Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên: Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu công tác kiểm tra, giám sát và công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án
Thứ Hai, 15/07/2024, 06:01 [GMT+7]
Thực hiện chủ trương chỉ đạo, định hướng của Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Phú Yên (Ban Chỉ đạo tỉnh) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; thể hiện vai trò trung tâm, hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương thăm và làm việc với cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên |
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Phân công một số đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh làm Trưởng một số Đoàn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực nhạy cảm như: Công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công, đấu thầu, mua sắm tài sản công; việc quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; về thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động, tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề cho kỷ luật hành chính và cho công tác điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Từ kết quả công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Vụ án sai phạm trong bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xảy ra tại thị xã Đông Hòa; sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất; sai phạm trong bán đấu giá 262 lô tại Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa; sai phạm trong việc giao đất, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu đất có ký hiệu ô phố A2, đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa…
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy và Ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện đã kiên quyết xử lý và đề nghị xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những đồng chí là cán bộ chủ chốt, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, thấu tình, đạt lý, được đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục”.
Năm 2022, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thành lập Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022. Đoàn rà soát đã tiến hành rà soát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị như Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý các Dự án ĐTXD tỉnh, UBND thị xã Đông Hòa, UBND huyện Đồng Xuân, UBND huyện Sông Hinh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND xã Bình Kiến liên quan đến việc thực hiện các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra đối với các Kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đoàn rà soát đã xem xét đánh giá tình hình và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế theo quy định pháp luật qua công tác thanh tra, qua đó, đề ra giải pháp đôn đốc thực hiện trong thời gian tới. Qua kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Công văn chỉ đạo chấn chỉnh sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản qua thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Quy định số 01-QĐ/BCĐ ngày 11/7/2023 về công tác kiểm tra, giám sát. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra năm 2023 và Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc thanh tra, thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản giai đoạn 2022- 2023 đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi bộ Thanh tra tỉnh, đồng chí Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân 09 huyện, thị xã, thành phố. Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Thông báo số 23-TB/BCĐ, ngày 10/01/2024 kết luận nội dung kiểm tra này.
Ngày 07/5/2024, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCĐ về kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo năm 2024, trong đó có 02 nội dung kiểm tra và 01 nội dung giám sát gồm: Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong công tác cấp lần đầu đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với Ban Thường vụ Thành ủy Tuy Hòa và đồng chí Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa; Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các cuộc thanh tra; thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi bộ Thanh tra, đồng chí Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện của các địa phương thị xã Sông Cầu, huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh và Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về “một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực”, giám sát trực tiếp đối với Ban Thường vụ các Huyện ủy Đồng Xuân, Tuy An; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh. Hiện nay, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về “một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực” và triển khai các nội dung theo Kế hoạch kiểm tra.
Ban Chỉ đạo tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, kiến nghị. Ngay trong quá trình làm việc với Đoàn công tác số 7 - Ban Chỉ đạo Trung ương, trong khi chờ kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh đã chủ động đưa 26 vụ án, vụ việc do Đoàn Công tác kiến nghị vào Danh mục Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch giao cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, xem xét chỉ đạo xử lý, giải quyết. Đến nay, đã giải quyết dứt điểm 21/26 vụ án, vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục quy định, trong đó đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương xin kết thúc việc chỉ đạo đối với 17 vụ, đã được Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương có văn bản thống nhất cho kết thúc 06 vụ, các vụ còn lại đang tiếp tục xem xét. Trong số 21 vụ án, vụ việc này, có nhiều vụ bị tạm đình chỉ thời gian dài, có vụ liên quan đến trách nhiệm một số cán bộ, đảng viên nguyên lãnh đạo tỉnh; còn lại 05 vụ, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ như mong muốn trong tình hình hiện nay (như việc kiểm tra các cuộc thanh tra). Một số ít địa phương, cơ quan, đơn vị có thời điểm lãnh đạo công tác kiểm tra chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy vẫn còn có biểu hiện nể nang trong kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kết luận xử lý đúng mức độ phạm lỗi. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu; có nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý kéo dài.
Để tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh nâng cao công tác kiểm tra, giám sát và lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra các cấp. Nâng cao vai trò tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy, chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra - giám sát theo chức năng được giao. Tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng, kiểm tra, giám sát, thanh tra, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện, dư luận về tham nhũng, nhiều đơn, thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, trong đó, phải kiểm tra, giám sát toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát. Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Khi đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm; kết luận rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm.
Ba là, xác định đúng khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ là tập trung làm tốt công tác phát hiện, tham mưu, đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đặc biệt quan tâm tới việc chỉ đạo phát hiện, theo dõi, đôn đốc, tham mưu xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Bốn là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc theo dõi, chỉ đạo các vụ án, vụ việc trong Danh mục Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc. Theo dõi diễn biến của các vụ việc, vụ án để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo và nắm chắc quan điểm chỉ đạo xử lý để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các vụ án, vụ việc.
Năm là, chỉ đạo tiếp cận, khai thác nguồn thông tin, bản chất sự việc từ đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và qua phản ánh của báo chí. Từ đó, xác định, lựa chọn đúng vấn đề để tiến hành xác minh, tổ chức kiểm tra- giám sát và báo cáo, đề xuất chỉ đạo xử lý.
Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của tổ chức Đảng các cấp, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh Phú Yên tập trung, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc trong Danh mục của Ban Chỉ đạo tỉnh. Bước đầu đã có tác dụng kiềm chế, phòng ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngọc Trâm