Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Phú Yên: Hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng hành chính và thi hành án hành chính
Thứ Năm, 04/07/2024, 14:45 [GMT+7]
Ngày 03/7/2024, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Dự Hội nghị có các đồng chí: Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị |
Gần 270 đại biểu là đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh; cán bộ, công chức các phòng chuyên môn có liên quan tại các Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra; đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố; công chức tham mưu có liên quan của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá, thời gian qua, công tác giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chất lượng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ giải quyết án một số năm còn thấp, tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính phức tạp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài, trong đó, chủ yếu là các vụ án liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai; nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được triển khai thi hành… Do đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tham gia tập huấn nghiêm túc nghiên cứu, học tập, tích cực trao đổi, thảo luận, nêu lên những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực tế thực hiện nhiệm vụ; đề xuất, kiến nghị để cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vướng mắc, tồn tại hạn chế thực tiễn đặt ra.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phát biểu tại Hội nghị |
Các đại biểu dự Hội nghị đã nghe đại diện Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo chuyên đề về kỹ năng tham gia tố tụng hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó, tập trung đi sâu, phân tích những nội dung về các hành vi hành chính; một số hoạt động liên quan đến giải quyết vụ án của tòa án; người đại diện và việc ủy quyền trong tố tụng hành chính; biện pháp khẩn cấp tạm thời; đối thoại trong tố tụng hành chính; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa hành chính; kỹ năng tham gia phiên tòa; một số quy định về thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai và lưu ý đối với một số loại án cụ thể…
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến đề nghị giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Lãnh đạo các cơ quan Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, giải đáp cụ thể các vấn đề vướng mắc mà đại biểu đưa ra.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu lưu ý nghiên cứu, nắm bắt kỹ các kỹ năng khi tham gia tố tụng hành chính và thi hành án hành chính để phục vụ tốt nhất việc tham gia tố tụng, tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án; chỉ đạo xem xét làm rõ trách nhiệm và có biện pháp khắc phục đối với đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên có biểu hiện né tránh, không phối hợp tham gia tố tụng, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu cho Tòa án theo quy định; đại điện các cơ quan chuyên môn các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) trong quá trình cung cấp chứng cứ, hồ sơ, tài liệu, tham gia tố tụng, nhất là trong phiên tòa cần trao đổi trước, thống nhất về quan điểm, nội dung trình bày về tình tiết vụ án, phù hợp với chứng cứ, tài liệu của các cơ quan chức năng đang lưu giữ, tránh để xảy ra sai sót; bảo đảm người tham gia tố tụng là người có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, đại diện theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ việc nổi cộm, bức xúc của công dân; làm tốt công tác hòa giải, đối thoại với công dân để giải quyết vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, tránh để xảy ra phức tạp, hạn chế việc khởi kiện các vụ án hành chính của công dân. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành, đề nghị UBND các cấp và các ngành có liên quan sớm nghiên cứu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc có giải pháp kiến nghị xem xét phù hợp, không để tình trạng đơn, thư kéo dài, gây bức xúc hoặc tình trạng công dân gửi đơn nhiều nơi, làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Lê Hằng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên)