Điểm báo tuần số 227 (Từ ngày 23/6 đến ngày 29/6/2012)
Báo Tiền phong (23/6) cho biết, theo nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng: việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương vừa thực hiện chức năng một ban Đảng đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là phù hợp. Bởi, tình hình chung hiện nay ở cả cấp trung ương và địa phương đang có quá nhiều ban chỉ đạo.
Báo Tiền phong (23/6) có bài, “Dự án bất động sản ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc: Bán khống đất thu hàng trăm tỷ đồng”. Bài báo phản ánh, không phải là nhà đầu tư thứ cấp, nhưng Công ty Cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) do ông Bùi Viết Sơn làm Chủ tịch HĐQT vẫn ký khống hàng trăm hợp đồng bán đất. Đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán khống các lô đất tại dự án Hùng Vương - Tiền Châu (thị xã Phúc Yên), trong khi dự án này của Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long.
Báo Pháp luật TP.HCM (23/6) đưa tin, qua công tác thanh tra, Thanh tra quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện sai phạm của Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên - Môi trường lập quỹ trái phép 732 triệu đồng từ nguồn tiền đo, vẽ hiện trạng nhà đất; qua đó kiến nghị xử lý kiểm điểm tập thể và cách chức, chuyển công tác, kỷ luật… đối với 8 cá nhân liên quan (gồm: trưởng, phó phòng, kế toán, thủ quỹ).
Theo thông tin từ báo Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động (23/6), Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Yên điều tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong việc cho nhà thầu ứng vốn trước rồi mất liên lạc tại khu tái định cư Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa. Liên quan đến vụ việc, ông Hà Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Yên có cuộc tiếp xúc với báo chí để giải thích việc ngân hàng này bảo lãnh khoản tiền 25,8 tỷ đồng ứng trước của liên danh tổng thầu Tân Nam Giang.
Báo Nông thôn ngày nay (23, 24/6), Công an nhân dân (24/6), Dân trí (27/6) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Thị Hoa, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận điều tra, bà Hoa lừa được hàng chục tỷ đồng là do có sự tiếp tay của 7 bị can nguyên là cán bộ ngân hàng, cán bộ xã, gồm: Trần Văn Lâm, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Tân Lợi thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk; Phan Văn Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; 3 cán bộ tín dụng, thủ quỹ Phòng Giao dịch Tân Lợi tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng; 2 cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
TTXVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Điện tử ĐCSVN, VnExpress (23/6), Nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật VN, Lao động, Thanh tra, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, các báo địa phương (26/6) đồng loạt phản ánh, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Báo Người Lao động, VietNamNet, VnExpress (25/6) cho biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trước cử tri quận 1 và quận 3, TP. Hồ Chí Minh rằng: chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước, với Đảng, với nhân dân... hãy nói một cách trung thực, nói thẳng, dù mất lòng và người dân cần mạnh dạn phản ánh tiêu cực. Báo Tuổi trẻ TP.HCM (25/6) cho biết, Chủ tịch nước khẳng định: nếu chống tham nhũng không thành công thì việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ không thể thành công được. Không thể nói trước nhân dân rằng mình không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong khi lại tham nhũng, tiêu cực và do vậy, dân cũng sẽ không thể tin bộ máy được trong sạch. Chúng ta, nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước. Theo báo Đại đoàn kết, Pháp luật TP.HCM (26/6), vấn đề được nhiều cử tri trăn trở nhất chính là công tác phòng, chống tham nhũng; trước đề nghị của cử tri về việc quy trách nhiệm những người làm thất thoát tài sản nhà nước, Chủ tịch nước khẳng định: sẽ truy trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm khắc các tập thể cũng như cá nhân trước những sai phạm; đồng thời, đề nghị cử tri tích cực, thẳng thắn tố cáo tham nhũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh
Báo Dân trí (23/6), Tin tức (26/6) phản ánh, liên quan đến vụ việc khiếu nại tại số 10 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 18/6/2012 Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có Công văn gửi đến Bộ Quốc phòng đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc. Công văn nêu rõ: Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thành (trú tại số 10 Lý Nam Đế) tố cáo ông Trần Tất Thắng có hành vi lấn chiếm, xây dựng và bán đất Quốc phòng trái phép tại khu đất sử dụng chung của tập thể. Theo tài liệu gửi kèm, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thấy Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó nêu rõ thu hồi 48m2 đất do Bộ Tư lệnh Công binh tạm giao cho ông Trần Tất Thắng quản lý, sử dụng từ năm 1995; một số cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã có văn bản triển khai thực hiện Quyết định nêu trên. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.Báo Pháp luật VN (24/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên tử hình Trần Minh Long, nguyên Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè về tội tham ô tài sản và đánh bạc; bị cáo liên quan là Phùng Mạnh Hùng, ở TP. Hồ Chí Minh 6 năm tù về tội đánh bạc. Để che giấu cấp trên và các đồng nghiệp, Long lập nhiều ủy nhiệm chi khống, làm giả chữ ký giám đốc và kế toán viên với mục đích chuyển tiền cho Hùng để lấy tiền cá độ bóng đá. Trong vòng chưa đầy 4 tháng, Long đã lập 10 ủy nhiệm chi với số tiền lên đến 44 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Hùng để tiêu xài.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (25/6) phản ánh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1-5 (Công ty 1-5), Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land). 5 bị can gồm Lê Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Mạnh Cường, Tổng giám đốc; Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty 1-5; Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị PVP Land và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, trú tại TP. Hồ Chí Minh. Theo cáo trạng, ông Bình cùng các đồng phạm đã ký hơn 450 hợp đồng, nhận chuyển nhượng hơn 80.000m2 đất dự án Thanh Hà A, trong đó hơn 45.000m2 không nằm trong diện tích đất mà các bên đã thỏa thuận; qua đó, thu số tiền khoảng 789 tỷ đồng của khách hàng sử dụng vào mục đích khác.
TTXVN, báo Lao động, VietNamNet, Pháp luật VN, Dân trí (25/6), Tin tức, Đại đoàn kết, Thanh tra, Nông thôn ngày nay, Pháp luật TP.HCM, SGGP, VnExpress (26/6) đồng loạt đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra xét xử nguyên Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Quyền và các bị cáo trong vụ án tại Dự án trang trại phường Đồng Tâm. Vụ án nghiêm trọng này có 9 bị cáo gồm: Nguyễn Ngọc Quyền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; Lại Hữu Lân, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Xuân Trường, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm; Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Thành phố… Các bị cáo bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; riêng bị cáo Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị đề nghị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 30 tỷ đồng. Trong vụ án này, Nguyễn Anh Quân, dưới danh nghĩa là Dự án trang trại phường Đồng Tâm, được xác định là bị cáo “đầu vụ” nhưng do đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra Công an tỉnh ra quyết định truy nã, tạm đình chỉ điều tra và sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau. Báo Pháp luật VN, Tuổi trẻ TP.HCM (26/6) cho biết thêm, tại phiên tòa, sai phạm của các bị cáo trong vụ án cơ bản đúng cáo trạng. Báo VietNamNet (26/6), Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM (27/6) thông tin, bước sang ngày thứ 2 với phần xét hỏi, nguyên Chủ tịch thành phố Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Quyền thừa nhận có tư lợi. Báo Dân trí, VietNamNet, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên (27/6), Công an nhân dân, Pháp luật VN, Lao động, Nông thôn ngày nay, Tiền phong, Đất Việt (28/6) phản ánh, sau hơn 2 ngày xét xử sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đã đề nghị mức án từ 7 - 9 năm dành cho nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên là Lại Hữu Lân và Nguyễn Ngọc Quyền. Báo Pháp luật VN (28/6) cho biết, nhiều vấn đề trong vụ Trang trại Đồng Tâm chưa được làm rõ. VietNamNet (28/6) khẳng định, có rất nhiều tình tiết mới được các vị luật sư cung cấp cho Hội đồng xét xử. Báo Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM (28/6), Nông thôn ngày nay (29/6) đưa tin, 9 bị cáo vụ tham nhũng đất ở Vĩnh Phúc đều thừa nhận sai phạm; các bị cáo ân hận, xin lỗi nhân dân.
