Thực hiện kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, viên chức

Thứ Năm, 21/03/2019, 14:45 [GMT+7]
    Ngày 20-3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra từ quy định pháp luật và việc thực hiện kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, viên chức”.
 
    Kiểm soát thu nhập, tài sản (TSTN) của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng (PCTN). Chế định về minh bạch TSTN của cán bộ, công chức, viên chức ra đời cùng với Luật PCTN năm 2005 và ngày càng được hoàn thiện qua các lần sửa đổi, bổ sung. Với việc sửa đổi Luật PCTN năm 2018, các quy định về kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức, viên chức đã được hoàn thiện thêm một bước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cơ chế kiểm soát tài TSTN hiện nay vẫn nặng về kê khai và xác minh TSTN, xử lý hành vi kê khai không trung thực mà chưa tiếp cận kiểm soát có hiệu quả từ việc phát sinh nguồn thu nhập, kiểm soát cả việc chi tiêu dùng, chi đầu tư. Sự yếu kém, hình thức trong công tác kiểm soát TSTN cũng chính là lý do khiến cho tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng vừa qua là quá thấp, thậm chí, ngay bản thân các tài sản do tòa án tuyên bố buộc phải thu hồi cũng chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với những tài sản “lẽ ra” phải thu hồi trên thực tế.
 
    Các ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung vào việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn không thể chỉ trông chờ vào các quy định trong Luật PCTN mà cần phối hợp nhiều biện pháp, tạo một cơ chế đồng bộ và có sự kết nối giữa các phương thức hiện nay như về minh bạch TSTN, về nộp thuế thu nhập cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt và quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng; tạo sự kết nối giữa các phương thức trên trong việc giám sát, phát hiện và xác minh các khoản thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn. 
 
    Theo cách tiếp cận này thì để kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức, viên chức gồm: Kiểm soát từ các nguồn phát sinh thu nhập (kiểm soát đầu vào); kiểm soát thông qua việc kê khai tài sản và kiểm soát các khoản chi có giá trị lớn (kiểm soát đầu ra ). Cả 3 khâu này cần có sự liên thông với nhau, làm đối chứng cho nhau trong quá trình kiểm soát. Cùng với đó là, cần rà soát và hoàn tất việc cấp mã số thuế cá nhân cho các cán bộ, công chức; thực hiện việc phối hợp cung cấp thông tin về TSTN của người có chức vụ, quyền hạn giữa cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm soát TSTN; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, xác định rõ các mục chi chưa thực hiện chi trả qua tài khoản, nhất là các mục chi như phụ cấp, thưởng, thù lao thực hiện các dịch vụ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức, có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi không trung thực trong việc kê khai quà tặng của người có chức vụ, quyền hạn.
 
    Một biện pháp quan trọng cũng được nhiều đại biểu kiến nghị để nâng cao hiệu quả kiểm soát TSTN của cán bộ, công chức, viên chức là phải xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về TSTN của người có chức vụ, quyền hạn thống nhất trên toàn quốc nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như việc xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.
                                                                                       Vũ Khuyên
.