Điểm báo tuần số 225 (Từ ngày 9/6 đến ngày 15/6/2012)
Báo Tiền phong, Pháp luật Việt Nam (9/6) đưa tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đình chỉ chức vụ Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa đối với ông Nguyễn Đức Trung. Ông Trung bị một số doanh nghiệp làm quảng cáo tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa tố cáo “vòi tiền” khi họ đến xin cấp phép đặt biển quảng cáo ngoài trời. Ông Trung đã bị Công an tỉnh khởi tố, cho tại ngoại về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và xác định chiếm đoạt hơn 41 triệu đồng.
Báo Công an nhân dân, Tiền phong, VnExpress (9/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Cục Điện ảnh, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 4 bị can về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm ông Lê Ngọc Minh, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh kiêm Giám đốc Trung tâm điện ảnh chiều thứ 7; bà Trần Thị Kim Phụng, nguyên kế toán Cục và 2 kế toán viên Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình (Hà Nội). Theo điều tra, từ năm 2008 - 2011, một số lãnh đạo Cục Điện ảnh và nhân viên Kho bạc Nhà nước quận Ba Đình có nhiều sơ hở để Phạm Thanh Hải, nguyên kế toán Phòng Kinh tế kỹ thuật Trung tâm điện ảnh chiều thứ 7 giả mạo chữ ký, lập khống chứng từ “rút ruột” hơn 36 tỷ đồng công quỹ của Cục rồi bỏ trốn. Ông Lê Ngọc Minh, là chủ tài khoản đã ký 45 chứng từ lập khống. Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội xử lý nghiêm khắc về mặt hành chính với những người này.
Theo tin từ báo Công an nhân dân (9/6), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Trần Thị Ly Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương về hành vi “tham ô tài sản”. Theo điều tra, bà Lan đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt trên 60 triệu đồng tiền học phí. Ngoài ra, bà Lan còn nhờ 10 giáo viên của trường vay ở 6 ngân hàng tín dụng với số tiền là trên 374 triệu đồng, vay quỹ lương và vay nhiều người dân bên ngoài số tiền trên 1,169 tỷ đồng, không có khả năng chi trả.
Báo Thanh tra (7, 10/6) phản ánh, nghịch lý tại Khu làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ, tỉnh Vĩnh Phúc. Bài I: “Nước mắt giải phóng mặt bằng” cho biết: thu nhập bình quân năm 2011 của làng nghề nổi tiếng về sắt, thép, phế liệu xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc là 20,8 triệu đồng/người. Vậy mà, 22 hộ dân đã bỏ gần 10 năm để đi đòi số tiền đền bù giải phóng mặt bằng không cao hơn số đó là bao. Bài II: “Chân dung đen của lãnh đạo xã Tề Lỗ” cho thấy, các hộ dân ở đây đang rất bức xúc vì các sai phạm xử lý quá nhẹ, thời gian xử lý dài dẫn đến những cán bộ sai phạm được lên chức cao hơn; còn quyền lợi của người dân lại bị bỏ qua. Những sai phạm, những dấu hiệu bất thường về tài chính và những câu hỏi xung quanh vấn đề này luôn được người dân nơi đây mong mỏi sớm được làm rõ.
