Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng và Nhà nước

Thứ Tư, 17/04/2024, 06:03 [GMT+7]
    Thực hiện Kết luận số 2664-KL/TU, ngày 23/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh.
 
Một cuộc họp của Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa
Một cuộc họp của Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa
    Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, phổ biến, quán triệt thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 2664-KL/TU, ngày 23/02/2024 và các văn bản của Trung ương, của tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nhận thức rõ về sự liêm chính, không tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền; không sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người nhà, người thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi và các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác.
 
    Nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh việc khó, dám chịu trách nhiệm trong công việc; thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình; công tâm, khách quan, kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái...
 
    Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các nội quy, quy chế, quy định nội bộ của cơ quan, đơn vị (bao gồm bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp) để bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; đề án văn hóa công vụ; kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản liên quan.
 
    Phối hợp với cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị phát động phong trào thi đua thực hiện liêm chính, đồng thời tổ chức khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện. Định kỳ hằng năm xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, các quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ và các văn bản liên quan.
 
    Đưa việc thực hiện liêm chính vào nội dung đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm và đánh giá khi quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ theo quy định. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về sự liêm chính gắn với thực hiện cam kết tu dưỡng học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quy định về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện liêm chính đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
 
    Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án văn hóa công vụ, tập trung rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo nhanh gọn và thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
 
    Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với tập thể, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm.
 
    Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, bổ sung, xây dựng được bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức được học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm nêu gương, đạo đức công vụ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hương Giang
.