Thừa Thiên Huế: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 15/03/2019, 14:47 [GMT+7]
    Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Tọa đàm khoa học "Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng". Tiến sỹ Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trì.
 
    Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Tô Quang Thu nhấn mạnh: Để có căn cứ thực tiễn cho việc nghiên cứu Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” do đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương làm Chủ nhiệm đề tài, UBKT Trung ương tiến hành khảo sát về vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại một số tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm Đề tài mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, khách quan của các đại biểu để góp phần vào thực hiện thành công Đề tài.
 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm
    Theo Báo cáo tại Tọa đàm, trong giai đoạn 2011-2018, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và các cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát trong phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả. Nổi bật là: Công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng; công tác tổ chức - cán bộ; việc phối hợp trong phòng, chống tham nhũng... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục, như: Nội dung kiểm tra, giám sát ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng của cấp ủy và UBKT các cấp chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT các cấp về nội dung tham nhũng, cố ý làm trái còn ít; tình trạng "tham nhũng vặt" vẫn tồn tại ở các cơ quan hành chính Nhà nước nhưng rất khó phát hiện và chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng, ngừa tham nhũng khó khăn...
 
    Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những nội dung chủ yếu về cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó làm rõ, kiến nghị, đề xuất, có giải pháp những vấn đề trong lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như: Cần quy định tăng mức xử lý phạt tiền và hạn chế việc cho tại ngoại, xử án treo đối với những người phạm tội tham nhũng, để tăng thêm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, hỗ trợ phương tiện hiện đại cho các cơ quan và đội ngũ làm công tác điều tra, truy tố và xét xử ở địa phương theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ; ban hành các quy định về giám định tư pháp phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng; sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng, ngừa tham nhũng như kê khai minh bạch tài sản và thu nhập; có chính sách khuyến khích, bảo vệ, khen thưởng kịp thời đối với những người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả…
 
    Từ thực trạng trên, một số đại biểu cũng đã đề xuất giải pháp: Chống tham nhũng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào trong sinh hoạt thường xuyên của chi bộ; tăng cường giám sát quyền lực thường xuyên của UBKT các cấp để ngăn ngừa kịp thời tham nhũng; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện phòng, chống tham nhũng cần chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm do tham nhũng, cố ý làm trái để có tác dụng giáo dục, răn đe; tăng cường kiểm soát thu nhập; chú trọng kiểm tra công tác tổ chức cán bộ; bảo đảm chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; phòng, chống tham nhũng từ nội bộ cơ quan, đơn vị; huy động, vận động mọi tầng lớp nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng...
 
    Thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, đồng chí Tô Quang Thu ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện Đề tài, góp phần đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; đồng thời yêu cầu cấp ủy và UBKT các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm; giám sát cần mở rộng; tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là người đứng đầu, cấp ủy cùng cấp có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng…
                                                                                 Văn Tuấn
                                                                                (UBKTTW)
.