Kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ban cán sự đảng Bộ Tài chính
Chiều ngày 06-5-2019, tại trụ sở Bộ Tài chính, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) do đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng Đoàn đã tổ chức Hội nghị công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.
Tham gia Đoàn có đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Đoàn kiểm tra và các đồng chí thành viên Đoàn kiểm tra số 2.
Làm việc với Đoàn có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đồng chí trong Ban cán sự đảng và lãnh đạo các vụ, cục chức năng liên quan thuộc Bộ Tài chính.
Quang cảnh Hội nghị |
Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW ngày 04-9-2018 và Quyết định số 196-QĐ/BCĐTW ngày 26-10-2018 của Ban Chỉ đạo về kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, từ ngày 22 đến 29-11-2018, Đoàn kiểm tra số 2 đã tiến hành kiểm tra tại Ban cán sự đảng Bộ Tài chính về tình hình, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế giai đoạn từ 01-01-2013 đến 30-9-2018. Quá trình kiểm tra, Đoàn đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính; cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý công sản; nhằm đánh giá kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Kết quả cho thấy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW và Quyết định số 196-QĐ/BCĐTW của Ban Chỉ đạo, bảo đảm đúng yêu cầu, nội dung, chương trình kiểm tra. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác PCTN, nhất là trong xây dựng và tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức, chế độ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Từ năm 2013 đến tháng 9-2018, ngành Thuế có 16 vụ việc tham nhũng phải xử lý hình sự, tổng số tiền vi phạm là 15,39 tỷ đồng; trong đó số tiền tham nhũng đã thu hồi, khắc phục là 4,56 tỷ đồng; cơ quan Thuế đã kiến nghị khởi tố, chuyển Cơ quan điều tra 551 vụ việc, Cơ quan điều tra đã khởi tố 119 vụ án, số tiền cơ quan Công an đã thu hồi là 348,6 tỷ đồng, ngành Hải quan đã trực tiếp ra quyết định khởi tố 248 vụ việc, giá trị tang vật vi phạm là 1.035 tỷ đồng, đã kiến nghị các cơ quan chức năng khởi tố theo thẩm quyền 452 vụ việc; có 07 vụ việc cán bộ vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, đã khởi tố 62 người. Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã thực hiện 35 đợt phong tỏa chứng khoán hoặc tạm dừng việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan Thi hành án và các cơ quan liên quan.
Công tác tạm thu, tạm giữ, số nộp ngân sách nhà nước về tiền án phí, phí thi hành án, thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan chức năng thụ lý nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước phát sinh tăng 50.233,1 tỷ đồng (đây là số tiền tổng hợp của tất cả các vụ án tham nhũng, kinh tế, dân sự, hình sự do các cơ quan Thi hành án, Thanh tra, Công an, Tòa án… ra quyết định xử lý); số tiền đã xử lý là 46.107,38 tỷ đồng.
Các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp thu giữ tài sản, hàng hóa, tang vật vi phạm, phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan các cấp, các vụ chức năng nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án trong trao đổi, cung cấp thông tin giám định, thẩm định, định giá giá trị tài sản, xác định chủ sở hữu… để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án trong lĩnh vực thuế, hải quan. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành được quan tâm, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng trong ngành tài chính. Việc quản lý dữ liệu tiền, tài sản tạm thu, tạm giữ của các cơ quan chức năng tại Kho bạc Nhà nước, số nộp ngân sách nhà nước về tiền án phí, phí thi hành án, thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế khá chặt chẽ, thống nhất trong toàn quốc.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Đoàn phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản, như: Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm giữ tài sản tham nhũng còn chậm; quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra và tiến hành tố tụng, nhiều trường hợp chưa kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, để người phạm tội và người thân của họ có thời gian và điều kiện che giấu hoặc tìm cách tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Chính sách, pháp luật về quản lý tài sản, kiểm soát các giao dịch lớn còn nhiều bất cập; còn sử dụng nhiều tiền mặt. Chưa có một cơ quan đầu mối để điều phối, theo dõi, tổng hợp chung tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên phạm vi cả nước; chưa có quy định cụ thể về cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin định kỳ giữa các cơ quan trong quá trình xử lý tài sản, tang vật vi phạm; một số quy định của pháp luật không phù hợp, phát sinh vướng mắc trong thực tiễn…
Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo thêm về những khó khăn, vướng mắc; đề xuất bổ sung thêm vào dự thảo Báo cáo một số nội dung về hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác thu hồi tài sản; giám định tư pháp; kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp và việc cần thiết phải xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Thi hành án để theo dõi, tổng hợp tài sản thu hồi, vì hiện nay các tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đang nằm ở mọi nơi, chưa nộp vào ngân sách nhà nước khi chưa có bản án của Tòa án…
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó trưởng Đoàn phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hôi nghị, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác đã đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ và đề xuất kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tài sản công, thu - chi ngân sách nhà nước, hải quan… Quyết liệt đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, vi phạm trong công tác xử lý, quản lý tang vật trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế để thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật, tham nhũng cho Nhà nước. Xây dựng và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Thuế, Hải quan với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Thi hành án trong việc trao đổi thông tin về kết quả xử lý các vụ án, vụ việc, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước mà cơ quan Thuế, Hải quan đã chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để thu hồi tiền, tài sản bị vi phạm, tham nhũng; tăng cường thanh tra hành chính, kiểm tra nội bộ, trong đó quan tâm thanh tra, kiểm tra về công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong thu hồi tài sản về tham nhũng, kinh tế. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giám định, định giá tài sản theo trưng cầu của các cơ quan tố tụng phục vụ yêu cầu điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Nghiên cứu, đề xuất cơ quan làm đầu mối để điều phối, theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…
Thu Hà