Báo Lao động (26/6) cho biết, trước việc khu đất được quy hoạch làm công viên công cộng Lán Bè gần cột đồng hồ thuộc khu số 6, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị “phù phép” thành văn phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện quá nhiều sai phạm tại đây. Báo cho biết, việc chuyển nhượng “ngầm” giữa các đối tác trên khu đất “vàng” đã khiến cho dư luận đặt câu hỏi về “thương vụ” lớn này. Việc sử dụng làm trụ sở giao dịch Ngân hàng OceanBank là sai mục đích sử dụng và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Báo Pháp luật TP.HCM, VnExpress, Người Lao động (26/6) đưa tin, tổ kiểm tra việc sử dụng văn bằng chứng chỉ của cán bộ đảng viên, thuộc Đảng ủy Sở Công thương tỉnh Long An công bố dự thảo kết luận kiểm tra đối với 4 trường hợp cán bộ công tác tại Chi cục Quản lý thị trường. Theo đó, 3 trường hợp bị tố cáo dùng bằng giả được minh oan; riêng ông Nguyễn Thanh Tâm, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 4 sử dụng bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc không hợp pháp. Tổ kiểm tra đã đề nghị cảnh cáo ông Tâm về đảng.
Báo Dân trí (26/6) phản ánh, khi báo có bài viết phản ánh việc Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bị kiện ra tòa khi hủy các quyết định giao đất ở cho 15 hộ dân. Báo có thêm thông tin, Chủ tịch đương nhiệm còn cấp đất này cho 15 hộ khác. Cụ thể là: năm 1995, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định thu hồi 2.700m2 đất của Xí nghiệp gỗ Nam Thái, giao UBND xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương lập quy hoạch khu dân cư. Căn cứ quy hoạch này, năm 1995 và 1998 UBND huyện Kiến Xương đã có quyết định giao đất cho 15 hộ dân “làm nhà ở”. Tuy nhiên, 10 năm sau, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Phạm Anh Đức đã hủy 15 quyết định giao đất nêu trên và 15 lô đất này lại được Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cấp cho 15 hộ dân khác. Những người dân bị “hủy quyền” liên tục có đơn thư khiếu nại. Năm 2011, UBND huyện mới ra Quyết định giải quyết khiếu nại, nhưng không đồng ý nên 15 hộ dân đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương.
Báo Dân trí (26/6) cho biết, chỉ tính riêng năm 2011, các quận, huyện của TP. Hà Nội đã kỷ luật, khiển trách khoảng 20 bí thư, chủ tịch xã, phường liên quan đến quản lý trật tự xây dựng. Theo báo Tuổi trẻ TP.HCM (27/6), Sở Xây dựng Hà Nội làm trái quy định để có lợi cho chủ đầu tư. Việc làm này liên quan đến vi phạm tại công trình xây dựng số 55A, 55B phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Ở phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng), khi kiểm tra 8 công trình thì chỉ có 01 công trình xây đúng giấy phép, còn lại 7 công trình sai phép. Thanh tra các cấp đang tiến hành thanh tra những cán bộ có liên quan đến các công trình sai phạm. Báo Điện tử ĐCSVN, Tin tức, Pháp luật VN (27/6) cho biết, tại Hội nghị giao ban giữa lãnh đạo TP. Hà Nội với các sở, ban, ngành, quận, huyện đề cập đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, nếu cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng sẽ bị thuyên chuyển công tác đến cách chức. Liên quan đến vấn đề này, báo Lao động (29/6) phản ánh, quản lý trật tự xây dựng: sai phạm - xử lý - lại sai phạm là do có cán bộ tiếp tay cho sai phạm.
Báo Thanh tra, Người Lao động (26/6), Pháp luật TP.HCM (27/6) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã hoãn phiên xử vụ tham ô tài sản của nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Kim Phúc do bị cáo này có đơn xin vắng; dự kiến ngày 17/7, tòa sẽ mở lại phiên xử. Theo hồ sơ, Nguyễn Kim Phúc đã thông đồng với các cán bộ dưới quyền lập chứng từ khống, nâng khống giá trị thanh toán rồi chiếm đoạt hơn 430 triệu đồng trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai, môi trường tại Phú Yên.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM (26/6), liên quan đến vụ cán bộ Quản lý thị trường (QLTT) bị tố vòi tiền, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang đã nhận tường trình và kiểm điểm của ông Hồ Huy Cường, Phó đội trưởng Đội QLTT số 2. Ông Cường tự nhận hình thức kỷ luật là cách chức. Báo VnExpress (27/6), Pháp luật TP.HCM (28/6) cho biết thêm, Chi cục QLTT tỉnh đã kỷ luật cách chức Đội phó QLTT số 2 đối với ông Cường.
Báo Người Lao động (27/6), Thanh niên (28/6) cho biết, Cơ quan điều tra Bộ Công an hoàn tất điều tra vụ án, đề nghị truy tố tội nhận hối lộ đối với nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố các bị can Lê Hồng Duân, nguyên thiếu tá, Tổ trưởng Tổ 5, Trạm CSGT Quốc lộ 1A; Nguyễn Thanh Hải, nguyên trung úy, cán bộ Tổ 5 và Nguyễn Văn Đôi, lao động tự do cùng tội danh nhận hối lộ. Hành vi này được phát hiện từ cơ quan báo chí. Hiện Duân và Hải đã bị tước danh hiệu CAND. Báo Tuổi trẻ TP.HCM (28/6) cho biết thêm, sẽ không xử lý hình sự người đưa hối lộ.
TTXVN, báo Tin tức, VietNamNet (27/6), Nhân dân, Tiền phong, Dân trí, SGGP (28/6) phản ánh, sau khi báo đăng tải loạt bài điều tra phản ánh vấn nạn khai thác, vận chuyển gỗ nghiến trái phép xảy ra tại Vườn quốc gia Ba Bể, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn giải pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ nghiến trái phép tại Vườn quốc gia. Tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Công an tỉnh thành lập Ban chuyên án đấu tranh về việc khai thác trái phép gỗ nghiến và phá bỏ đường dây mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trái phép. Theo đó, kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra việc khai thác gỗ trái phép; kiên quyết xử lý những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tiếp tay cho “lâm tặc”.
Báo Pháp luật TP.HCM, Thanh niên (28/6) đưa tin, Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã tạm giữ Vũ Thị Mơ, ở thôn 13, xã Hòa Bắc để làm rõ về hành vi đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an huyện nhận được 2 đơn tố cáo bà Mơ lừa đảo chiếm đoạt của 2 doanh nghiệp 46 tấn phân bón NPK. Dù được triệu tập nhiều lần nhưng bà Mơ không đến Cơ quan công an làm việc. Biết trung úy Trần Đức Sách được giao thụ lý 2 đơn tố cáo, nên bà Mơ xin gặp và hối lộ trung úy Sách 10 triệu đồng; trung úy Sách đã không nhận và mời chỉ huy Đội đến kiểm tra, lập biên bản sự việc.
Báo Thanh niên (28/6) cho biết, sau một thời gian tạm hoãn, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử vụ 4 nhân viên Kiểm toán Nhà nước về tội nhận hối lộ. 4 nhân viên này phạm tội nhận hối lộ với số tiền 490 triệu đồng từ các nhà thầu và Ban quản lý dự án để giảm các khoản sẽ xuất toán và giảm thanh toán. 4 kiểm toán viên còn nhận số tiền bồi dưỡng 181 triệu đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đề nghị mức án: Nguyễn Văn Quyên 16 - 17 năm tù, Ngô Quang Đăng 15 - 16 năm tù, Ngô Hồng Minh và Nguyễn Quang Thanh cùng 7 - 8 năm tù. Dự kiến, sáng 29/6, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
Báo Nhân dân (27/6), Thanh tra (28/6), Đại đoàn kết (29/6) đưa tin, Thanh tra Chính phủ chủ trì làm việc với Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự án Luật sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổ Biên tập gấp rút hoàn thiện Dự thảo; lưu ý khi xây dựng Luật này, Tổ Biên tập phải bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI). Đồng thời, nội luật hóa các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên cơ sở các quy định đó phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi đặt ra của Việt Nam và quốc tế. Báo Pháp luật VN (28/6) cho biết, một số nội dung lớn cần sửa đổi Luật được Tổ Biên tập kiến nghị là việc kê khai tài sản phải tránh hình thức.
Theo báo Nhân dân (28/6), Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế Bình Phước báo cáo, xác minh, xử lý vụ việc liên quan đến nữ dược sĩ tố cáo tham nhũng bị hành hung gây thương tích. Theo báo, dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh nhiều lần bị Nguyễn Phương Ðông, cùng công tác tại Phòng Giám định Y khoa, Sở Y tế Bình Phước tấn công. Lý do chị Oanh bị đánh là bởi chị đã làm đơn tố cáo bác sĩ Ðoàn Ðức Loát, Trưởng phòng về hành vi nhận tiền hối lộ của gia đình bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị tại khoa. Chị Oanh còn tố cáo ông Loát chi sai nguyên tắc làm thất thoát 143 triệu đồng tiền quỹ cơ quan.
Báo Tin tức, Pháp luật VN (28/6) đưa tin, từ 1/7 tới đây khi Luật tố cáo có hiệu lực, người tố cáo dù không yêu cầu cũng vẫn được bảo vệ. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong bảo vệ người tố cáo.
TTXVN, báo Thanh tra (28/6), Tin tức, Pháp luật VN, SGGP (29/6) cho biết, tại Hội nghị giao ban công tác thanh tra 6 tháng đầu năm của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã phát huy được vai trò quan trọng trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, yêu cầu ngành thanh tra cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, nâng cao trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng; tiến hành thanh tra chủ động, đúng pháp luật, không để kéo dài.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (29/6) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có cáo trạng truy tố 3 sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang ra trước Tòa án nhân dân tỉnh để xét xử tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu xăng dầu, Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng Phòng cảnh sát điều tra đã chỉ đạo cấp dưới đem tiền tang vật gửi ngân hàng thu lợi bất chính hơn 1,3 tỷ đồng; Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Phòng tham gia việc đem tiền tang vật gửi ngân hàng hai đợt đầu, thu lãi 1,1 tỷ đồng; Phạm Văn Út, nguyên thủ quỹ, thủ kho vật chứng dù biết sai phạm nhưng vẫn làm. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Bộ Công an xử lý kỷ luật thiếu tướng Nguyễn Chí Phi, Giám đốc Công an tỉnh vì đã được chia 80 triệu đồng trong vụ này.
Tin Quốc tế:
Báo Pháp luật TP.HCM (23/6) đưa tin, Chánh án Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã từ chức sau khi bị một thẩm phán khác tố giác đi du lịch bằng tiền ngân sách nhà nước. Ngoài chức vụ Chánh án Tòa án tối cao, thẩm phán Carlos Dívar cũng đã từ bỏ cương vị Chủ tịch Đại hội đồng Tư pháp - một tổ chức có nhiệm vụ giám sát hệ thống tư pháp Tây Ban Nha. Trong 4 năm qua, ông Dívar đã biển thủ 35.000 USD tiền ngân sách nhà nước để tận hưởng 32 chuyến du lịch cuối tuần tại các khu resort xa xỉ ở miền Nam Tây Ban Nha.
Báo Người Lao động (24/6) cho biết, Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị quân đội Trung quốc đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các sĩ quan, tướng lĩnh các cấp phải kê khai tài sản của cá nhân và gia đình với các tổ chức giám sát quân đội. Tài sản phải kê khai gồm thu nhập cá nhân, bất động sản và các khoản đầu tư. Chỉ thị quan trọng này được Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quân ủy Trung ương quyết định thi hành để đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong không khí chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản Trung quốc lần thứ 18.
Báo Tin tức (25/6) đưa tin, Tòa án Seoul, Hàn Quốc đã tuyên 8 tháng tù giam và 2 năm tù cho hưởng án treo đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Park Hee-tae với tội danh hối lộ. Ông Park Hee-tae bị buộc tội hối lộ trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Đại Dân tộc năm 2008 (nay là Đảng Thế giới Mới). Liên quan đến vụ án, Cố vấn chính trị Phủ Tổng thống, ông Kim Hyo-jae bị mức án 6 tháng tù giam và 1 năm tù hưởng án treo; Trợ lý Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Jo Jeong-man bị phạt hành chính 5 triệu won (tương đương 4.300 USD). 3 người này đã hối lộ cho các nghị sỹ và đảng viên Đảng Đại Dân tộc để giành phiếu cao nhất trong đảng năm 2008.
Báo Pháp luật TP.HCM (27/6) đưa tin, Thủ tướng Manmohan Singh đã đồng ý đơn xin từ chức của Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ Virbhadra Singh, Ấn Độ. Trước đó, tòa án ở thành phố Shimla (bang Himachal Pradesh) đã truy tố ông về tội tham nhũng. Theo cáo trạng, cách đây 23 năm, khi ông Virbhadra Singh giữ chức thủ hiến Bang Himachal Pradesh, hai vợ chồng ông đã nhận hối lộ của một doanh nghiệp muốn đầu tư.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Một trong những vấn đề cử tri quan tâm đó là công tác phòng, chống tham nhũng.
- Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử nguyên Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên và 8 bị cáo trong vụ án tại Dự án trang trại phường Đồng Tâm.
- Truy tố tội nhận hối lộ đối với nhóm cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa.
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có cáo trạng truy tố 3 sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG