Điểm báo tuần số 217(Từ ngày 14/4/2012 đến ngày 20/4/2012)

Thứ Năm, 03/05/2012, 11:55 [GMT+7]

Cùng ngày, báo này đưa tin, nông dân xã bán mía phải “lót tay” từ 100-200 nghìn đồng/xe cho nhân viên Nhà máy Đường KCP huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Công ty TNHH Công nghiệp Việt Nam, mới được giảm phần trăm trừ tạp chất mía. Hiện Nhà máy Đường KCP đang chế biến 5.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Như vậy, mỗi ngày cần đến 250 chuyến xe chở mía vào nhà máy (mỗi xe 20 tấn). Chỉ tính mỗi xe “lót tay” ít nhất 100.000 đồng để giảm trừ tạp chất, thì nhân viên nhà máy “bỏ túi” 25 triệu đồng/ngày.

Báo Công an nhân dân, Người Lao động (14/4) phản ánh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Thanh Thanh, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; Tống Nguyên Dũng, nhân viên Tín dụng; Đoàn Lê Du, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng; Huỳnh Trung Chí, nhân viên Tín dụng; Lương Thị Việt Yên, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Võ Văn Tần; Hồ Hải Sỹ, nguyên Phó phòng và Lê Thị Ngọc Lợi, Giao dịch viên về tội vi phạm quy định cho vay và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can đã tạo điều kiện để bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.

 Theo tin từ báo Pháp luật TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu (14/4), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê chuẩn quyết định bắt tạm giam ông Trần Quang, Tổ Trưởng Tổ đo đạc bản đồ huyện Châu Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để điều tra về hành vi môi giới hối lộ. Trước đó, Công an tỉnh đã bắt quả tang khi ông Quang đang nhận số tiền 30 triệu đồng từ một phụ nữ trú tại thành phố Hồ Chí Minh để “chạy án” giúp chồng đang bị truy tố, xét xử tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước khi bị bắt quả tang, Quang nhiều lần nhận số tiền 220 triệu đồng của bà L. để lo cho chồng, được hưởng án treo nhưng không thành.

Báo VnExpress, Công an nhân dân, Pháp luật TP.HCM (14/4), Dân trí (16/4) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt Phan Thanh Nhật, nguyên Giám đốc; Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên viên Phòng Quan hệ khách hàng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Techcombank Lê Quang Định, quận Bình Thạnh cùng mức án 7 năm tù về tội nhận hối lộ. Theo cáo trạng, trong quá trình giải ngân cho Công ty Đất Vàng Len, trụ sở tại quận Bình Thạnh Nhật làm hồ sơ xin vay khoảng 20 tỷ đồng, các bị cáo yêu cầu doanh nghiệp này chi 2 - 3% trên tổng số tiền được vay.

Báo Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Đồng Nai (15/4) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai hoàn tất cáo trạng, truy tố Nguyễn Thị Thanh Lan, nguyên Kế toán; Đỗ Quang Khôi, cán bộ Bảo hiểm xã hội thị xã Long Khánh về tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng, từ năm 2008 - 2010, bằng thủ đoạn gian dối, Lan và Khôi tự ý thu tiền mặt trái quy định và chiếm đoạt của Bảo hiểm xã hội thị xã Long Khánh hơn 4,3 tỷ đồng.

Báo Đại đoàn kết (16/4) phản ánh, Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc sử dụng sai mục đích, sai đối tượng trong Dự án và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Kết quả xác minh tại 6 Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, 40 cơ sở dạy nghề tại các địa phương cho thấy, có 105 tỷ đồng được sử dụng sai mục đích, đối tượng.

Theo tin từ báo Thanh niên (16/4), UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Công an tỉnh trong tháng 6 phải báo cáo kết quả điều tra về việc có hay không tình trạng “chạy” để được hưởng chế độ, chính sách nhiễm chất độc da cam/dioxin?. Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho thấy đã phát hiện một số hồ sơ có dấu hiệu không hợp lệ nhưng vẫn được chi trả. Chính quyền tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công tác rà soát 267 hồ sơ đã giám định y khoa nhưng chưa được hưởng chế độ. Hiện tại, toàn tỉnh mới giải quyết chế độ cho 4.196 trường hợp trên tổng số 40.000 đối tượng bị nhiễm chất độc.

Báo Thanh niên, SGGP, Pháp luật TP.HCM (16/4) cho biết, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai quyết định cách chức đối với ông Nguyễn Văn Thức, từ Phó chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Long Thành xuống Chấp hành viên. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Long Thành qua xác minh tố cáo của công dân, phát hiện năm 2007, khi thi hành một bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai, ông Thức nhận 20 triệu đồng của đương sự là bà Mai Thị Mến, trú tại huyện Long Thành trái quy định; vay mượn 400 triệu đồng của một đương sự khác để mua tài sản đấu giá thi hành án nhưng không trả đúng cam kết.

Báo Nhân dân, Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động (17/4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử bị cáo Phan Hà Ngọ, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; Lê Văn Lợi, nguyên Phó trưởng Phòng quản lý công sản thuộc Sở Tài chính về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo trạng, năm 2007-2008, bị cáo Ngọ và Lợi đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc hỗ trợ tiền sử dụng đất cho 11 hộ dân sinh sống trong ba căn nhà 279- 281-283 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa, gây thiệt hại cho Nhà nước 837 triệu đồng.

Báo Nhân dân, Tiền phong, SGGP, Tuổi trẻ TP.HCM (17/4) phản ánh, Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố bị can đối với ông Đoàn Hữu Hậu, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh vì có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Theo điều tra ban đầu, ông Hậu nhận 28 triệu đồng của gia đình ông Bùi Văn Tạo để lo cho ông này thoát tội trong một vụ án cố ý gây thương tích; nhận 70 triệu đồng của bà Định Ngọc Diễm ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, lo thắng kiện trong vụ tranh chấp 300m2 đất.

Theo tin từ báo Tuổi trẻ TP.HCM (17/4), kết quả thanh tra về tài chính, ngân sách của Đoàn thanh tra Sở Tài chính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho thấy, từ 2008 - 2010, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trích khấu hao tài sản sai quy định hơn 18,3 tỷ đồng.

Báo Lao động (17/4) cho biết, Công an tỉnh Cà Mau làm việc với những người liên quan trong vụ nghi vấn bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nhận hối lộ gần 600 triệu đồng. Báo Thanh niên (18/4) thông tin thêm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy qua kiểm tra phát hiện một số sai phạm của bà Nhãn như: cho quyết toán khống khối lượng công trình để nhà thầu được thanh toán số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; chọn nhà thầu sai quy định; nhận 50 triệu đồng của nhà thầu hỗ trợ chi phí đi công tác Hà Nội sai nguyên tắc. Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Cà Mau (19/4), Lao động, Người Lao động (20/4) phản ánh, từ kết quả xác minh của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên vụ việc được chuyển hồ sơ Công an tỉnh Cà Mau để điều tra làm rõ.

Báo Thanh niên (18/4) phản ánh, báo cáo kết quả giám sát đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra vẫn còn nhiều lãng phí, thất thoát vốn đầu tư trong lĩnh vực này. Điển hình là tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, còn xảy ra sai phạm, thất thoát, tham nhũng trong quá trình thực hiện.

Theo tin từ báo Công an nhân dân, Dân trí (18/4), Công an thành phố Hà Nội kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Phùng Thị Tuyết, Trưởng đại lý vé một cửa hàng thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không (Công ty Airseco) về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bà Tuyết  tự ý thu của một số khách hàng và 3 đại lý cấp hai và chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.

Báo VnExpress, Tiền phong, Nông thôn ngày nay, SGGP, Dân trí (18/4), Pháp luật TP.HCM (19/4) cho biết, Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố bị can Nguyễn Văn Sáu, cán bộ Địa chính Phường 7, Quận 8; Phạm Văn Phước, nhân viên Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng Quận 8 khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2005 - 2008, Sáu và Phước đã không ra hiện trường giám sát nhưng vẫn ký vào biên bản bốc mộ để một số đối tượng câu kết với nhiều người kê khống việc bốc mộ chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng Quận 8.

Báo VnExpress, Công an nhân dân, Dân trí (18/4), Hà Nội mới (19/4) đưa tin, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng 7 bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt. Theo án sơ thẩm, bị cáo Phạm Thanh Bình bị tuyên phạt 20 năm tù giam vì có những sai phạm trong các dự án: mua tàu Hoa sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân, xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Báo Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Người lao động (19/4) phản ánh, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định kỷ luật cảnh cáo của Sở Nội vụ đối với bác sĩ Nguyễn Thành Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Bác sĩ Hy đã sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, cho thuê mặt bằng, hoạt động liên doanh, liên kết thành lập phòng khám đa khoa và bác sĩ gia đình giữa Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Đại học Y dược và Công ty MTS; nghiệm thu công trình xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn không đạt yêu cầu, sai sót trong tài chính, mua sắm thiết bị, sửa chữa nhà cửa, quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn vay kích cầu.

Theo tin từ báo Thanh niên (18/4), SGGP (19/4), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Tám, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Tân Bình (Agribank Tân Bình), thành phố Hồ Chí Minh; Phạm Việt Văn, nguyên Phó Giám đốc; Đỗ Giao Toàn, nguyên Phó phòng Tín dụng; Đặng Thị Duyên Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Tín dụng; Ngô Đức Tài, nguyên Phó phòng Tín dụng; Nguyễn Văn Chín, nguyên cán bộ Tín dụng; Võ Đức Hùng, nguyên Trưởng phòng Thẩm định về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo trạng, dù biết Công ty TNHH Cát Phương Nam, Công ty TNHH Trường Phát Đạt và một số cá nhân không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nhưng dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tám, nhiều bị cáo khác vẫn ký duyệt hồ sơ giải quyết cho vay tiền không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo là giả mạo; không thẩm định hồ sơ vay, phương án vay vốn, sử dụng vốn; không kiểm tra tính xác thực của tài sản thế chấp…, khiến Agribank Tân Bình bị chiếm đoạt 120 tỷ đồng. Báo Tiền phong, SGGP (20/4) thông tin thêm, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo Hội đồng xét xử, lời khai của các bị cáo cho thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt người lọt tội, do đó trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.

