Điểm báo tuần số 220 (từ ngày 5/5/2012 đến ngày 11/5/2012 )

Thứ Ba, 15/05/2012, 09:22 [GMT+7]

Báo Pháp luật Việt Nam, Dân trí (5/5), VnExpress, Tiền phong, Người Lao động (8/5) đưa tin, Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khởi tố, bắt tạm giam Thẩm phán Bùi Anh Đức, Tòa án nhân dân huyện về tội nhận hối lộ. Theo điều tra ban đầu, được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử bị can Ngô Xuân Thảo, nguyên Thủ quỹ UBND xã Đồng Thành, huyện Yên Thành về tội tham ô, Thẩm phán Đức đã gạ người nhà Thảo chi 60 triệu đồng để “dàn xếp”, xét xử cho Thảo từ 8 năm tù xuống còn 4 năm.

Báo Thanh tra (7/5) phản ánh, Thanh tra tỉnh Hà Giang vừa có Kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê. Theo Kết luận, Ban Quản lý trồng mới 5 triệu ha rừng và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê đã vi phạm Luật Kế toán, Luật Ngân sách, Thông tư số 28/1999/BT-BTC ngày 13/3/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn ngân sách Nhà nước cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác về công tác quản lý tài chính. Thanh tra tỉnh quyết định xử lý thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 256 triệu đồng.

Theo tin từ báo Người Lao động (8/5), theo đơn tố cáo của người dân xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi 100 ha đất lâm nghiệp 178 được Vườn Quốc gia Bạch Mã giao lại cho UBND xã Hương Phú quản lý để chia cho dân, ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã đã trích một phần để “biếu” lãnh đạo và cán bộ huyện nhằm tạo mối quan hệ cho địa phương. Ông Thuận cùng nhiều cán bộ xã còn chiếm đất của dân, lấy gạo cứu trợ lũ lụt bán lấy tiền đi du lịch...

Báo Lao động (8/5) cho biết, trong quá trình thực hiện dự án thủy lợi Phước Hòa, tỉnh Bình Phước, một số cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và xã Nha Bích, huyện Chơn Thành câu kết, thông đồng với nhau kê khống đất đai và tài sản để chiếm đoạt tiền đền bù, gây thiệt hại cho Nhà nước 2,1 tỷ đồng. Thủ đoạn “rút ruột” tiền đền bù của nhóm cán bộ này thể hiện qua hành vi lập biên bản kiểm kê khống đất và tài sản trên đất.

Báo Đại đoàn kết, Đất Việt (8/5), Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng (9/5) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ tống đạt quyết định truy tố Phạm Thanh Dũng, nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính tư pháp về tội nhận hối lộ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Dũng đã nhận hối lộ gần 4,143 tỷ đồng của nhiều đối tượng khi tham gia giải quyết các hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Báo Pháp luật Việt Nam (8/5), Thanh niên, Nông thôn ngày nay, Pháp luật TP.HCM, Dân trí (9/5) phản ánh, Công an huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Giao, nguyên Xã đội trưởng xã Tam Đại về tội giả mạo trong công tác. Ông Giao đã làm hồ sơ khống và chạy chế độ chính sách theo Quyết định 290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo tin từ báo Pháp luật TP.HCM (8/5), Lao động, Tiền phong (9/5), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên ra cáo trạng truy tố Phan Văn Kích, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Yên; Nguyễn Hồng Phong, Hiệu phó; Hồ Thị Bích Hà, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ về tội cố ý làm trái. Từ năm 2002 đến 2011, các đối tượng trên đã bỏ ngoài sổ sách, chi sai nguyên tắc hơn 735 triệu đồng.

Báo Thanh niên, SGGP (9/5) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Lê Văn Hoàng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Xiện, huyện An Minh về tội tham ô tài sản. Theo điều tra ban đầu, từ năm 2011 đến nay, ông Hoàng tham ô hơn 150 triệu đồng tiền học phí, tiền tài trợ học bổng cho học sinh, tài sản công.

