Ninh Bình: Rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 28/08/2019, 15:24 [GMT+7]
    Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc “rà soát, chấn chỉnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng”, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn băn chỉ đạo việc rà soát, chấn chỉnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng (văn bản số 289/UBND-VP7 ngày 06-8-2019). 
 
    Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đó là “chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm thực thi công vụ, rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, bảo đảm những người làm việc trực tiếp trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch; thực hiện luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra tham nhũng; đồng thời lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra viên. Công tác thanh tra, kiểm tra phải thực hiện có hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức.
 
 Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình. (Ảnh baoninhbinh)
Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình. (Ảnh baoninhbinh)
    Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tích cực phối hợp với mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, cơ quan báo chí trong việc tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức; vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, “tham nhũng vặt” trong các cơ quan chống tham nhũng, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
    Các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình để ngăn chặn những hành vi nhũng nhiễu, lạm quyền, gợi ý lót tay và các hành vi vi phạm khác. Người đứng đầu cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm về việc để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm thực thi công vụ, có hành vi tiêu cực, tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; tập trung xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, nhất là các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
    Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy chế hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra, quy định về giám sát các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra; lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức làm công tác thanh tra.
T.H
.