Ban hành Đề án liêm chính hải quan giai đoạn 2019-2020
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ký Quyết định 489/QĐ-TCHQ phê duyệt, ban hành Đề án liêm chính hải quan giai đoạn 2019-2020.
Liêm chính hải quan lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) những năm 1990. Đến năm 1993, WCO thông qua Tuyên bố Arusha với những nội dung trọng tâm đề cập đến những nỗ lực của WCO trong việc tăng cường liêm chính và chống tham nhũng. Từ đó đến nay, WCO cũng như các cơ quan Hải quan trên thế giới, dù ở các trình độ phát triển khác nhau đều hết sức coi trọng việc xây dựng và duy trì mức liêm chính cao trong các hoạt động hải quan.
Một Hội nghị của ngành Hải quan |
Đối với Hải quan Việt Nam, vấn đề nâng cao tính liêm chính và chống tham nhũng luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan quan tâm và triển khai áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy dù có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt nhiều kết quả tích cực, song về tổng thể việc tiếp tục xây dựng và duy trì mức độ liêm chính cao và cuộc chiến chống tham nhũng trong các cơ quan công quyền, trong đó có ngành Hải quan vẫn còn có nhiều bất cập, hạn chế, hiệu quả chưa như mong muốn. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu tìm ra các giải pháp hiệu quả để đấu tranh chống tham nhũng, nâng cao liêm chính hải quan vẫn luôn là một đề án cấp thiết, là một nhiệm vụ lâu dài.
Ý thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống tham nhũng, tăng cường liêm chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã giao nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng Đề án nhằm nâng cao hiệu quả liêm chính hải quan ở Việt Nam”, đặc biệt đề ra và áp dụng thành công các giải pháp đảm bảo tính hiệu lực, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính trong sạch và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức hải quan cũng như toàn hệ thống hải quan.
Đề án đề cập toàn diện vấn đề chống tham nhũng, nâng cao liêm chính hải quan, trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố nguồn nhân lực và sự chuyển biến từ nhận thức đến tư duy hành động của đội ngũ cán bộ, công chức hải quan. Mặt khác, Đề án không chỉ đề cập vấn đề liêm chính của mỗi cá nhân mà còn đề cập, phân tích tính liêm chính và những yếu tố đảm bảo tính liêm chính trong mỗi tổ chức, đơn vị hải quan. Đề án cũng đi sâu phân tích những yêu cầu cần có của các vấn đề liêm chính, từ đó đề xuất nội dung kế hoạch thực hiện cụ thể để triển khai các giải pháp thực hiện…
Các nhóm giải pháp cụ thể gồm:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, quy trình thủ tục hải quan theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật hải quan, Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng mô hình Hải quan điện tử.
Thủ tục hải quan được thực hiện “mọi nơi - mọi lúc - mọi phương tiện”, người khai hải quan thực hiện khai báo mọi nơi, với thời gian 24/7, trên các thiết bị cố định, di động. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; chuẩn hóa quy trình thủ tục hải quan; triển khai đầy đủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông quan điện tử…
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thanh toán chi phí xuất nhập khẩu, đơn giản hóa một phần thủ tục, góp phần giảm thời gian thông quan, hướng tới thực hiện các thủ tục hải quan theo hướng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3-4, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tăng tốc độ xử lý của cơ quan Hải quan.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan thông qua hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả giữa phương thức kiểm soát hải quan hiện đại với phương thức kiểm soát hải quan truyền thống.
Đến năm 2020 và những năm tiếp theo, công tác quản lý rủi ro được thực hiện và áp dụng xuyên suốt trong tất cả hoạt động nghiệp vụ hải quan nhằm tạo ra sự minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hải quan; giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ kiểm tra luồng Vàng, Đỏ…
Xây dựng hệ thống kiểm tra sau thông quan trong tổng thể Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 và những năm tiếp theo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chuyên sâu phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hoạt động tập trung, thống nhất và hiệu quả trong toàn Ngành trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và phương pháp quản lý rủi ro, đáp ứng yêu cầu quản lý và yêu cầu cải cách phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan. Công tác kiểm tra hải quan được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đảm bảo sự đồng bộ trong kiểm soát các khâu trước, trong và sau thông quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hợp pháp của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý…
Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực, nâng cao năng lực công chức hải quan trên cơ sở các quy định về quản lý nghiệp vụ và quản lý nguồn nhân lực đã được chuẩn hóa, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính…
Các đơn vị trong Ngành xây dựng khung đánh giá năng lực cán bộ nhằm triển khai Đề án sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức hải quan theo Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII.
Thường xuyên kiện toàn và bổ sung thêm lực lượng tham mưu công tác thanh tra, kiểm tra và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong ngành Hải quan.
Nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính việc triển khai nội dung phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng giữa ngành Hải quan với cấp ủy, chính quyền địa phương những nơi có tổ chức hải quan hoạt động…
P.V