Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW
Thứ Tư, 20/02/2019, 16:07 [GMT+7]
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”, các cấp ủy, tổ chức đảng tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác cải cách tư pháp với quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, chất lượng hoạt động tư pháp đã được nâng lên một bước, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách tư pháp, nổi bật như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018; Kế hoạch công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021; các kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác cải cách tư pháp, Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 05-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW… Đặc biệt, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp tiếp tục được hoàn thiện theo hướng vừa sâu sát, đảm bảo đúng nguyên tắc lãnh đạo, vừa phát huy vai trò, tính chủ động của các cơ quan tư pháp. Công tác xây dựng Đảng, giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên các cơ quan tư pháp được chú trọng thực hiện. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các địa phương được thành lập và thường xuyên được kiện toàn. Việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tư pháp trong tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy Quảng Ninh kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh |
Tỉnh đã từng bước đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời, quan tâm công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp. Các cơ quan tư pháp hai cấp của tỉnh chủ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từng bước được nâng lên. Việc thực hiện xét xử theo mô hình tranh tụng bước đầu có hiệu quả; công tác hòa giải, đối thoại trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính được chú trọng. Thời gian qua, tỉnh không để xảy ra án oan, sai nghiêm trọng phải tiến hành bồi thường. Các cơ quan tư pháp tích cực phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vụ việc nổi cộm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong xử lý các vi phạm liên quan đến than, giải quyết các khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai, dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng..., góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại. Các hoạt động giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp được tăng cường; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp ngày càng được mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt, đa số cấp ủy địa phương đã quan tâm ban hành kế hoạch, chương trình công tác cải cách tư pháp hằng năm để triển khai thực hiện. Một số địa phương đã chủ động ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, trong đó có công tác cải cách tư pháp như: Móng Cái, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên... Ngoài ra, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp còn được chỉ đạo lồng ghép trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản chỉ đạo về công tác nội chính của địa phương.
Cấp ủy các ngành tư pháp, nổi bật là Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách tư pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng ngành. Công an tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác điều tra, chất lượng đội ngũ điều tra viên và cán bộ điều tra; hằng năm đều ban hành nghị quyết về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó có đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp. Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát tỉnh…
Để nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch, chương trình công tác để cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh sát với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo thiết thực, tránh hình thức; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Bảo Bình