Thừa Thiên Huế: Triển khai nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp năm 2024
Thứ Bảy, 23/12/2023, 05:55 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024; đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023 công tác cải cách tư pháp ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp ở địa phương. Ban Chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy địa phương, đơn vị, các cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đề ra mà trọng tâm việc quán triệt, triển khai Kế hoạch 84-KH/TU, ngày 04/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Toàn cảnh Hội nghị |
Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm. Nhờ đó, công tác cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể: Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn; đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp ngày càng được củng cố kiện toàn; cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp từng bước được đảm bảo. Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục được nâng lên. Đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án phức tạp trên địa bàn. Công tác tham gia góp ý xây dựng luật được chú trọng và có chất lượng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp nhấn mạnh, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này đòi hỏi các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục kiên trì, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp thời gian tới.
Theo đó, các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 84-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Chủ động nghiên cứu xây dựng Chương trình công tác năm 2024, đưa ra những giải pháp tích cực, hiệu quả thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mình trong năm cũng như những năm tiếp theo. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, cơ quan dân cử đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp tại các đơn vị, địa phương.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; nghiên cứu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tư pháp chung cho toàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.Quan tâm việc tổ chức Đại hội Hội Luật gia tỉnh bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Hội Luật gia Việt Nam.
Phan Viết Giảng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)