Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 03/04/2023, 16:03 [GMT+7]
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nội chính của Đảng bộ Thành phố năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, thông tri, chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy về công tác an ninh - nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; Tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố trao Bằng khen tặng các tập thể |
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi cộm, phức tạp, bức xúc về an ninh, trật tự; các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố đã đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả...
Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai mạnh mẽ, khá toàn diện; Chỉ đạo xây dựng đường dây nóng về tham nhũng, tiêu cực tại Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ban Nội chính Thành ủy; chuyên trang về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của Thành phố thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử; duy trì nền nếp họp liên ngành tư pháp để trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm giải quyết đối với các vụ việc, vụ án phức tạp; chú trọng rà soát giải quyết án còn tồn đọng, tạm đình chỉ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, nhà tạm giam, tạm giữ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tư pháp. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; chất lượng điều tra, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được nâng lên rõ rệt.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2022.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp, tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng quy định, quy chế trong phối hợp giữa các cơ quan nội chính cho phù hợp với tình hình hiện nay về lĩnh vực công tác an ninh, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát các vụ việc, vụ án tham nhũng còn tồn đọng, những vụ việc đã triển khai chỉ đạo, nhất là các chỉ đạo của Trung ương.
Tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan, nhất là những vụ việc nhạy cảm, phức tạp như quản lý sử dụng đất, mua bán, chuyển nhượng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước…; khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Một số giải pháp, bài học kinh nghiệm để phòng ngừa hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp nhà nước”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tuân thủ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng trong các cơ quan nội chính, tư pháp. Bên cạnh đó, tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảm bảo về số lượng, chất lượng; cán bộ phải cần, kiệm, liêm chính, chuyên nghiệp, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Ngoài ra, tăng cường cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, dữ liệu số; hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, khai thác hồ sơ án và các nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực nội chính và tư pháp…
Nhân dịp này, Ban Nội chính Trung ương tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nội chính Đảng cho 18 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong ngành nội chính của Đảng; Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen cho 21 tập thể thực hiện tốt công tác nội chính của Đảng bộ Thành phố năm 2022.
P.V