Ninh Bình: Tập huấn, quán triệt nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 18/04/2019, 13:21 [GMT+7]
    Thanh tra tỉnh Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh triển khai tập huấn, quán triệt nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật tố cáo năm 2018 cho cán bộ chủ chốt và cán bộ tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cấp trên toàn tỉnh.
 
    Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ cùng hơn 800 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành và bí thư, chủ tịch cấp huyện, thành phố, xã, thị trấn, cán bộ tiếp dân huyện, thị và các xã, thị trấn.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã giới thiệu đến đại biểu những nội dung cơ bản và những quy định mới Luật phòng, chống tham nhũng 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Luật gồm 10 Chương, 96 Điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
    So với Luật phòng, chống tham nhũng 2005, Luật 2018 viết gọn, súc tích hơn, nhất là phần mục công khai, minh bạch. Bởi những năm qua Quốc hội đã ban hành nhiều luật chuyên ngành, cụ thể hóa yêu cầu về công khai, minh bạch, nên quy định mang tính liệt kê trong Luật 2005 không cần thiết nữa.
 
    Luật 2018 cũng bổ sung nhiều vấn đề mới, như một số nguyên tắc về kiểm soát xung đột lợi ích, thiết lập cơ quan độc lập về kiểm soát tài sản, thu nhập, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, mở rộng yêu cầu phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước… Các quy định mới đó, cùng nhiều nội dung sửa đổi khác sẽ giúp công tác phòng, chống tham nhũng tới đây mạnh mẽ, bài bản, hiệu quả hơn.
 
    Chiều cùng ngày, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế giới thiệu các nội dung của Luật tố cáo năm 2018, những điểm mới của Luật tố cáo năm 2018 so với Luật tố cáo năm 2011. Luật tố cáo 2018 đã bổ sung thêm các nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo từ 60 ngày xuống còn 30 ngày kể từ khi thụ lý giải quyết tố cáo…
 
    Đặc biệt, Luật tố cáo 2018 quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục bảo vệ khi người tố cáo có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ. Đây là điểm mới rất quan trọng, quy định trách nhiệm của người giải quyết tố cáo và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. 
 
    Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Việc tập huấn, nghiên cứu các bộ luật trước hết là để cán bộ, đảng viên tự răn mình, làm đúng theo các quy định của pháp luật. Với hai luật này, liên quan đến hai lĩnh vực khá nhạy cảm, cho nên cán bộ phải nhận thức được đầy đủ để có bản lĩnh để chiến thắng chính mình, làm gương cho người khác và không thực hiện các hành vi vi phạm. Đề nghị các đại biểu tiếp tục học tập, quán triệt, tuyên truyền phổ biến các nội dung của hai bộ luật trên đến các cán bộ khác và Nhân dân trong toàn tỉnh.
                                                                                           Văn Bắc
.