tại sai phạm phải xử lý kỷ luật lao động theo quy định nội bộ, bao gồm các cán bộ thuộc diện Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc quản lý, cụ thể, Agribank đã sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động đối với 19 người, cách chức 30 người, từ chức 1 người, miễn nhiệm 5 người, điều chuyển công tác khác có mức lương thấp hơn 5 người, kéo dài thời hạn nâng lương 48 người, khiển trách 144 người, 16 người đang bị tạm giam, tạm giữ để phục vụ công tác điều tra hoặc chờ kết quả xét xử của Tòa án.
Từ sau Đại hội XII của Đảng, Agribank tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đánh giá các vụ việc cụ thể có dấu hiệu tham nhũng xảy ra tại một số chi nhánh hệ thống bao gồm yếu tố khách quan từ phía khách hàng và yếu tố chủ quan từ ý thức đạo đức yếu kém của một số cán bộ ngân hàng như: Các đối tượng cấu kết thành nhóm, thành lập nhiều pháp nhân liên kết với nhau và các cá nhân khác nhằm hợp thức hóa các hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng với mục đích vay vốn, chuyển tiền lòng vòng qua các công ty rồi chây ỳ không trả nợ hoặc chiếm đoạt vốn vay cho mục đích trục lợi; làm giả hồ sơ, chứng từ, gian lận qua giao dịch thanh toán và qua thẻ; cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm sai quy trình nghiệp vụ trong cấp tín dụng, thanh toán, giả mạo chữ ký của khách hàng, lập chứng từ khống để tham ô từ tài khoản tiền gửi của khách hàng, vay ké khách hàng.
Lê Hiếu