Báo Tiền phong (9/6), Pháp luật TP.HCM (9, 11, 13/6) cho biết, Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có dấu hiệu ăn chặn tiền công quét rác. Kết quả thanh tra cho thấy, ngoài chi sai nguyên tắc tài chính trên 600 triệu đồng, ông Huỳnh Văn Tỏ, Chủ tịch UBND thị trấn còn tư túi 51 triệu đồng; gồm hai khoản: chi tiền xăng công tác bất hợp lý cho bản thân và tiền phải trả cho người quét rác. Theo hồ sơ thanh quyết toán, số tiền công phải trả cho bà Trần Thị Điệp, là thương binh 4/4, mỗi tháng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế bà Điệp chỉ được trả công 300.000 đồng/tháng. Số tiền còn lại được ông Tỏ sử dụng trả tiền điện thoại di động; mua đồ nhậu; bỏ túi riêng; mua quà tặng lãnh đạo, mua máy đo huyết áp…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
trả lời chất vấn tại Quốc hội
Báo Điện tử ĐCSVN (9/6) phản anh, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật xuất bản (sửa đổi). Theo báo, nếu được Quốc hội xem xét, thông qua, Luật này có xóa bỏ được những bất cập của Luật xuất bản hiện hành, đẩy lùi và hạn chế được những tiêu cực trong hoạt động xuất bản vốn đã tồn tại nhiều năm qua? Báo Đại đoàn kết (11/6) cho biết, phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội về những bất cập sau 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: trước khi bổ nhiệm phải yêu cầu các cán bộ, công chức minh bạch hóa tài sản và phải có cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Nếu xác minh thấy có vấn đề thì không bổ nhiệm, hoặc tạm đình chỉ chức vụ để điều tra. Phản ánh của báo Tiền phong (11/6), bên lề kỳ họp Quốc hội nhiều đại biểu cho biết, điều họ quan tâm trong phiên chất vất của Quốc hội tuần này là công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là những sai phạm vừa qua tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vụ này giải quyết chưa xong lại đến vụ khác. Báo Dân trí (11/6), Lao động (12/6), VietNamNet (13/6) cho biết, một số đại biểu cho rằng Chính phủ chưa đưa ra được các dữ liệu minh bạch, thuyết phục khi trình Quốc hội nhiều dự án đầu tư công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định trước Quốc hội, đến năm 2015 cơ bản chấm dứt việc đầu tư dàn trải và sẽ không có việc “chạy” dự án. Nếu nơi nào đầu tư dàn trải, Chính phủ sẽ thu lại vốn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại, liệu có chấm dứt việc đầu tư dàn trải và việc “chạy” dự án. Báo Dân trí (12/6) phản ánh, đại biểu Quốc hội chất vấn Thanh tra Chính phủ - cơ quan đã tiếp cận, làm việc, phát hiện nhiều sai phạm tại Vinalines về trách nhiệm thẩm định hồ sơ bổ nhiệm Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Tháng 2/2012, Thanh tra đã biết những sai phạm tại Vinalines. Thanh tra không nhận được đề nghị cung cấp thông tin về các sai phạm của Vinalines và cá nhân ông Dũng khi Bộ Giao thông - Vận tải xem xét bổ nhiệm ông này”. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết, việc bổ nhiệm ông Dũng được tập thể Ban cán sự Đảng Bộ thống nhất, thực hiện đúng quy trình. Lãnh đạo Bộ thấy cần rút kinh nghiệm trong việc phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận. Báo Người Lao động (12/6), Điện tử ĐCSVN, VnExpress (13/6), Tin tức, Thanh tra, SGGP (14/6) cho biết, nóng trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội xung quanh vấn đề về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư công còn bất cập, gây bức xúc cho cử tri cả nước... Theo báo Đại đoàn kết (13/6), bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, những vấn đề về tham nhũng trong quản lý đất đai... là vấn đề bức xúc mà cả xã hội đang quan tâm. Vấn đề này phải tiếp tục được chất vấn tại kỳ họp Quốc hội kỳ này. Đồng thời, đại biểu Quốc hội tin tưởng các thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn cũng phải đúng vấn đề mà nhân dân, cử tri và xã hội đang quan tâm. Báo Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM (13/6) cho biết, 86% đại biểu nhất trí, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý chuyển dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012). Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Dân trí (13/6) đưa tin, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ và các Bộ liên quan tiến hành rà soát lại 3 dự án biến đổi khí hậu của Việt Nam do Đan Mạch tài trợ kể từ ngày 13/6/2012, nếu sai phạm thì xử lý nghiêm khắc. TTXVN, báo Nhân dân, Điện tử ĐCSVN, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tin tức, Thanh tra, Nông thôn ngày nay, Người Lao động, Lao động, Pháp luật VN, Đại đoàn kết, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamNet, Dân trí, VnExpress (15/6) đồng loạt phản ánh, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề vì sao để bị can Dương Trí Dũng lại trốn thoát được, có hay không việc lộ lọt thông tin; trách nhiệm của ngành Công an như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Đại Quang thông tin: Thông qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện ông Dũng cùng một số cá nhân khác có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng. Làm việc với ông Dũng, ông này đã thừa nhận hành vi phạm tội. Về việc ông Dũng bỏ trốn sau khi có lệnh khởi tố bắt để điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc; đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn có lộ, lọt thông tin hay không, nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an cũng kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có chức năng nghiên cứu và sửa đổi Luật tố tụng hình sự; Luật phòng, chống tham nhũng cho phép Cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Đại Quang còn cho biết, tình trạng cảnh sát giao thông tiêu cực, mãi lộ là một thực tế. Ngành đã ra sức phòng, chống nhưng không thể một sớm, một chiều xử lý dứt điểm được. Đồng thời, Bộ trưởng cũng kêu gọi cử tri cả nước và báo chí cung cấp thông tin về việc cảnh sát giao thông vi phạm, nghiêm cấm việc can thiệp xử lý vi phạm, không nên dùng tiền, hàng để hối lộ. Nếu cảnh sát giao thông vòi vĩnh thì tố cáo để cơ quan chức năng xử lý. Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận khuyết điểm về việc bổ nhiệm ông Dương Trí Dũng, do chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm; công tác giám sát, kiểm tra cán bộ làm không tốt. Bộ đang tiến hành kiểm điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời xung quanh vấn đề thủy điện Sông Tranh 2. Các báo hôm nay còn đồng loạt đưa tin, sáng 15/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chỉ đạo giải quyết những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng.
Theo báo Thanh tra (10/6), Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 26 điều, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, mục đích theo dõi, đôn đốc, kiểm tra. Dự thảo cũng dành 1 chương quy định việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Theo đó, việc thực hiện kết luận, xử lý sau thanh tra, nếu vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Báo Tiền phong (11/6) cho biết, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) đối với mảnh đất nông nghiệp rộng hơn 1.200m2 tại phường Nghĩa Đô cho 6 cá nhân gồm 5 thửa (từ 200m2 - 351,5m2). Đây được coi là khu đất vàng của Hà Nội, có 3 mặt tiền, sau khi được cấp sổ đỏ, mỗi mét vuông có giá gần 250 triệu đồng. Cuối năm 2011, sau khi phát hiện toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nói trên được “bí mật” cấp sổ đỏ từ năm 2009, nhiều cử tri phường Nghĩa Đô đề nghị thanh tra làm rõ (trong đó, có cả vợ một lãnh đạo cấp phòng của quận Cầu Giấy).
VnExpress (11/6) đưa tin, Phòng PA81, Công an tỉnh Bình Phước đã điều tra, làm rõ vụ chia nhỏ đất rừng bán cho cán bộ và có báo cáo gửi Ban Giám đốc Công an tỉnh để kiến nghị với Tỉnh ủy và UBND tỉnh thu hồi 2 dự án với tổng cộng 345 ha đất đã giao khoán Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Theo điều tra, hành vi này có động cơ trục lợi, vi phạm trách nhiệm của chủ rừng về việc theo dõi, giám sát việc thực hiện dự án của Sasco. Nội dung hợp đồng liên doanh có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi. Việc giao đất trồng cao su cho các cá nhân đầu tư để thu tiền có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc Sasco không đầu tư mà chuyển nhượng nhằm hưởng lợi là trái với quy định của UBND tỉnh Bình Phước và vi phạm hợp đồng liên doanh.
