Điểm báo tuần số 233 (Từ ngày 4/8 đến ngày 10/8/2012)
Báo Thanh tra, Dân trí, Người Lao động, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, VietNamNet (4/8) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có cáo trạng truy tố các bị can Lê Hồng Duân, Nguyễn Thanh Hải, nguyên cán bộ Trạm CSGT Quốc lộ 1A, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa về tội nhận hối lộ. Theo cáo trạng, Duân, Hải đã kiểm soát xe gỗ của Nguyễn Xuân Tình do Hồ Tấn Phương điều khiển và đòi 5 triệu đồng. Phương không đủ tiền, Hải yêu cầu viết giấy nợ với lãi suất 500.000 đồng/ngày. Nguyễn Văn Đôi, lao động tự do ở tỉnh Thanh Hóa cũng tham gia vào vụ đòi hối lộ, hành vi này cấu thành tội nhận hối lộ với vai trò giúp sức.
Báo Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động (4/8) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã hoàn tất điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh - Vinashin, gồm: Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty về tội tham ô tài sản; Đỗ Đình Côn, nguyên Phó Giám đốc tội che giấu tội phạm. Theo điều tra, cuối năm 2006, Tuyên chỉ đạo cấp dưới viết séc rút 4,5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Hoàng Anh - Vinashin để chi tiêu cá nhân, nhưng thông báo cho phòng kế toán là tạm ứng cho Công ty CP thương mại đầu tư Cửu Long thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Sau đó, Tuyên chỉ đạo Côn lập khống chứng từ để hợp thức hóa. Hai bị can này đã bị xét xử trong vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam vào cuối tháng 3; Tuyên bị phạt 10 năm tù giam, Côn 16 năm tù giam.
Theo tin từ báo Thanh niên, Hà Nội mới (4/8), Nhân dân, Công an nhân dân (5/8), Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã bắt tạm giam đối với Trần Lê Ðông, Kế toán trưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long về hành vi nhận hối lộ. Trước đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Bùi Hữu Trí, chuyên viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng về hành vi này. Theo điều tra, lợi dụng chức trách được giao, Trí đã móc nối, nhận hối lộ từ các đơn vị đấu thầu thi công, để các đơn vị này được chỉ định thầu, đấu thầu ưu đãi một số công trình. Cùng bị bắt còn có Phạm Tiến Ngọ, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thành Tiến, trụ sở tại huyện Bình Minh về hành vi đưa hối lộ. Số tiền đưa và nhận hối lộ trong đường dây này lên đến hàng tỷ đồng.
Báo Thanh niên, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM, VnExpress (5/8) cho biết, UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An quyết định kỷ luật đối với Ban giám hiệu Trường tiểu học Mai Hùng vì có sai phạm trong quản lý tài chính. Theo đó, bà Lê Thị Loan, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu phó bị cách chức; bà Nguyễn Thị Hằng Nga, kế toán bị cảnh cáo và bà Trần Thị Liên, Hiệu phó bị khiển trách. Theo kết luận thanh tra, từ năm 2009 - 2011, Ban giám hiệu Trường tiểu học Mai Hùng đã lập chứng từ khống, thu, chi trái quy định 212 triệu đồng.
Báo Lao động (6, 7/8) phản ánh, ở Kiên Giang, không chỉ có tỉnh tự ý giao đất, cho thuê đất trái với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, một số địa phương cũng “ăn theo” khi giao đất, cho thuê đất trái với quy hoạch của tỉnh và của địa phương. Tình trạng “loạn” quy hoạch, cho thuê đất trái phép diễn ra khá phổ biến. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, với nhiều bất cập trong việc xác định giá đất làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng, cho thuê đất... UBND tỉnh Kiên Giang đã làm thất thoát ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử lý tổng số tiền sai phạm hơn 137,929 tỷ đồng.
Báo Dân trí, VnExpress (6/8), Nông thôn ngày nay, Tiền phong, Pháp luật VN, Hà Nội mới, Đất Việt (7/8), Đại đoàn kết (9/8) cho biết, trao đổi với báo chí tại cuộc họp thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107 đang được trình Chính phủ, trong đó đề cập tới nội dung “Lãnh đạo cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tức là trách nhiệm liên đới, sẽ phải chịu một trong ba hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức”. Dự thảo Nghị định này cũng quy định rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
TTXVN (7/8), báo Tin tức, Nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Dân trí, Người Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (8/8), Điện tử ĐCSVN (9/8) đồng loạt đưa tin, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 11 bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Agribank (ALCII). Trong số này, có 7 đối tượng nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Công ty. Theo điều tra, dù Công ty ALCII không được thực hiện nghĩa vụ cho vay nhưng ông Vũ Quốc Hảo, Tổng giám đốc đã ký các hợp đồng khống với Công ty Quang Vinh và Phú Gia vay số tiền lớn để rút tiền của Nhà nước dưới hình thức đầu tư mua tài sản để cho thuê. Sau khi rút tiền, các bị can đem cho công ty khác vay lại và cho Vũ Quốc Hảo sử dụng vào việc trả nợ, đảo nợ, hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Hiện công an xác định, từ năm 2008 - 2009, Vũ Quốc Hảo cùng các đồng phạm đã ký 10 hợp đồng cho thuê tài chính khống, rút hơn 795 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền hơn 500 tỷ đồng. Riêng Vũ Quốc Hảo bị cáo buộc đã chiếm, hưởng 83,8 tỷ đồng; Ðặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quang Vinh chiếm, hưởng 127 tