Hòa Bình: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Chủ Nhật, 13/01/2019, 07:48 [GMT+7]
Năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến, việc tổ chức thực hiện được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tiến hành tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng lồng ghép với các lớp tuyên truyền pháp luật về Luật khiếu nại, Luật tố cáo và những vấn đề cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành… Đã ban hành mới 104 văn bản, sửa đổi, bổ sung 04 văn bản; tổ chức 160 lớp tuyên truyền, quán triệt phát luật về phòng, chống tham nhũng với 19.511 lượt người tham gia.
Đoàn công tác số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch sơ kết 5 năm kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng tại Hòa Bình (tháng 9-2018) |
Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, trong các lĩnh vực. Công khai rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công. Trong năm 2018, đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 19 đơn vị.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và các quy chế khác có liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị. Ban hành mới 176 văn bản, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp 15 văn bản. Tổ chức 18 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức; qua kiểm tra phát hiện và xử lý kỷ luật 01 cán bộ vi phạm.
Việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng được quan tâm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 10-02-2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm tra tại 07 đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 70 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên tự kiểm tra, giám sát phát hiện sai phạm trong nội bộ. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cấp trên đối với tổ chức đảng và cơ quan nhà nước ở địa phương, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu của các chức danh chủ chốt.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 88 cuộc thanh tra hành chính, tập trung vào các lĩnh vực như: Quản lý tài chính, điều hành và sử dụng ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Đến nay đã ban hành 67 kết luận thanh tra, tiếp tục hoàn thiện 21 cuộc. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra triển khai và tiến hành 213 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 925 tổ chức và cá nhân về việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở, ngành, đến nay đã kết thúc 205 cuộc, tiếp tục hoàn thiện 08 cuộc. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra triển khai 26 cuộc, đã kết thúc 17 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng lồng ghép với thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí được tham gia vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng, phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận, doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể khác đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; cung cấp các thông tin, tài liệu có giá trị cho cơ quan Nhà nước trong việc xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng.
Bảo An