Xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp

Thứ Hai, 10/01/2022, 16:25 [GMT+7]
    Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện; Trung tâm Giám sát, điều hành Tòa án nhân dân và ra mắt phần mềm Trợ lý ảo. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo.
 
    Trung tâm Giám sát, điều hành hoạt động Tòa án nhân dân là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử. Trung tâm được xây dựng nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” của Tòa án với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, tạo ra bức tranh tổng thể trên mọi lĩnh vực hoạt động của Tòa án. Để kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết 33 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động chỉ đạo xây dựng hệ thống xét xử trực tuyến đồng bộ về hạ tầng truyền dẫn, phần cứng và phần mềm và đạt các tiêu chuẩn về chất lượng âm thanh, hình ảnh, bảo mật, an toàn thông tin để triển khai áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.
 
Các đại biểu tham dự buổi Lễ theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến tại “Trung tâm Giám sát, điều hành Tòa án nhân dân tối cao”
Các đại biểu tham dự buổi Lễ theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến tại “Trung tâm Giám sát, điều hành Tòa án nhân dân tối cao”
    Hệ thống phần mềm Trợ lý ảo được phát triển nhằm mục tiêu: Thực hiện số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các thế hệ Thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm; tạo ra Thư ký ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án; bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân.
 
    Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và biểu dương những kết quả công tác, thành tích nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tòa án các cấp cần thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án. Các Tòa án cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
 
    Đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân với nhiều giải pháp đổi mới và sáng tạo, tích cực tham mưu cho Đảng và Nhà nước những cải cách tư pháp trong Tòa án, Đề án Chiến lược xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045, Đề án xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng cải cách tư pháp. Tích cực tham gia xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật để kịp thời giải quyết yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; nghiên cứu hoàn thành chính sách pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho chiến lược chuyển đổi số và Tòa án điện tử; tổ chức triển khai thi hành hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về công tác Tòa án, nhất là Nghị quyết số 33 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; khẩn trương xây dựng, ban hành, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản tổ chức thi hành hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn.
 
    Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án phải quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu lực, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả, xác định đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ Tòa án về yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp.
                                                                                                 P.V
.