Lạng Sơn: Ban hành văn bản tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Thứ Hai, 22/07/2019, 16:58 [GMT+7]
Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành văn bản tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết công việc.
Theo đó, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp và tập trung chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, nhất là trong việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Một cuộc họp của UBND tỉnh Lạng Sơn |
Tuy nhiên, tại một số cơ quan, đơn vị; một số cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, chậm chễ tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính; một số trường hợp có biểu hiện vụ lợi, lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở của chính sách, pháp luật để sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, gây bức xúc trong xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng trên là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chưa thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp công dân; một số lĩnh vực còn buông lỏng quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình; khắc phục ngay tình trạng gây khó khăn, phiền hà trong tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, đánh giá cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh việc rà soát các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần công khai địa chỉ “đường dây nóng”, hộp thư điện tử để tiếp nhận các góp ý, thông tin, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp, nhất là các thông tin về việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức.
Công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân. Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhất là việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký kinh doanh, xuất khẩu…
Nâng cao chất lượng thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện tốt phương châm 12 chữ của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.
Cần tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra để kịp thời khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Đặc biệt, cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi “vòi vĩnh”, gợi ý “lót tay”; kiên quyết xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật, thực hiện “không có vùng cấm” trong xử lý, là một trong những nội dung thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thùy Linh