Thái Nguyên: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
Thứ Năm, 14/02/2019, 14:55 [GMT+7]
Qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 25-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020”, cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt (08/11 chỉ tiêu đạt mục tiêu đề ra).
Một Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên |
Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo và có chuyển biến tích cực. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng được phát huy. Hiệu quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước được nâng lên, mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là việc phát hiện, chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế thông qua hoạt động của các Đoàn rà soát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đã chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra; cơ quan điều tra đã khởi tố 02 vụ án/08 bị can; xử lý 01 trường hợp người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra được nâng lên rõ rệt, đã tập trung thanh tra một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tỷ lệ thu hồi về kinh tế qua thanh tra đạt tỷ lệ 81,31%. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng đạt 100%. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng so với khi chưa có Đề án (tỷ lệ thu hồi tài sản qua công tác điều tra đạt 69,15%; qua công tác thi hành án đạt 27,19 %).
Để hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: Nêu cao trách nhiệm, gương mẫu và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao sự thống nhất, tạo bước chuyển biến thực sự rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của xã hội với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị; Chương trình công tác trọng tâm phòng, chống tham nhũng hằng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, đơn vị chức năng; kiểm tra công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị đối với việc chấp hành pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Ủy ban kiểm tra các cấp phát huy vai trò trong công tác phòng, chống tham nhũng theo Quy định số 01-QĐi/TW ngày 10-5-2018 của Bộ Chính trị.
Hà Phương
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên)