Đắk Lắk: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ Năm, 07/03/2024, 05:57 [GMT+7]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Chương trình số 53-CTr/TU, ngày 27/02/2024 nhằm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chương trình số 53-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu là triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương, góp phần huy động nguồn lực, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của nhà nước, sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp tỉnh Đắk Lắk năm 2023 |
Chương trình đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đảng đoàn, ban cán sự đảng của tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nghiên cứu, quán triệt Chương trình này đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên; cụ thể hóa và ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện…
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 (Quyết định số 564/QĐ-UBND, ngày 06/02/2024), trong đó, chú trọng tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản công và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Trong Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải bảo đảm tính toàn diện, tập trung vào chủ đề “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao cạnh tranh quốc gia; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra”.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chú trọng tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản công và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Theo đó, cần tập trung đẩy nhanh công tác sắp xếp, xử lý nhà đất theo quy định để bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo kế hoạch chung của cả nước. Chính quyền các địa phương cần có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc; kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở đã được phê duyệt, nhất là các cơ sở nhà, đất phải thu hồi, đấu giá. Cùng với đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, các địa phương tiếp tục phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.
Tập trung triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, bảo đảm trước năm 2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công.
Để thực hiện mục tiêu trên, toàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó, tập trung việc sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này. Cùng với tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công và kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sử dụng, gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Quỳnh Trang