Điểm báo tuần số 224 (Từ ngày 2/6/2012 đến ngày 8/6/2012)

Thứ Ba, 12/06/2012, 16:38 [GMT+7]

Báo Thanh niên, Người Lao động, Đất Việt (2/6) đưa tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Liên Việt, về hành vi lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại khoảng 38 tỷ đồng của Công ty. Công ty đã có nghị quyết miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, đồng thời có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về sai phạm của ông Quyến.

Báo Tuổi trẻ TP.HCM (2/6) cho biết, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản gia hạn tạm đình chỉ công tác thượng tá Nguyễn Thành Trung, Trưởng Công an huyện Khánh Sơn thêm một tháng do có dấu hiệu đảng viên sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tự ý khai thác một diện tích rừng phòng hộ tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn. Ngày 24/4, tại cuộc làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, 22/28 phiếu đề nghị cách chức Trưởng Công an huyện đối với ông Trung.

Theo báo Pháp luật VN (2/6), Tòa án nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mở phiên xét xử lưu động tại xã Ia Pal đối với nguyên cán bộ địa chính xã Nguyễn Viết Sanh về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân. Theo điều tra, Nguyễn Viết Sanh là cán bộ địa chính xã từ ngày 1/7/2010 - 8/6/2011, quá trình công tác Sanh lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận 163 triệu đồng của một số gia đình  trú tại xã Ia Pal và Ia Blang để làm các thủ tục như cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và sang nhượng đất… Sau khi nhận tiền, Sanh đã sử dụng để tiêu xài cá nhân. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Sanh 4 năm tù giam. 

Báo Tiền phong, Người Lao động, Nông thôn ngày nay, Pháp luật TP.HCM (2/6), Lao động (4/6) cho biết, ngày 1/6, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội ra thông cáo cho biết đã tạm dừng 3 dự án liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi một điều tra độc lập do Công ty Kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PWC) thực hiện, đã phát hiện có một số vấn đề bất thường tại các dự án này. Lượng vốn bị sử dụng sai mục đích có thể lên đến 3,3 triệu kroner (khoảng 11,5 tỉ đồng). VnExpress (5/6), VietNamNet, Nông thôn ngày nay (7/6) phản ánh, cả 3 đơn vị quản lý dự án đều khẳng định “không có tham nhũng, thất thoát” khi sử dụng vốn ưu đãi của Chính phủ Đan Mạch, mà có thể kiểm toán quốc tế chưa hiểu quy trình và thực tế dự án tại Việt Nam. Dân trí, Nông thôn ngày nay (7/6) cho biết thêm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh khẳng định: 3 dự án bị Đan Mạch tạm ngừng viện trợ sẽ xử nghiêm nếu có sai phạm. Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong (7/6) đưa tin, ngày 6/6, đại diện chủ quản ba dự án biến đổi khí hậu mà Đan Mạch đang tạm dừng đã gặp gỡ với Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội. TS Vũ Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Địa lý (Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam) cho biết, tại cuộc gặp, đại sứ Đan Mạch bày tỏ thiện chí rất rõ: “vấn đề ở đây chỉ là hiểu lầm”. Theo báo Công an nhân dân (8/6), Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, sau buổi làm việc với Đại sứ quán Đan Mạch vào ngày 6/6, trên tinh thần chung, Đan Mạch sẽ xem xét, thẩm tra lại báo cáo từ phía Việt Nam cũng như báo cáo của đơn vị kiểm toán phía Đan Mạch. Ngay sau khi có kết quả, Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cả 3 đơn vị thực hiện 3 dự án bị tạm ngừng đều khẳng định không có sai phạm, đã có sự hiểu nhầm trong báo cáo của kiểm toán Đan Mạch. Đan Mạch sẽ làm việc trực tiếp với từng dự án để làm rõ vụ việc.

Báo Pháp luật TP.HCM, Bình Thuận (4/6) cho biết, theo Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận, liên quan đến việc bà Huỳnh Thị Hòa ba lần đưa hối lộ cho Đại tá Nguyễn Đắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự xã hội (PC45), đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ có văn bản gửi Công an tỉnh đề nghị xem xét để khởi tố vụ án do bà Hòa có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ. Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/2011, PC45 đã tiến hành điều tra làm rõ việc bà Hòa có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của một Việt kiều thông qua việc lập dự án đầu tư tại Hàm Thuận Nam. Trong thời gian điều tra, bà Hòa đã mang quà và phong bì 50 triệu đồng đến nhà riêng Đại tá Minh nhờ giúp đỡ. Cả ba lần ông Minh đều kiên quyết không nhận và báo cáo sự việc đến ban giám đốc Công an tỉnh.

Báo Pháp luật VN (4/6) phản ánh, liên quan đến 5.023 m2 bị thu hồi với giá đền bù… hơn 2 triệu đồng. Đây là mảnh đất của gia đình ông Lê Hồng Ngọc, trú tại xã Tiên Tân, mảnh đất này ông đã mất gần 30 năm cải tạo, nhưng khi bị thu hồi, mảnh đất chỉ được đền bù 2 triệu đồng. Dư luận địa phương đặt dấu hỏi nghi vấn về việc chính quyền xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thu hồi đất để mở đường “phục vụ” doanh nghiệp, trong khi giá đền bù không tương xứng với diện tích đất bị thu hồi. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và sớm báo cáo sự việc.

Báo Thanh niên (4/6) cho biết, muốn chống tham nhũng hiệu quả, quan trọng nhất là những người thực thi các quy định về phòng, chống tham nhũng phải là người công tâm, minh bạch. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã nhấn mạnh quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn về giải pháp phòng, chống tham nhũng sau khi Ban Chấp hành Trung ương có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Công tác cán bộ là một lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, có người dùng tiền để chạy chức, chạy quyền; khi có chức, có quyền, có điều kiện là vơ vét để "bù lại", đây chính là một mắt xích của tham nhũng. Vấn đề cần thiết phải công khai, minh bạch càng sớm càng tốt là trong công tác cán bộ, tuyển dụng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ.

Báo Đại đoàn kết (5/6) phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã có kết luận việc ông Vũ Văn Hà, nguyên cán bộ địa chính xã Nhã Nam (nay là cán bộ văn phòng thống kê xã Nhã Nam, huyện Tân Yên) có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác như: ngâm sổ đỏ của người dân, vòi tiền để trục lợi cá nhân, thu tiền sai qui định, lập hồ sơ khống để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tháng 9/2010, ông Hà được chuyển từ cán bộ địa chính sang làm cán bộ Văn phòng UBND xã Nhã Nam. Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận: ông Vũ Văn Hà mắc nhiều sai phạm đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tân Yên xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền. Cơ quan Công an huyện Tân Yên cũng kết luận: những hành vi của ông Vũ Văn Hà là hành vi có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tháng 5/2011, UBND huyện ra quyết định xử lý kỷ luật với ông Hà với hình thức “khiển trách”. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật là quá nhẹ. Cho đến nay UBND huyện Tân Yên vẫn chưa có hình thức xử lý gì khác đối với ông Vũ Văn Hà.

Báo Dân trí (5/6), Công an nhân dân (6/6) cho biết, UBND tỉnh Gia Lai quyết định kỷ luật cách chức đối với các ông Võ Văn Trí, Giám đốc; Nguyễn Huyên, Phó Giám đốc và Nguyễn Trọng Thuần, Kế toán trưởng Công ty Cà phê Chư Păh. Lý do kỷ luật là trong thời gian giữ các chức vụ trên, những cá nhân này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không chấp hành các quy định của nhà nước về nguyên tắc quản lý tài chính, quản lý tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng, làm mất vốn nhà nước 8,037 tỷ đồng; sử dụng sai mục đích tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, số tiền trên 1,6 tỷ và quyết toán khống khối lượng thi công đường giao thông và nạo vét kênh mương 293 triệu đồng.

Báo Tin tức, Tuổi trẻ TP.HCM (7/6) đưa tin, Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thực hiện tại năm bệnh viện ở bốn tỉnh, thành phố (tháng 8/2010 - 2/2011) cho thấy: tại bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ thường được bệnh nhân biếu 200.000 đồng/người; điều dưỡng, nữ hộ sinh trung bình là 20.000 đồng. Tuyến tỉnh, quà biếu cho bác sĩ dao động 50.000 đồng - 1 triệu đồng; điều dưỡng, nữ hộ sinh được biếu 20.000 đồng - 50.000 đồng; hộ lý 5.000 đồng. Ở tuyến trung ương, quà biếu dao động 100.000 đồng - 2 triệu đồng. Theo báo cáo này, ba lĩnh vực xảy ra tham nhũng phổ biến nhất trong y tế là trong quản lý nhà nước về y tế; cung cấp dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế. Càng lên tuyến trên, phong bì “cảm ơn” y bác sỹ càng dày.

Báo Thanh niên (7/6) cho biết, ông Nguyễn Cảnh, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh  Quảng Nam đã thông báo diễn biến mới liên quan đến vụ “chạy” chế độ chính sách cho hơn 600 trường hợp. Theo đó, quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cách chức đối với ông Trần Minh Dương, Chủ tịch UBND xã Tam Đại và ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã do có sai phạm trong thực hiện chế độ 290 và chịu trách nhiệm về quản lý cán bộ. Thời điểm xảy ra vụ sai phạm, ông Dương là xã đội trưởng; còn ông Lộc có liên đới về trách nhiệm quản lý. Riêng ông Nguyễn Đình Giao, nguyên xã đội trưởng, người liên quan trực tiếp vụ án đã bị Công an huyện Phú Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội giả mạo trong công tác.

Báo Dân trí, Thanh tra (7/6), Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật TP.HCM, Thanh niên (8/6) phản ánh, trong phiên thảo luận cả ngày 7/6 về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu lo ngại về tình hình phát triển kinh tế chưa bền vững, những yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các bức xúc xã hội trước vấn nạn tham nhũng. Phát biểu của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã đề cập đến vấn đề nhức nhối này. Theo ông, chống tham nhũng phải dám hy sinh cả tính mạng, chức tước. Lo ngại trước vấn nạn tham nhũng, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị: “Chính phủ cần có giải pháp mạnh về phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Các bộ, ngành và địa phương cần nêu cao chế độ trách nhiệm, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân khi xảy ra sai trái”.

Báo Lao động, SGGP (8/6) cho biết, sau hai ngày xét xử, sáng 7/6, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án vụ “tham ô tài sản”, “thiếu tinh thần trách nhiệm” và “đánh bạc” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội huyện Thoại Sơn. Theo đó, bị cáo Hồ Văn Lắm, nguyên Kế toán trưởng bị tuyên phạt tổng cộng 24 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hồng Mậu, nguyên Giám đốc và bị cáo Ngô Phước Trường, nguyên Phó Giám đốc cùng bị 3 năm tù, nhưng cho hưởng án “treo”. 3 bị cáo liên quan trong vụ án bị phạt từ 1 - 2 năm tù về tội “đánh bạc”. Như thông tin đã phản ánh, lợi dụng sự thiếu kiểm tra của Nguyễn Hồng Mậu và Ngô Phước Trường, từ ngày 25/7/2008 - 1/12/2010, Hồ Văn Lắm đã chiếm đoạt của Bảo hiểm xã hội huyện hơn 12,5 tỷ đồng để cá cược bóng đá, ghi đề và tiêu xài cá nhân.

Báo Nhân dân (8/6), trong mục “Cùng suy ngẫm” phản ánh, hơn 10 năm qua, nhất là giai đoạn từ năm 2006 - 2010, Việt Nam đã được cộng đồng tài trợ quốc tế cam kết gần 15 tỷ USD vốn ODA. Nguồn vốn này đã mang lại cho đất nước và người dân nhiều công trình kinh tế và phúc lợi xã hội quan trọng... Với ý nghĩa đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, đồng thời, để phát triển và duy trì tốt mối quan hệ song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh các sai phạm nếu có ở các dự án sử dụng vốn ODA.

Tin quốc tế:

Báo Tiền phong (3/6) đưa tin, qua các vụ án đã được xử lý, người dân Trung Quốc bàng hoàng, trước sự tham lam vô độ của những quan chức sâu mọt, trong đó có nhiều quan chức sở hữu nhiều nhà, đất. Người đứng đầu danh sách là Hoàng Manh, Cục trưởng Cục Giám sát dược phẩm tỉnh Triết Giang, đã tham nhũng 200 triệu nhân dân tệ, sở hữu 84 căn nhà. Trong thời gian từ 1998 - 2011, là Phó thị trưởng Triều Châu, Phó Bí thư rồi Thị trưởng Triều Châu, Hoàng Manh đã vòi vĩnh, nhận hối lộ tiền mặt và nhiều tài sản có giá trị. Tiếp đó là Hoàng Thắng, nguyên Phó tỉnh trưởng Sơn Đông, ông này bị tình nghi tham ô số tiền lớn, được xác định sở hữu tới 46 căn nhà. Thứ ba là Cảnh Hiểu Quân, Cục trưởng Cục quản lý rừng thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy với 38 căn nhà. Thứ tư là Tống Quân, Phó Tổng công ty Viễn dương Thanh Đảo với 37 căn nhà. Hách Bằng Tuấn, nguyên Cục trưởng cục Mỏ than huyện Bồ, tỉnh Sơn Tây đứng ở vị trí thứ 5 sở hữu tới 36 căn nhà.

Báo Tin tức (5/6) cho biết, ngày 5/6, nguyên Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông Lưu Trác Chí bị đưa ra xét xử tại Toà án thành phố Bắc Kinh. Theo kết luận điều tra, Lưu Trác Chí đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ và đưa hối lộ lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ kể từ khi giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban cải cách và phát triển Khu tự trị Nội Mông năm 2001 cho đến khi là Phó Chủ tịch Khu trự trị Nội Mông năm 2008. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bộ Giám sát Trung Quốc đã xem xét, báo cáo Trung ương Đảng, Quốc vụ viện phê chuẩn quyết định khai trừ khỏi đảng đối với Lưu Trác Chí, tịch thu toàn bộ tài sản, chuyển hồ sơ tới cơ quan tố tụng xử lý theo pháp luật. Tháng 1/2011, ông này tiếp tục bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.

Theo báo Thanh tra (7/6), Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản báo cáo, trong đó cáo buộc Chính phủ chuyển tiếp Somali của Tổng thống Abdiweli Mohamed Ali đã để xảy ra quá nhiều tham nhũng, đặc biệt là ở các cấp đứng đầu. Cụ thể, Chính phủ chuyển tiếp Somali đã có những báo cáo thu chi không đúng thực tế, với số chênh lệch rất lớn. Trong báo cáo của Chính phủ năm 2010, tổng thu ngân sách chỉ có 11 triệu USD, nhưng trên thực tế, kết quả điều tra của WB cho thấy, con số này là 94 triệu USD. Không những thế, Chính phủ chuyển tiếp Somali còn gian dối trong việc khai báo tổng thu từ tài trợ nước ngoài. WB cho biết, tháng 7 tới, một đoàn chuyên gia của Liên hiệp quốc sẽ đến Somali điều tra rõ những khoản thu chi của Chính phủ Somali liên quan đến các khoản tài trợ của nước ngoài.

Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

- Liên quan đến việc tạm dừng 3 dự án biến đổi khí hậu của Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ xử nghiêm nếu có sai phạm.

- Phiên thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề tham nhũng; có ý kiến cho rằng, chống tham nhũng phải dám hy sinh cả tính mạng, chức tước; Chính phủ cần có giải pháp mạnh về phòng, chống tham nhũng và lãng phí.

- Kỷ luật cách chức đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Công ty Cà phê Chư Păh, Gia Lai do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng.

                              VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG

  VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

;
.