Bộ Tài Chính: Một số kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I/2021

Thứ Ba, 26/04/2022, 06:21 [GMT+7]
    Trong quý I/2022, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý tình trạng "tham nhũng vặt" và đẩy nhanh tiến độ công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra đối với các vụ án tham nhũng về kinh tế.
 
    Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính thường xuyên quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về PCTN, gắn với triển khai, thực hiện Chỉ thi số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức lễ công bố, vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động eTax-Mobile.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức lễ công bố, vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động eTax-Mobile.
    Tăng cường các hoạt động kết nối, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác quản lý nhà nước và PCTN thông qua các hoạt động đối thoại, đường dây nóng, công khai minh bạch thủ tục hành chính, tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý; tập trung phòng ngừa tham nhũng ở lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan, công tác tổ chức cán bộ, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm, công khai số liệu về nợ công, công tác thanh tra, kiểm tra... trên cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định, để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát; tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/3/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 03 Quyết định công bố bãi bỏ 22 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 thủ tục hành chính; công bố mới 02 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Hải quan, thuế và tài chính ngân hàng; tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả.
 
    Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1874/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
    Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai đến nay có 849.050 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,7% số doanh nghiệp đang hoạt động; phối hợp với 55 Ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 843.663 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99%. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC, ngày 24/02/2022 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố, dự kiến triển khai trên toàn quốc từ tháng 4/2022; triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile 1.0). 
 
    Trong quý I/2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 11.342 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 251.524 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 2.666 vụ; đã kiến nghị xử lý tài chính 10 tỷ 75  triệu đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố 18 vụ vi phạm. Ngành Thuế thực hiện 22 cuộc kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng. Qua các cuộc kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng phát hiện 01 vụ việc tham nhũng và đã chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra. Cơ quan Hải quan thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiến nghị xử lý 3,316 tỷ đồng; thực hiện 6 cuộc kiểm tra nội bộ tại 6 đơn vị, kiến nghị truy thu và tiền phạt vi phạm hành chính 5,48 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
 
    Bộ Tài chính đã chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác tham gia PCTN, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thực thi công vụ cũng như phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, công chức.
Tuệ Minh
.