Hà Nội: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức cuộc họp giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp |
Năm 2018, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các quận, huyện, thị ủy và các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018, đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác. Trong đó, kết quả điều tra khám phá chung, khám phá trọng án đạt tỷ lệ 98,8%, cao hơn 8,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội đã đề ra. Công tác chấp hành pháp luật trong điều tra, bắt, giam giữ được thực hiện nghiêm túc, không có dấu hiệu oan sai.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng điều tra, bổ trợ tư pháp được thực hiện chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi đơn vị. Công tác kiểm sát và thực hành quyền công tố của ngành kiểm sát tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Hoạt động xét xử của Tòa án cơ bản bảo đảm đáp ứng các quy định của pháp luật; các vụ án đều được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định có căn cứ bảo đảm quy định, quyền, nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng, cơ bản được Tòa án nhân dân hai cấp bảo đảm và tôn trọng.
Công tác phối hợp giữa cơ quan tư pháp được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện tốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực…
Các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong năm 2018 và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực mà Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy đã triển khai trong năm 2018. Đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy đã nêu trong báo cáo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, trong năm 2019, các ngành, các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến tư pháp, cải cách tư pháp; tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Trong đó, các ngành, các cấp cần phấn đấu nâng tỷ lệ xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt trên 90%; duy trì tỷ lệ khám phá tội phạm đạt trên 75%, khám phá trọng án đạt trên 90%; thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động tư pháp gắn với Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy;
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU ngày 5-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính”, nhất là các vụ án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm, các vụ việc có giá trị lớn...
Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy cũng yêu cầu thực hiện nghiêm cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết những vụ án theo Chỉ thị của Bộ Chính trị; tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết tốt các vụ án lớn, vụ án tham nhũng phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế về tư pháp.
Hải Hà