Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ Năm, 14/03/2019, 14:53 [GMT+7]
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa tổ chức Hội thảo "Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng của hệ thống tổ chức đảng Trung ương ở Việt Nam hiện nay". Tiến sỹ Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Tô Quang Thu nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng luôn đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công hay thất bại của công cuộc này. Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng một mặt góp phần làm tăng sức mạnh, năng lực và hiệu quả cầm quyền của Đảng, mặt khác, qua đó bảo vệ sự trong sạch của Đảng, giữ gìn uy tín của Đảng và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ. Những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng ở Trung ương. Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện với cách làm bài bản, công phu, quyết liệt, được tiến hành ở tất cả các cấp, ngành, các lĩnh vực và quán triệt nguyên tắc: Không có vùng cấm, vùng trống, bất kỳ ai tham nhũng đều phải xử lý nghiêm, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Toàn cảnh Hội thảo |
Để xây dựng cơ sở lý luận cho sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” do đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương làm Chủ nhiệm đề tài đã và đang được triển khai nghiên cứu. Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp nhận nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, khách quan, khoa học của các đại biểu, nhà khoa học để góp phần thực hiện thành công Đề tài.
Để giúp cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng cho việc hoạch định chủ trương của Đảng về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan Đảng ở Trung ương thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh mới, Ban Chủ nhiệm Đề tài đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề, như: Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng; nhận diện đúng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan Đảng ở Trung ương; phạm vi, thẩm quyền, chức năng và hoạt động của các cơ quan Đảng ở Trung ương thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát...
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung thảo luận về cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời làm rõ, kiến nghị, đề xuất, đưa ra giải pháp trong việc lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng của hệ thống tổ chức đảng Trung ương ở Việt Nam như: Thực trạng phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng của hệ thống tổ chức đảng ở Trung ương; quan điểm, định hướng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan đảng ở Trung ương thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; những giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan đảng ở Trung ương thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về việc chú trọng giám sát quyền lực; đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải hiệu quả, tạo niềm tin đối với các tầng lớp nhân dân; tiếp nhận, xử lý thông tin tham nhũng phải tinh, nhạy; chống tham nhũng phải làm từ gốc, mới manh nha; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức; chống tham nhũng phải làm thường xuyên, quyết liệt; quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan trong thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn...
Văn Tuấn
(Ủy ban Kiểm tra Trung ương)