Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa
Thứ Hai, 05/11/2018, 15:01 [GMT+7]
Để thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, nhất là các quy định mới trong các đạo luật tư pháp về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng công tố trong hoạt động điều tra, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tố trong hoạt động điều tra, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, trọng tâm là:
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình công bố kết luận thanh tra toàn diện tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Hà |
Viện kiểm sát hai cấp chủ động thực hiện yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, đề ra các biện pháp cụ thể để gắn chặt hơn công tố với hoạt động điều tra ngay từ khi giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, truy tố để bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật. Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát điều tra; bám sát hoạt động điều tra, kiên quyết thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Kiểm sát viên kiểm sát điều tra phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc tài liệu, hồ sơ vụ án ngay từ khi khởi tố, bảo đảm cho việc phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra kịp thời, có căn cứ. Trước khi đề xuất phê chuẩn hoặc ban hành các quyết định tố tụng, Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung, phúc cung bị can để bảo đảm việc ra các quyết định của Viện kiểm sát được chính xác. Đối với các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; đối với án có hành vi, thủ đoạn phạm tội mới, án dễ bị hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế hoặc ngược lại... thì tập thể lãnh đạo đơn vị phải thảo luận kỹ trước khi quyết định phê chuẩn khởi tố bị can.
Kiểm sát viên kiểm sát điều tra phải thường xuyên cập nhật, kiểm sát kịp thời các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập, nắm chắc và kiểm sát chặt chẽ tiến độ lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra theo quy định tại của Bộ luật tố tụng hình sự; chủ động kiểm sát việc thu thập chứng cứ của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác; kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục ngay những thiếu sót, vi phạm và phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra. Nâng cao số lượng, chất lượng yêu cầu điều tra bằng văn bản gắn với việc theo dõi, đôn đốc Điều tra viên thực hiện; nội dung phải bảo đảm thiết thực, sát đúng với những vấn đề cần chứng minh của vụ án, khắc phục việc đề ra yêu cầu điều tra mang tính hình thức. Kiểm sát viên thường xuyên báo cáo lãnh đạo đơn vị về tiến độ, kết quả điều tra; yêu cầu kết thúc điều tra khi việc điều tra đã hoàn thành, không chờ hết thời hạn mới kết thúc điều tra. Định kỳ 15 ngày 1 lần lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tiến hành kiểm tra, nghe Kiểm sát viên báo cáo kết quả, tiến độ điều tra; trực tiếp kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu của vụ án trước khi truy tố chuyển hồ sơ sang Tòa án. Tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra giải quyết các vụ án có khó khăn phức tạp trong điều tra, đánh giá chứng cứ để bảo đảm không để xảy ra oan, sai.
Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra đối với các hoạt động của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Thực hiện tốt quy định về chế độ báo cáo, duyệt án để nghe và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể khi Kiểm sát viên báo cáo đề xuất phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra, đường lối truy tố, xét xử, đồng thời tăng cường kiểm tra nghiệp vụ, kiểm tra việc ra yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, chuẩn bị đề cương thẩm vấn và dự kiến các tình huống phát sinh, dự kiến các vấn đề tranh luận, đối đáp tại phiên toà, phương án xử lý của Kiểm sát viên. Thường xuyên kiểm tra kỹ năng của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, trước và trong khi tham gia phiên tòa như kỹ năng hỏi cung, lấy lời khai, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng quan sát, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, ghi chép, kỹ năng phản bác, đối đáp với các quan điểm trái với quan điểm của Viện kiểm sát, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.
Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện hồ sơ vụ án để nắm chắc nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, vai trò, động cơ, mục đích phạm tội, các đặc điểm về nhân thân, tính chất mức độ, hậu quả hành vi phạm tội. Đối với những vụ án phức tạp, bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội hoặc phản cung, Kiểm sát viên phải tổng hợp đầy đủ các chứng cứ buộc tội, các tài liệu có liên quan đến việc kết tội bị cáo và các tài liệu khác phục vụ việc giải quyết vụ án để bảo vệ cáo trạng, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát tại phiên tòa. Ngoài việc chuẩn bị đề cương thẩm vấn, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên toà, các vấn đề phải tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên còn phải chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan tới việc xác định tội danh, điều luật để đề nghị áp dụng hình phạt; trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để chủ động trong đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Kiểm sát viên xây dựng dự thảo luận tội bảo đảm lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục cao, có căn cứ, chính xác trong phân tích đánh giá chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên tập trung theo dõi diễn biến phiên tòa, ghi chép đầy đủ ý kiến của Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng. Tích cực tham gia xét hỏi bảo đảm không vi phạm quy định cấm của pháp luật, hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng; chủ động hỏi về những vấn đề Hội đồng xét xử chưa hỏi, về nội dung còn có mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho tranh luận, đối đáp. Khi xét hỏi các bị cáo trong vụ án có đồng phạm, Kiểm sát viên phải có kế hoạch xét hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau; các vấn đề cần hỏi trước, hỏi sau để làm rõ được những tình tiết có ý nghĩa nhất, khách quan nhất. Khi xét hỏi có thể kết hợp với đấu tranh để giải quyết những mâu thuẫn trong lời khai của người được xét hỏi.
Khi đối đáp, tranh luận, Kiểm sát viên phải đưa ra các chứng cứ tài liệu và lập luận để tranh luận, đối đáp đầy đủ, đến cùng với các ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; không từ chối tranh luận, đối đáp khi Hội đồng xét xử, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đề nghị, yêu cầu mà có căn cứ phải tranh luận, đối đáp . Quá trình tranh luận, đối đáp kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm sai trái để bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử ra phán quyết đầy đủ, đúng pháp luật.
Viện kiểm sát tỉnh phối hợp với Tòa án tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa lưu động; đã tích cực, chủ động phối hợp để lựa chọn, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp bảo đảm đúng yêu cầu, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao. Chú trọng lựa chọn những phiên tòa do lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và những vụ án có tính chất phức tạp, dư luận quan tâm, dự kiến có nhiều vấn đề phải tranh tụng, có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm để cán bộ, Kiểm sát viên học tập kỹ năng tranh luận, đối đáp tại phiên tòa nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc gửi lịch phiên tòa hình sự và danh sách Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; báo cáo số lượng, tư cách những người tham gia tố tụng, dự kiến nội dung tranh luận, đối đáp về Phòng 7. Giao cho Phòng 7 chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo lịch phiên tòa và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử; tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm và các phiên tòa dự kiến có hoạt động tranh tụng. Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh dự, kiểm tra đột xuất công tác thực hành quyền công tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa để phát hiện, chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời về kỹ năng thực hành quyền công tố, tranh tụng của Kiểm sát viên.
Hằng tháng, quý, sơ kết, tổng kết các đơn vị phải báo cáo cụ thể các phiên tòa có hoạt động tranh tụng, số lượng ý kiến tranh tụng, các nội dung tranh tụng, kết quả tranh tụng tại phiên tòa gửi về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo, đồng thời thông báo kết quả thực hiện, thông báo rút kinh nghiệm về hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp tại phiên tòa.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)