Vĩnh Long: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018
Năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được kết quả tích cực trên một số mặt công tác.
Đã tổ chức 1.203 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật PCTN cho 43.640 lượt người dự, in 7.200 quyển tin tư pháp tháng và 1.900 quyển tư pháp xuân Mậu Tuất năm 2018; Đài truyền thanh của các huyện, thị xã; thành phố đưa 41 tin, 36 bài viết với thời lượng 467 phút phát thanh trên sóng FM.
Đoàn công tác số 7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố dự thảo Kết luận kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiệm trọng, phức tạp; được dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (năm 2017) |
UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCTN như: Kế hoạch thực hiện công tác PCTN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo chương trình hành động của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên năm 2018 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTN năm 2018; Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; Công văn về việc tăng cường, chấn chỉnh công tác PCTN trên địa bàn tỉnh; Công văn về việc chấn chỉnh báo cáo công tác PCTN trên địa bàn. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công tác PCTN đối với các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố.
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo đúng quy định của Luật PCTN gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, quy chế dân chủ ở cơ sở. Các lĩnh vực được thực hiện công khai, minh bạch như: Công khai tài chính - ngân sách; mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản huy động và đóng góp trong nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc của từng cơ quan, đơn vị gắn với cải cách các thủ tục hành chính; công tác tổ chức cán bộ, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác; xây dựng, thể chế hóa pháp luật; kết quả kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai… với nhiều hình thức như: Thông tin trên cổng thông tin điện tử; công bố tại các cuộc họp, công khai trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị; niêm yết các thủ tục hành chính; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến nội dung công việc...
Đến nay, có 188/188 cơ quan hành chính nhà nước được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí, trong đó: cấp tỉnh 44 đơn vị và cấp huyện 144 đơn vị.
UBND tỉnh đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh 634/634 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hiện, đạt 100%.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện việc rà soát, xây dựng thực hiện chế độ, định mức. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước góp phần tích cực cho công tác PCTN, lãng phí.
Toàn tỉnh đã có 26/26 cơ quan hành chính nhà nước (trong đó có 8 huyện, thị, thành phố) và 109 cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện. quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ.
Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 77 công chức. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để PCTN theo quy định.
Năm 2017, có 61 cơ quan, tổ chức, đơn vị (trực thuộc) phải kê khai tài sản, thu nhập; kết quả 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị đã triển khai thực hiện. Chưa phát hiện trường hợp không trung thực trong nội dung bảng kê khai hoặc có sự bất minh về tài sản, thu nhập hoặc có nội dung tố cáo người kê khai.
Về xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đã xử lý 01 trường hợp đối với Hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể dục thể thao thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm cá nhân do để xảy ra trường hợp viên chức có hành vi tham nhũng tại đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một cửa, một cửa liên thông”; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Qua công tác giải quyết tố cáo đã tiếp nhận 02 đơn tố cáo về hành vi tham nhũng tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Mang Thít. Kết quả, với tố cáo tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao, đã xử lý kỷ luật về mặt Đảng và Chính quyền với hình thức “Cảnh cáo”; buộc 01 huấn luyện viên nộp lại toàn bộ số tiền chiếm dụng. Với đơn tố cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Mỹ tham ô tài sản, UBND huyện Mang Thít đã chuyển đơn đến Công an huyện Mang Thít giải quyết. Kết quả đã tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Mỹ và đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 03 vụ, với 06 bị can (trong đó, có 02 vụ, với 05 bị can, năm 2017 chuyển sang).
Các đơn vị, địa phương thực hiện triển khai 28 cuộc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng. Đã kết thúc và ban hành kết luận 14 cuộc thanh tra. Qua thanh tra, các đơn vị được thanh tra còn hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; trình tự, thủ tục trong kê khai, công khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ; việc công khai về hoạt động tài chính ngân sách và xây dựng cơ bản chưa đúng theo biểu mẫu quy định; chưa xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản về công tác PCTN; chưa thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN còn một số hạn chế: Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng có nơi chưa thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, các vụ việc được phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn, thư tố cáo. Việc thực hiện cải cách hành chính liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp và người dân có nơi còn chậm, dẫn đến lãng phí thời gian của doanh nghiệp và người dân, chưa ngăn chặn triệt để một số việc có nhũng nhiễu trong hoạt động này. Công tác giám sát, kiểm tra ở một số đơn vị, địa phương chưa được thường xuyên nên việc tham mưu lãnh đạo cùng cấp quản lý chưa kịp thời chặt chẽ. Qua công tác tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo tham nhũng cho thấy người dân tham gia tố cáo chưa nhiều. Đặc biệt, là việc bảo vệ người tố cáo chưa được thực hiện tốt. Dẫn đến người tố cáo còn e ngại, sợ bị trù dập, trả thù, nên hạn chế tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan thẩm quyền.
Bình Minh