Báo Tuổi trẻ TP.HCM (9/5) đưa tin, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Cần Thơ chưa thực hiện việc kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến việc sai phạm, thiếu sót trong quản lý nhà nước sau khi UBND thành phố Cần Thơ có kết luận thanh tra từ ngày 2/11/2011. Theo kết luận, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường công bố tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; thu hồi và điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Đại Đông Á; rà soát, chấn chỉnh lại một số đơn vị thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại để thu chênh lệch. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Sở tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có liên quan đến thiếu sót, sai phạm.

Báo Pháp luật Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM (9/5) phản ánh, UBND tỉnh Bình Định ký quyết định không bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh đối với ông Phạm Tỵ do mắc nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành. Theo kết luận thanh tra, việc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách năm 2010 tại Bệnh viện có nhiều sai phạm. Từ năm 2008 đến 2010, số tiền khấu hao tài sản sai quy định của Bệnh viện lên đến 18,352 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính Bình Định, sai phạm chính thuộc về Ban lãnh đạo Bệnh viện.

TTXVN, Tin tức (9/5) có bài, “Mua, bán trái phép tài sản nhà nước, trục lợi cả chục tỷ đồng”. Bài báo cho biết, 5 năm qua, hàng trăm hộ nhận khoán của Công ty TNHH một thành viên cao su Kon Tum rồi bán lại hơn 250 ha vườn cây cho người ngoài để hưởng lợi cả chục tỷ đồng. Sự việc kéo dài nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo tin từ báo Đại đoàn kết, Thanh niên, Dân trí (9/4), Đất Việt (10/5), kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2007 - 2010, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt những sai phạm. Theo Kết luận thanh tra, các tồn tại cũ như mua tàu cũ, đầu tư dàn trải... làm Tổng Công ty lỗ tới hơn 1.685 tỷ đồng.

Báo Pháp luật TP.HCM (9/5) cho biết, Câu lạc bộ Thăng Long, nơi sinh hoạt của 1.600 hội viên là cán bộ trung/cao cấp hưu trí của Trung ương và Hà Nội đã có kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia ý kiến về các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Theo đó, kiến nghị đổi mới mô hình tổ chức Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cần thành lập Ủy ban đặc trách chống tham nhũng quốc gia, độc lập với cơ quan nhà nước, có quyền hạn và trách nhiệm cao, có hệ thống tập trung thống nhất ở trung ương và các khu vực. Chủ tịch Ủy ban do Chủ tịch nước bổ nhiệm và miễn nhiệm sau khi được Quốc hội xem xét, chấp thuận. Ủy ban chịu sự kiểm tra, giám sát, chất vấn của Quốc hội về chống tham nhũng. Báo Pháp luật TP.HCM (10/5) thông tin thêm, mô hình Ban Chỉ đạo PCTN các cấp là nội dung được cử tri các địa phương quan tâm góp ý kiến trong đợt tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội vừa qua. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất cho rằng cơ cấu tổ chức Ban Chỉ đạo hiện nay cần phải xem xét lại vì người lãnh đạo cơ quan công quyền, nơi phát sinh nhiều vụ tham nhũng nhất, lại là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng thì sẽ không độc lập, khách quan.

Báo Nhân dân (9/5), Đại đoàn kết, Lao động, Thanh niên (10/5) đưa tin, Công an Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam bị can Phan Nhật Tân, nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Lét, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn; Phạm Anh Tuấn, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng Hồng Lĩnh; Trần Văn Khoa, nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh; Hoàng Văn Cẩn và Lê Quí Ly, nguyên cán bộ Kiểm lâm huyện Hương Sơn về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Huân và Nguyễn Thanh Bình về tội danh vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng. Kết quả điều tra bước đầu được cơ quan chức năng xác định, từ năm 2011 đến tháng 1/2012, tại các tiểu khu 2, 12, 13, 21, 23 thuộc địa phận xã Sơn Hồng do Ban quản lý bảo vệ, xây dựng rừng Hồng Lĩnh, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý, bảo vệ liên tục bị chặt phá, khai thác trái phép với tổng số gỗ bị khai thác, tập kết là 488,5 m3 gỗ.

Báo Thanh niên (9/5), Pháp luật TP.HCM (11/5) phản ánh, UBND xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An buộc Bí thư Chi bộ và Trưởng xóm Dinh xin lỗi dân và mua lại gạo để trả cho dân. Theo phản ánh của người dân, đầu năm 2012, người dân xóm Dinh được nhận 1,5 tấn gạo cứu đói của Chính phủ, Ban Cán xóm tự ý bán 220 kg để trả tiền vận chuyển và bán gần 1 tấn gạo để mua loa đài phục vụ văn nghệ, hội họp.

Theo tin từ báo Người Lao động (10/5), Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố Trần Minh Tường và Nguyễn Ngọc Lân, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lê Văn Vững, cán bộ Địa chính phường Mỹ Hải về hành vi cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2009 đến 2010, các bị can nói trên đã hợp thức hóa giấy tờ đất công ích ở phường Mỹ Hải để cấp quyền sử dụng cho 13 cá nhân hơn 13.700 m2 đất, gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 1 tỷ đồng.

Báo Thanh tra (10/5) cho biết, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những vi phạm của Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên), Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)… trong quá trình cổ phần hóa. Theo Kết luận, Vinachem quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp và cổ phần hóa chậm, kéo dài; hạch toán chuyển trên 404 tỷ đồng từ Quỹ này bổ sung vốn điều lệ khi không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ là sai quy định; sử dụng 282 tỷ đồng của Quỹ cho vay sai quy định; Công ty Cổ phần Pin - Ắc quy Vĩnh Phú chậm nộp về Quỹ theo quy định trên 4,6 tỷ đồng…

Báo Lao động, Pháp luật Việt Nam, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Dân trí (10/5), Quân đội nhân dân, Tiền phong, SGGP (11/5) đưa tin, Công an tỉnh Gia Lai có quyết định khởi tố bị can đối với ông Phùng Xuân Quýnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2008 đến 2010, ông Quýnh đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tiêu cực trong công tác đấu thầu giá thuốc gây thiệt hại trên 8,5 tỷ đồng.

Báo VnExpress, Công an nhân dân, Pháp luật VN, Thanh niên, Dân trí (10/5), Tiền phong (11/5) phản ánh, Công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty vàng Agribank Hà Đông về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, ông Tuấn Anh chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng nhận giữ 12,5 lượng vàng SJC 99,99% của khách hàng gửi nhưng không đưa vào hồ sơ hợp đồng mà lấy sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo tin từ báo Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM (11/5), Công an huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định truy nã ông Võ Hoàng Triều, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian được giao phụ trách về xây dựng đô thị, ông Triều giải quyết nhiều trường hợp cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp.

Báo Lao động, Pháp luật TP.HCM (11/5) cho biết, Công an tỉnh Bình Phước chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra làm rõ việc ông Trần Tấn Minh, Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung, huyện Đồng Phú. Ông Minh có nhiều khuất tất như lợi dụng danh nghĩa liên doanh trồng rừng để hưởng lợi và giao khoán đất rừng trái pháp luật cho một số đối tượng là cán bộ trong tỉnh.

