Hòa Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh

Thứ Hai, 05/08/2019, 16:19 [GMT+7]
    Trong những năm qua, Tỉnh ủy Hòa Bình đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của luật sư và tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư, hành nghề luật sư tại địa phương đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện. Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 33- CT/TW; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật luật sư và Đề án phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh tới cán bộ, Nhân dân trong tỉnh. 
 
    Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, dần hình thành cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng luật sư trong các giao dịch dân sự, hành chính, trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Qua đó nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về tổ chức, hoạt động, vị trí, vai trò của luật sư; tổ chức và đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn, bước đầu hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội nói chung cũng như hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động tố tụng nói riêng. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế, quốc tế. 
 
    Sở Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về luật sư, tổ chức và hành nghề luật sư tại địa phương, thời gian qua Sở Tư pháp đã chủ động Xây dựng dự thảo các kế hoạch, đề án theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp để phát triển đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương; cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định; thực hiện việc kiểm tra hoạt động hành nghề của các văn phòng luật sư, công ty luật. Qua công tác kiểm tra kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu xót trong hoạt động hành nghề của luật sư, của tổ chức hành nghề luật sư, đảm bảo trật tự, kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hành nghề luật sư tại địa phương.
 
    Toàn tỉnh hiện có 08 Văn phòng luật sư. Đoàn luật sư tỉnh Hòa Bình có 16 luật sư. Các luật sư của Đoàn đều tâm huyết với nghề, tích cực khắc phục khó khăn để hoạt động ổn định, tham gia tố tụng đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của tổ chức cá nhân, chưa để trường hợp nào có yêu cầu luật sư mà không được đáp ứng. Hoạt động hành nghề của các luật sư đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, chưa để xảy ra tình trạng phải hoãn phiên tòa do thiếu luật sư. Đa số các luật sư chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về luật sư và các quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình hoạt động hành nghề luật sư, thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. 
 
    Đoàn luật sư tỉnh về cơ bản đã bước đầu phát huy vai trò tự quản, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, Điều lệ Liên đoàn Luật sự Việt Nam. Định kỳ Đoàn Luật sư đều tổ chức Đại hội toàn thể luật sư, quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ luật sư; kịp thời tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư. Quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ luật sư và cử luật sư tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tại các tỉnh, thành phố khác do Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức, góp phần bảo vệ, hỗ trợ quyền hành nghề và các quyền lợi hợp pháp khác của luật sư, giám sát đạo đức nghề nghiệp và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư và luật sư trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ của địa phương. 
 
    Đoàn Luật sư tỉnh đã thực hiện tốt trong việc báo cáo thực hiện các nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã giao cho trong công tác tự quản như: Báo cáo về tình hình tổ chức thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư thành viên; báo cáo thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư và báo cáo về việc tổ chức kiểm tra tập sự hành nghề luật sư,... Chất lượng tự quản đã từng bước được nâng lên, bước đầu thực hiện khá hiệu quả nguyên tắc kết hợp giữa tự quản với quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư. Qua đó góp phần tích cực từng bước nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật, mở rộng dân chủ; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển.
 
    Thực hiện Chỉ thị số số 33-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền cho luật sư trong việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động tham gia tố tụng, phối hợp giải quyết vụ án, vụ việc của luật sư tại địa phương.
Đoàn Cần
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình)
 
.