Đồng Tháp: Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
Thứ Tư, 15/02/2023, 06:22 [GMT+7]
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 24/9/2021 thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, triển khai, quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Tỉnh. Cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo, chỉ đạo thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn kiểm tra, thanh tra đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Từ đó, đã nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Quang cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tỉnh |
Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng để kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp để thu hồi tài sản, gây thất thoát trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc; vận dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội có thái độ thành khẩn, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm việc thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đạt tỷ lệ cao nhất.
Toà án nhân dân hai cấp thực hiện nghiêm quy định về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả. Cục Thi hành án dân sự Tỉnh và các chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành 02 cuộc giám sát đối với Ban cán sự đảng và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh về việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Nội dung giám sát có lưu ý công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo khắc phục.
Theo báo cáo, tổng số vụ án thụ lý trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án: 12 vụ án/24 bị can (bị cáo). Tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt: 323.067.629.000 đồng. Đã thu hồi: 26.557.505.000 đồng (8,22%). Trong đó: Tỷ lệ thu hồi tài sản khu vực trong Nhà nước 12.827.601.000/94.515.668.000 đồng (đạt 13,57%); tỷ lệ thu hồi tài sản khu vực ngoài Nhà nước 13.729.904.000/228.551.961.000 đồng (đạt 6%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp (13,57%), nhất là khu vực ngoài Nhà nước (6%). Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng có lúc, có nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chưa có các chuyên đề cụ thể để tuyên truyền cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng cụ thể. Nguyên nhân chưa có quy định cụ thể các biện pháp điều tra, truy tìm tài sản bị tẩu tán, che giấu ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; các tội phạm tham nhũng, kinh tế thường do người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ thực hiện, có khả năng nhận biết những kẽ hở pháp luật; thủ đoạn tẩu tán tài sản tinh vi…
Hướng tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra những nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Lãnh đạo các ngành chức năng phối hợp thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản có dấu hiệu tham nhũng, gây thất thoát từ giai đoạn xác minh tin báo, tố giác về tội phạm, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Vi Hùng