Chiến lược cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân đến năm 2030
Thứ Tư, 26/06/2019, 14:18 [GMT+7]
Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo về “Chiến lược cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân định hướng đến năm 2030”.
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp. Theo yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong bộ máy Nhà nước ta, Tòa án nhân dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.
Toàn cảnh Hội thảo |
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được những kết quả quan trọng. Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân đã được đổi mới, hoàn thiện, trong đó đã khẳng định vlà cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống tòa án 4 cấp; đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng; đổi mới hình thức phòng xử án. Mặt khác, đội ngũ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân được đổi mới, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng...
Để chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và góp ý văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới bên cạnh việc phải tổng kết, đánh giá lại những kết quả cải cách tư pháp đã đạt được, các tòa án phải nghiên cứu, đề xuất những định hướng lớn cho Đảng về chiến lược cải cách tư pháp mới của hệ thống tòa án nói riêng và nền tư pháp nói chung.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung tham luận, thảo luận làm rõ kết quả đạt được trong công tác cải cách tư pháp của ngành Tòa án nhân dân thời gian qua, phân tích hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, kiến nghị nhiều giải pháp để xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp mới trong Tòa án nhân dân giai đoạn 2021-2030. Trong đó, xác định rõ hệ mục tiêu, quan điểm, định hướng, các hình thức, giải pháp, các nguồn lực và lộ trình thực hiện cải cách tư pháp; tập trung xây dựng chế độ tư pháp công khai, minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; xây dựng cơ chế giám sát liêm chính tư pháp…
Tiến Dũng