Báo Công an nhân dân (19/4) đưa tin, vụ việc tại Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO)  đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng BCĐ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý. Từ năm 2009 đến nay, đã có tới 9 đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra về những sai phạm có dấu hiệu cố ý làm trái tại SABECO, dẫn tới thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Đến nay, dư luận vẫn đang chờ đợi sự khẩn trương của các cơ quan chức năng.

 Báo Thanh tra (20/4) phản ánh, từ năm 2001 - 2010, lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Đường đã buông lỏng quản lý rừng và đất đai, để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Đường chỉ bị kỷ luật khiển trách và vẫn lên chức Bí thư Đảng ủy xã. Dư luận cho rằng, huyện Lệ Thủy đã nương tay khi xử lý quá nhẹ sai phạm nghiêm trọng và kéo dài qua nhiều năm của ông Đường.

Theo tin từ báo Pháp luật TP.HCM (20/4), Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An kỷ luật đề nghị tước danh hiệu công an đối với Trung úy Võ Văn Thừa, Phó Công an xã Đức Hòa Đông. Quá trình lập biên bản vụ đánh bạc trên địa bàn, Thừa không báo số tiền bị giữ và giữ lại khoảng 30 triệu đồng để chi xài cá nhân.

Báo Công an nhân dân, Tiền phong, Người Lao động (20/4) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố bị can Hoàng Công Uyên, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng 78, Tổng Công ty Miền Trung (Cosevco); Đặng Ngọc Thành, Phó Giám đốc; Hồ Sỹ Quảng, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Gỗ MDF (Cosevco); Lê Văn Xưởng, Kế toán trưởng Công ty Xây dựng 78; Hoàng Xuân Thuận, Kế toán trưởng Cosevco; Lê Chơn, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Quang Trung (Công ty EC5); Nguyễn Khắc Thương, cán bộ Công ty EC5 về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo cáo trạng, bị can Uyên cùng thuộc cấp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng vốn đầu tư, vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng và vi phạm nguyên tắc quản lý vốn ngân sách Nhà nước tại dự án nhà máy gỗ MDF, gây thiệt hại cho ngân sách và vốn đầu tư của dự án hơn 1,2 tỷ đồng. 

Tin quốc tế:

Báo Thanh tra (16/4) đưa tin, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (CONAC) và Bộ Y tế Camerun cho biết, bắt đầu triển khai một chiến dịch nhằm loại trừ tham nhũng trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Theo chiến dịch này, trong vòng 100 ngày, lãnh đạo các bệnh viện công sẽ phải tiến hành loại bỏ tình trạng tham nhũng trong đơn vị mà họ quản lý như: xóa bỏ tình trạng tăng quá cao chi phí khám chữa bệnh, không cho bệnh nhân hưởng các trợ cấp cần thiết mà Chính phủ và ngành Y tế đã quy định, bán thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng. Đặc biệt, phải loại bỏ hoàn toàn tình trạng nhận hối lộ của các y, bác sĩ trong khám chữa bệnh.

Cùng ngày báo này phản ánh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để chống tham nhũng, chống lạm dụng quyền lực. Trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp cải tổ quan trọng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tất cả các cấp chính quyền sẽ phải chịu sự giám sát, kiểm tra của một đơn vị giám sát hoạt động thực sự nghiêm túc, hiệu quả cùng với sự giám sát trực tiếp từ cộng đồng dân cư địa phương. Chính phủ sẽ tiến hành điều tra những tố cáo tham nhũng từ người dân và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, nhanh chóng công khai kết quả những cuộc điều tra này.

Theo tin từ báo Thanh tra (19/4), theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu công luận (CVVM) thuộc Tổng cục Thống kê quốc gia Cộng hòa Séc vừa công bố, có 41% số người được hỏi cho rằng, hối lộ và tham nhũng là những yếu tố chính tác động đến những quyết định của lãnh đạo các cấp chính quyền. 3/5 số người được hỏi muốn có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc làm của các công chức, quan chức chính quyền các cấp. Điều này lý giải vì sao, trong thời gian qua, Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus luôn đưa ra cam kết chống tham nhũng như một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

- Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra nhiều lãng phí, thất thoát vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông);

 - Xét xử sơ thẩm vụ chiếm đoạt 120 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Tân Bình (Agribank Tân Bình), thành phố Hồ Chí Minh;

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trích khấu hao tài sản sai quy định hơn 18,3 tỷ đồng;

- Bắt tạm giam nguyên cán bộ Địa chính phường 7, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh và nhân viên Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng Quận 8 liên quan đến đường dây lập hồ sơ mộ giả để chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền đền bù.


                                             VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG

              VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

;
.