Các Bộ, ngành, địa phương nói về giải pháp chống 'tham nhũng vặt'

Thứ Sáu, 28/06/2019, 15:51 [GMT+7]

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 27-6 do Chính phủ tổ chức nhằm phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhiều bộ ngành, địa phương đã cho biết thực trạng và giải pháp về chống “tham nhũng vặt” hiện nay.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Chính phủ
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Chính phủ

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết năm 2018 có 17 trường hợp người đứng đầu các bộ phận bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, kỷ luật phê bình 7 trường hợp, khiển trách 6 trường hợp, cảnh cáo 2 trường hợp và rút kinh nghiệm 2 trường hợp.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 7.889 người (Tổng cục Hải quan 2.353 người, Tổng cục Thuế 4.819 người, Kho bạc Nhà nước 676 người, Tổng cục Dự trữ 41 người).

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Tài chính đã tiến hành 661 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ, chuyển 2 hồ sơ với 8 công chức sang cơ quan công an, xử lý hành chính 38 cán bộ thuế, hải quan.

Thực hiện luân chuyển công tác ở vị trí nhạy cảm, trong 6 tháng đầu năm Bộ Tài chính tập trung vào những địa bàn mà doanh nghiệp phản ánh nhiều như Hải Phòng, Quảng Trị, Bình Phước. Từ nay đến cuối năm sẽ luân chuyển khoảng 6.000 cán bộ công chức thuế, hải quan trong toàn ngành.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, tại TPHCM vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải “lót tay”, chấp nhận tiêu cực, tham nhũng hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau đối với cán bộ, công chức nhằm được hưởng lợi không hợp pháp và để được giải quyết công việc của mình một cách không đúng, không chính đáng.

Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều nơi vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, khách quan khi xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Nêu lên giải pháp cho thực trạng nhức nhối này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Thành phố đã thực hiện quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về công tác này trong nhân dân; thực hiện cải cách hành chính với việc áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong xử lý công việc liên quan đến Nhân dân; thực hiện công khai minh bạch trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai, môi trường, đấu thầu các dự án đầu tư; kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của công chức, viên chức; phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng; phối hợp với cơ quan tố tụng trong xử lý các vụ án tham nhũng…

Đề cập đến việc chống tham nhũng ngay trong cơ quan, đội ngũ làm công tác chống tham nhũng, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vụ việc thanh tra xây dựng bị khởi tố khi đòi "chung chi" ở Vĩnh Phúc đang làm cho người dân băn khoăn và trông chờ xem cách xử lý của cơ quan chức năng thế nào? Đặc biệt, cần bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, luân chuyển vị trí công tác, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát của Nhân dân. Phải xử lý nghiêm trường hợp vị phạm để giáo dục, răn đe nghiêm túc. Đồng thời nâng cao thu nhập của cán bộ, hành lang pháp lý phải chặt chẽ để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền mạnh mẽ để nhân dân biết được quyền của mình khi tiếp cận cán bộ giải quyết hồ sơ công việc của mình.

“Qua tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh rõ về tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ tại cơ quan, đơn vị đấy nhưng tại sao người đứng đầu lại không biết?”, Trưởng Ban Dân nguyện đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Không thể nói là người đứng đầu có biết hành vi “tham nhũng vặt” này xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình hay không. Nếu tiếp tục để xảy ra thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Sau vụ việc xảy ra một số cán bộ thanh tra bị khởi tố do hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra tại Thanh Hoá và Vĩnh Phúc vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 769 về đẩy mạnh công tác này trong toàn ngành, xử lý nghiêm đối với trường hợp vị phạm, chấn chỉnh công tác trong thời gian tới.

Đề cập đến việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doah nghiệp trong giải quyết công việc của lực lượng công an nhân dân (CAND), Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND, tập trung kiện toàn, tổ chức bộ máy CAND tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, động viên toàn lực lượng nỗ lực khắc phục khó khăn trong công tác, đời sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để ngăn chặn cán bộ chiến sỹ bị lôi kéo, dụ dỗ, tác động của mặt trái kinh tế thị trường, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho cán bộ chiến sĩ (CBCS), phát động nhiều cuộc vận động, học tập, chấn chỉnh nội vụ, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh CAND, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời thường xuyên rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, tạo thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị và công dân.

Để phòng ngừa các vi phạm và tình trạng “tham nhũng vặt”, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp trong thời gian tới. Đó là, đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CAND; xác định vai trò người đứng đầu trong các phong trào của đơn vị, nếu người đứng đầu gương mẫu, nói đi đôi với làm thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với đơn vị, buộc CBCS phải tự chấn chỉnh việc làm theo đúng quy định của ngành; tổ chức, bố trí cán bộ đúng điều kiện, tiêu chuẩn quy định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi đơn vị có cán bộ tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền phòng chống tham nhũng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, làm việc với  người dân, doanh nghiệp. 

“Bộ Công an coi giáo dục tư tưởng cho CBCS là nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ và lãnh đạo các đơn vị để nâng cao nhận thức và hành động”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Lê Sơn

(Chinhphu.vn)

 

.