Long An: Lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác cải cách tư pháp
Thứ Ba, 26/09/2023, 07:19 [GMT+7]
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Long An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp. Trong đó, nổi bật là công tác phổ biến, quán triệt, triển khai, thực hiện các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác cải cách tư pháp, các văn bản pháp luật về lĩnh vực tư pháp.
Các cơ quan tư pháp đã duy trì nền nếp, chế độ giao ban công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tích cực, chủ động tham gia góp ý kiến xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các bộ, ngành cấp trên, theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh như tham gia góp ý các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân,... Các ý kiến đóng góp đều bảo đảm chất lượng, hiệu quả, kịp thời.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An kiểm tra công tác cải cách tư pháp tại TP. Tân An |
Chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp được nâng lên rõ rệt, nhất là chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thuộc khối nội chính được duy trì nền nếp, hiệu quả.
Nổi bật là, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm tin báo, tố giác tội phạm được tiếp nhận 100%. Lực lượng công an điều tra, làm rõ 307/334 vụ, lập hồ sơ xử lý 576 đối tượng, thu hồi tài sản gần 6,4 tỷ đồng.
Trong hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Qua đó, đã ban hành 86 kiến nghị khắc phục vi phạm đối với các cơ quan tư pháp; phối hợp Tòa án nhân dân tổ chức 112 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Ngành Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định pháp luật. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội, không để án quá thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật; chất lượng giải quyết, xét xử được nâng lên rõ rệt.
Các cơ quan trong khối tư pháp đã thường xuyên phối hợp, duy trì trao đổi thông tin, giao ban định kỳ theo quy chế phối hợp liên ngành nhằm đánh giá tình hình, xem xét các vụ án, vụ việc để có phương án giải quyết dứt điểm. Đồng thời, duy trì chế độ giao ban đột xuất khi có các vụ án, vụ việc phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.
Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp gương mẫu thực hiện và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, quán triệt cán bộ, đảng viên tại cơ quan, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các vụ án, vụ việc và đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Tập trung chỉ đạo sâu sát đối với việc xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế và các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo cũng như nâng hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc. Trong thực hiện nhiệm vụ phải gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
P.V