Công bố Kế hoạch kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Ban Thường vụ tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu
Thứ Năm, 26/10/2023, 21:00 [GMT+7]
Ngày 26/10, tại Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Đoàn kiểm tra số 3 do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn chủ trì Hội nghị công bố kế hoạch kiểm tra, quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Mai Ngọc Dương – Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, Thư ký Đoàn kiểm tra số 3 đã công bố Kế hoạch, Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nội dung kiểm tra là công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa chủ trương, chính sách chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Quang cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, Đoàn kiểm tra nghe Ban Thường vụ tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo tóm tắt kết quả tự kiểm tra. Theo đó, trong kỳ báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 05 hội nghị phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC cho hơn 6.000 cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; ban hành 39 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa triển khai các quy định của Đảng về PCTNTC; thành lập 10 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 15 cấp ủy, tổ chức đảng và 10 đảng viên trong việc triển khai thực hiện các quy định của Đảng về PCTNTC…. Qua đó, kịp thời cập nhật, bổ sung các chủ trương, chính sách mới của Đảng vào văn bản pháp luật trong các lĩnh vực; phát hiện và yêu cầu xây dựng kế hoạch khắc phục, xử lý các trường hợp lợi dụng việc thể chế hóa để tham nhũng, tiêu cực... Tuy vậy, quá trình thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản...
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Cẩm Tú nhấn mạnh, trọng tâm của nội dung kiểm tra là công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thu hồi tài sản tham nhũng.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Hội nghị |
Đồng chí yêu cầu, trong quá trình kiểm tra, Ban Thường vụ chỉ đạo các đơn vị chức năng cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ, chỉ rõ cụ thể khâu yếu trong việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở đâu, cơ quan, đơn vị nào? Việc ban hành một số nghị quyết, quy định của địa phương có bất cập, sai sót, thậm chí trái chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước không? Đồng chí cũng nhấn mạnh, cần làm rõ trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành văn bản pháp luật, có hành vi trục lợi, động cơ không trong sáng, “cài cắm” lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, cài cắm í tứ, câu chữ vào một số văn bản, quyết định không? Nếu có thì tập trung trong lĩnh vực nào, từ đó làm rõ trách nhiệm và có biện pháp cụ thể để khắc phục, xử lý.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý, cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC, nhất là không để tình trạng “quyền anh quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” trong thực hiện pháp luật về PCTNTC.
Đối với hoạt động của Đoàn kiểm tra, đồng chí cũng nhấn mạnh, thực hiện nghiêm quy chế, quy định, quá trình kiểm tra không được làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở thực tiễn để Ban Chỉ đạo đánh giá được kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa; làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong công tác này.
Nguyễn Phương Thảo