Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình họp Phiên thứ 10
Thứ Tư, 16/10/2024, 13:52 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình (Ban Chỉ đạo tỉnh) tổ chức Phiên họp thứ 10 để đánh giá kết quả công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV năm 2024. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì Phiên họp.
Dự Phiên họp có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban cùng các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì Phiên họp |
Tại Phiên họp, sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2024, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất đánh giá: Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thông báo kết luận của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: Thực hiện công khai, minh bạch về tài chính, ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thực hiện nghiêm Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công; xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 130 lượt cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; kê khai, công khai đối với 1.271/1.271 người có nghĩa vụ kê khai, xác minh tài sản, thu nhập đối với 17 người tại 08 sở, ngành, huyện, thành phố theo quy định; uy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết kịp thời các công việc của người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, có nhiều đơn, thư, kiến nghị, phản ánh. Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; toàn ngành Thanh tra triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch. Thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, 9 tháng đầu năm đã giải quyết 920/1.085 tổng số vụ việc phải giải quyết, đạt tỷ lệ 85%.
Ban Chỉ đạo tỉnh đã thực hiện 02 cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực; 02 cuộc giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy định về việc cung cấp tài liệu phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.
Kết luận Phiên họp, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024, đồng thời, đồng chí lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 3 tháng cuối năm 2024, đó là: Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đúng quy định, thẩm quyền về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp; tiếp tục rà soát, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức, bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; rà soát các quy định tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, quản lý tài sản; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch; xây dựng Chương trình trọng tâm công tác năm 2025; Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025; tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo vào dự thảo Quy định về việc cung cấp tài liệu phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để hoàn chỉnh, ban hành.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi, phụ trách.
Bích Hạnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)