Báo Tuổi trẻ TP.HCM (11/5) đưa tin, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh triển khai Quyết định thanh tra về phòng, chống tham nhũng tại 8 cơ quan, đơn vị gồm: 2 tổng công ty (Liksin và Xây dựng Sài Gòn); UBND 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Thanh tra thành phố sẽ thanh tra làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN như: yêu cầu làm rõ việc công khai, minh bạch trong mua sắm công; xây dựng cơ bản; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai; kê khai, xác minh tài sản, thu nhập; giải quyết các vụ việc tố cáo có dấu hiệu tham nhũng…

Tin Quốc tế:

Báo Thanh tra (7/5) phản ánh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tuy-ni-di Mohamed Ben Salem cho biết, cơ quan này đang thực hiện một chiến dịch “rửa sạch” nội bộ. Theo đó, Bộ đã chuyển 12 hồ sơ vụ việc liên quan đến tham ô, nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn sang cơ quan tư pháp nhằm tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ và kiên quyết đưa ra xét xử các trường hợp sai phạm. Ông Ben Salem cũng đã áp dụng nhiều chính sách tiết kiệm, chống lãng phí như chỉ giữ lại 4 chiếc xe để phục vụ công tác của Bộ; khoán mỗi tháng chỉ sử dụng tối đa 2.160 lít nhiên liệu (tiết kiệm hơn 1.600 lít mỗi tháng so với trước đây); cấm công chức sử dụng xe công ngoài giờ làm việc...

Cũng theo tin từ báo này, một đảng mới chuẩn bị được thành lập ở thành phố Gatineau (Québec, Đông Nam Ca-na-đa) được hy vọng sẽ mang lại sức sống mới cho đời sống chính trị của thành phố khi những nội quy đều tập trung nhấn mạnh đến công tác phòng, chống tham nhũng. Theo quy định, những thành viên của đảng này không được phép nhận quà có giá trị trên 100 CAD (tương đương hơn 100 USD), dưới bất cứ hình thức nào. Tất cả khoản tài trợ phục vụ cho hoạt động của đảng có giá trị trên 100 CAD đều phải chuyển qua Văn phòng Ủy ban Bầu cử Liên bang. Ngoài ra, mọi ứng viên khi ứng cử vào đảng đều phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch thu nhập, tài sản (kể cả phần góp vốn trong các đơn vị kinh doanh)

Báo Thanh tra (10/5) cho biết, Hiệp hội các Nghị sĩ chống tham nhũng Buốc-ki-na Fa-xô (Burkindi), Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội Buốc-ki-na Fa-xô (COMFIB) phối hợp với Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Minh bạch và kiểm soát ngân sách: Chiến lược nào để chống tham nhũng hiệu quả”, nhằm tìm ra phương án tối ưu chống tham nhũng. Hội thảo hướng tới mục tiêu đẩy mạnh khả năng kiểm soát và PCTN cho các nghị sĩ Quốc hội. Hội thảo xác định, thể chế chính trị của Buốc-ki-na Fa-xô muốn được vững chắc phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát các cơ quan hành pháp của các Đại biểu Quốc hội. Để làm được việc này, các nghị sĩ cần phải tăng cường trách nhiệm giám sát, quản lý các cơ quan hành pháp.

Cùng ngày, báo này đưa tin, Tướng Richard Mdluli, người đứng đầu lĩnh vực chống tội phạm có tổ chức của Cảnh sát Nam Phi đang đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng và lãng phí ngân sách. Đại diện công đoàn ngành Cảnh sát Nam Phi đề nghị mở cuộc điều tra nhằm đưa vụ bê bối liên quan đến Tướng Richard Mdluli ra ánh sáng. Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng thu thập được một số bằng chứng mới cho thấy, Tướng Richard Mdluli dính líu tới các hành vi tham nhũng, sử dụng sai ngân sách, lạm dụng và biển thủ công quỹ.

Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

- Bài viết phản ánh ý kiến xây dựng mô hình Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng;

- Khởi tố bị can đối với ông Phùng Xuân Quýnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng;

- Khởi tố 7 bị can trong vụ phá rừng Sơn Hồng, tỉnh Hà Tĩnh;

- Bắt tạm giam Thẩm phán Bùi Anh Đức, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về tội nhận hối lộ.

                                     VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG

              VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

;
.