Báo Thanh niên (11/6) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cáo trạng, truy tố ra trước Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử Trần Văn Mười, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các đồng phạm gồm Lê Minh Huy Hoàng, nguyên chấp hành viên Chi cục THADS thành phố và Hoàng Anh Linh, nguyên là chuyên viên Nội chính Văn phòng Tỉnh ủy, nguyên chấp hành viên Cục THADS tỉnh. Các bị can nói trên liên quan đến việc xử lý số tài sản gồm 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích gần 40.000 m2, 9 ngôi nhà và đất do ông Trịnh Vĩnh Bình (Việt kiều Hà Lan) mua trên địa bàn tỉnh. Ông Bình bị Công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đất đai và đưa hối lộ.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (11, 12/6) có bài "Có tiền mới lọt cửa đăng kiểm". Bài báo cho biết, nhiều vụ tai nạn thương tâm do các lỗi kỹ thuật của xe như mất phanh, thay đổi kết cấu xe sai quy cách. Đa số lỗi này được đăng kiểm viên bỏ qua, chỉ cần có tiền. Một số chủ xe, tài xế cho biết: mức giá chung chi từ 200.000 - 300.000 đồng/xe, xe càng cũ nát, càng nhiều lỗi giá càng cao; nếu không chi đủ thì xe vừa xuất xưởng hay xe cũ cách gì cũng có lỗi. Sau khi báo phản ánh về vấn đề này, Lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm 5003V, 5005V và 5007V đã kiểm tra, có quyết định tạm đình chỉ công tác 4 đăng kiểm viên gồm Nguyễn Quốc Thịnh, Trung tâm đăng kiểm 5003V; Phạm Văn Thanh, Trung tâm đăng kiểm 5005V; Phạm Phú Lợi và Phùng Thái Sơn, Trung tâm đăng kiểm 5007V.
Theo tin từ báo Nông thôn ngày nay (12/6), Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 2 y sĩ, công tác tại khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có liên quan đến việc mạo danh bệnh nhân “rút ruột” bảo hiểm y tế với các thủ đoạn kê đơn thuốc khống, lập chứng từ giả... Sau khi tạm đình chỉ công tác các cán bộ, nhân viên có liên quan, Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, kết luận và xử lý vụ việc.
Báo Thanh tra (11/6), Đại đoàn kết, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Nông thôn ngày nay, Người Lao động (12/6), Nhân dân (13/6) cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp báo với các cơ quan thông tấn, báo chí, thông báo kết luận thanh tra Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm, trong đó sai phạm từ nhà đầu tư đến đơn vị triển khai, thi công. Cụ thể, Dự án Nhà máy BOO nước Đồng Tâm có vốn đầu tư 1.412,2 tỷ đồng, công suất 90.000m3/ngày, hoàn thành từ cuối năm 2010 đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Tháng 8/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh thanh tra dự án. Kết quả thanh tra cho thấy, UBND tỉnh ký hợp đồng mua nước với Công ty có sai phạm vì không xin phép Chính phủ về hình thức đầu tư, giá nước cao trái với quy định của Bộ Tài chính. Phía Công ty cũng có nhiều sai phạm, thi công không đúng thiết kế và khối lượng nhưng vẫn được thanh, quyết toán, chênh lệch giá trị đầu tư thực tế so với quyết toán hơn 165,8 tỷ đồng. UBND Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo tiếp tục làm rõ chênh lệch giữa giá trị đầu tư thực và giá trị quyết toán công trình; kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan…
Báo Pháp luật VN (11, 13/6) phản ánh, thời gian gần đây, tình trạng “chạy án” ở Nghệ An diễn ra nghiêm trọng trong các cơ quan tố tụng, các vụ án tham nhũng phần lớn bị xử treo hoặc cải tạo không giam giữ. Vụ thẩm phán Bùi Anh Đức, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành nhận hối lộ là một vụ điển hình, vì vậy quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân cũng như Công an tỉnh Nghệ An là phải xử lý nghiêm để tạo dựng niềm tin cho người dân. Vụ thẩm phán Bùi Anh Đức liên quan đến bị cáo Ngô Xuân Thảo, nguyên thủ quỹ xã Đông Thành bị truy tố về tội tham ô tài sản. Ông Thảo là người có công phanh phui hành vi vòi tiền trắng trợn của thẩm phán này, thay vì được biểu dương lại bị tòa án huyện tuyên án nặng gây bức xúc dư luận địa phương.
Báo Nhân dân (12/6) đưa tin, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm xác định những nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trước hết trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; rà soát, đề xuất loại bỏ cơ chế, chính sách không còn phù hợp cản trở việc thực thi công vụ; sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện và kiểm soát kê khai tài sản; thông tin, tuyên truyền lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực. Báo Lao động, SGGP (12/6) cho biết thêm, Chương trình hành động của Chính phủ còn đề cập đến nội dung cụ thể hóa các quy định của Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức và các văn bản pháp luật liên quan nhằm loại trừ khả năng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người thân lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi dưới mọi hình thức.
Báo Pháp luật TP.HCM (12, 13/6) phản ánh, nhiều người dân ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tỏ ra bất ngờ khi biết hơn 30 ha đất rừng tại đây hiện không còn dấu tích gì của rừng; thay vào đó là nhà ở, công xưởng, sân bóng… do người dân lấn chiếm, sang bán, làm nhà. Lo ngại trước toàn bộ đất rừng bị xóa sổ, nhiều người dân trong khu vực bức xúc trước hành vi ngang nhiên mua bán trái phép đất rừng để trục lợi bất chính của bà Phan Thị Tâm. Bà Tâm là chị vợ của ông Trần Đức Đại, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Long Bình, là người có đất trong diện tích do Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa quản lý.
TTXVN, báo Quân đội nhân dân (12/6), Nông thôn ngày nay (13/6) cho biết, qua kiểm tra, Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Đắk Nông đã phát hiện đường dây làm giả 38 bộ hồ sơ thương binh, bệnh binh được chuyển từ tỉnh Nam Định vào Đắk Nông để nhận tiền trợ cấp của Nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội xác minh, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định đường dây làm giả hồ sơ thương binh. Báo Thanh niên (14/6) cho biết thêm, tính đến thời điểm này Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Nam Định đã phát hiện 52 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh chuyển tới 6 tỉnh, thành phố là Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hòa Bình, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh để được nhận trợ cấp.
Theo tin từ báo Nông thôn ngày nay (13/6), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau mời nhà báo Thiện Thảo, phóng viên Báo Công an TP.HCM lên làm việc và yêu cầu cung cấp nguồn tin vụ nghi vấn hối lộ tại Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, nhà báo Thiện Thảo đã từ chối tiết lộ các nguồn tin, theo Luật báo chí. Nguồn tin này có liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh nhận tiền lót tay của nhà thầu Lê Thanh Phương trong Dự án nâng cấp, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Năm Căn. Ngày 18/4, ông Phương bị bắt tạm giam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề nghị cảnh cáo bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở; các cán bộ của Sở là Nguyễn Trung Tâm bị khai trừ Đảng, Nguyễn Thanh Phong bị cách chức.
Báo Tiền phong (13/6) đưa tin, tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng lực lượng 6 tháng đầu năm 2012, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý kỷ luật 74 trường hợp cán bộ, chiến sỹ liên quan khiếu nại, tố cáo tham nhũng của người dân. Trong đó, tước danh hiệu Công an nhân dân 2 người, cách chức 3 người, giáng cấp 8 người.
Báo Tiền phong, VnExpress (13/6), Dân trí (14/6) cho biết, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Võ Thành Danh, nguyên giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại tỉnh Ninh Thuận. Ông Danh bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, Cơ quan An ninh Điều tra đã khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ án này. Theo điều tra, ông Danh đã ký chứng thư bảo lãnh cho Công ty CP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận vay 200 tỷ đồng thực hiện dự án đóng tàu. Nhờ đó Trần Hữu Trung, nguyên Giám đốc Công ty này cùng các đồng phạm lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt 58 tỷ đồng của Công ty CP Bất động sản Vinalines.
VietNamNet, báo Dân trí (14/6) cho biết, Báo cáo về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) của Chính phủ được gửi đến đại biểu Quốc hội. Theo đó, trong giai đoạn dài, Vinalines đã “phát triển tốt”, như trước năm 2009, nhưng giai đoạn sau đó đến nay, đã có một số hạn chế, yếu kém. Con số đưa ra cuối năm 2010 cho thấy, tỷ lệ nợ của Vinalines bằng 4,27 lần vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh giảm dần do tăng chi phí về lãi vay, chi phí quản lý và khối lượng lớn vốn đầu tư hiệu quả thấp. Chính phủ xác nhận từ năm 2011, Vianlines bắt đầu hoạt động thua lỗ. 4 tháng đầu năm 2012 vẫn tiếp tục lỗ, tình hình tài chính của tổng công ty nhà nước này đang “rất khó khăn”. Nhiều dự án chậm tiến độ, công nợ lớn, số nợ lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ. Trong khi đó, Báo cáo ghi nhận, nội bộ Vinalines mất đoàn kết kéo dài và có sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh.
Báo Pháp luật TP.HCM (14/6) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã làm rõ vụ giáo viên ôm tiền tỷ bỏ trốn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bình (Agribank Bắc Bình) vừa có công văn gửi Công an huyện báo cáo vụ bà Phạm Thị Thúy Hồng, giáo viên kiêm thủ quỹ Trường Mầm non Bình An ôm tiền tỷ của nhiều đồng nghiệp và vay của Agribank Bắc Bình rồi bỏ trốn. Cơ quan điều tra chính thức vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng khi ký tên, đóng dấu xác nhận 29 nông dân thành giáo viên để giúp bà Hồng vay hơn 1,4 tỷ đồng của Agribank; đồng thời, làm rõ việc cán bộ tín dụng Agribank Bắc Bình có hay không sự móc nối để cho vay tiền sai quy định.
TTXVN, Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh niên (15/6) cho biết, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Toàn văn Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đăng trên trang nhất của các báo.
Báo Quân đội nhân dân, Lao động, Thanh tra, Pháp luật VN, Pháp luật TP.HCM, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM (15/6) đồng loạt phản ánh, tại UBND quận Hà Đông, Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra về vụ khiếu nại đất đai của một số hộ dân ở phường Dương Nội. Theo đó, có sự chênh lệch diện tích giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đo thực tế của 9 dự án là gần 115.000 m2, tương đương hơn 22,6 tỷ đồng… Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quận Hà Đông kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân về những thiếu sót trong quá trình tổ chức, thực hiện các dự án trên địa bàn phường; sớm thu hồi số tiền hơn 22,6 tỷ đồng mà địa phương chi sai mục đích.
Báo Pháp luật TP HCM, Tuổi trẻ TP.HCM (15/5) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Long An thống nhất hình thức kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Văn Đến, Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa do không gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật, nhận hối lộ. Khi thụ lý vụ việc đòi xe của bà Trần Thị Dung, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, ông Đến đã hứa xử thắng kiện, gợi ý và đã nhận quà, tiền của bà Dung. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được chuyển cho Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo báo Pháp luật TP HCM, Công an nhân dân (15/5), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Minh Long, nguyên Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước chi nhánh huyện Nhà Bè tử hình vì phạm tội tham ô với số tiền lớn, phạm tội nhằm mục đích thực hiện một hành vi phạm tội khác, không có khả năng khắc phục hậu quả. Long đã lợi dụng sơ hở của cán bộ trong ngành để rút gần 45 tỷ đồng chuyển qua tài khoản cho Phùng Mạnh Hùng để cá độ bóng đá.
Tin Quốc tế:
Báo Thanh tra (10/6) cho biết, Báo cáo do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố chỉ ra rằng, châu Âu đang thiếu minh bạch trong các quyết định cũng như trong vấn đề tài chính của các đảng phái chính trị. Theo TI, đa số người dân Liên minh châu Âu EU hiện nay khẳng định, tham nhũng đang là vấn đề nghiêm trọng của EU. Các đảng phái chính trị, các cơ quan công quyền ít để ý đến việc chống lại tệ nạn hối lộ. Không những thế, hầu hết các chính phủ đều bỏ qua kiểm toán đối với các hoạt động tài chính công, các dự án công, trong khi tổng giá trị của các dự án công trên toàn EU là khoảng 1.800 tỷ euro (gần 2.260 tỷ USD) mỗi năm.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (11/6), Thanh tra (12/6) đưa tin, Cục Phòng, chống tham nhũng thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bắt giữ 16 quan chức ở 13 bệnh viện vì liên quan đến hàng loạt bê bối nhận hối lộ trong các dự án mua bán dược phẩm và thiết bị y tế. Theo ước tính, 9 vị giám đốc, phó giám đốc bệnh viện, 7 lãnh đạo cấp phòng đã nhận hối lộ có thể lên tới hàng chục triệu nhân dân tệ.
Theo báo Thanh tra (12/6), Tổng thống Senegal Macky Sall đã đề nghị cộng đồng quốc tế và các nước Anh, Pháp, Mỹ hỗ trợ tìm và thu hồi tài sản đã bị các quan chức trước đây của Senegal tham nhũng và biển thủ công quỹ gửi ở nước ngoài. Tháng 4/2012, ông Macky Sall cho thành lập Văn phòng Chống tham nhũng và tài sản bất hợp pháp nhằm điều tra, xử lý các quan chức tham nhũng; phối hợp điều tra, truy tìm nguồn gốc tài sản bất minh và thu hồi về cho công quỹ. Ông Macky Sall cũng đề nghị Sáng kiến thu hồi tài sản tham nhũng (thuộc Ngân hàng Thế giới) và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc hỗ trợ trong việc tìm kiếm này. Tổng số tiền, tài sản của Senegal bị các cựu quan chức tham nhũng, biển thủ và gửi ở nước ngoài ước tính lên tới 400 tỷ USD.
Báo Thanh tra (14/6) cho biết, Cơ quan tư pháp tỉnh Port-de-Paix (Haiti) vừa ra quyết định khởi tố 40 bị can vì các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ. Kết quả điều tra cho thấy, có nhiều quan chức lãnh đạo của Sở Giáo dục tỉnh Port-de-Paix đã tham ô, biển thủ tổng cộng 5 triệu Gourde (tương đương 120 nghìn USD) tiền hỗ trợ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh trong chương trình phổ cập giáo dục tiểu học.
Báo Thanh niên (15/6) đưa tin, Viện kiểm sát Thái Lan đề nghị khởi tố một vụ gian lận tín dụng dính líu đến một ngân hàng nhà nước, danh sách nghi can gồm có cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng 27 người khác. Cơ quan công tố đề nghị tòa án triệu tập ông Thaksin trong phiên xử dự kiến vào tháng 7/2012, như một bị cáo bị truy tố tội tham nhũng. Vụ gian lận trên liên quan đến khoản vay trị giá hơn 10 tỷ baht (6.600 tỷ đồng VN).
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII cho rằng: phải kê khai tài sản cán bộ trước khi bổ nhiệm. Nhiều ý kiến chất vấn đại biểu xung quanh vấn đề về đất đai, đầu tư công, phòng, chống tham nhũng và các sai phạm tại Vinalines.
- Đắk Nông phá đường dây làm hồ sơ thương binh giả.
- Nhiều sai phạm trong triển khai Dự án Nhà máy BOO nước Đồng Tâm, tỉnh Tiền Giang.
- Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra về vụ khiếu nại đất đai của một số hộ dân ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG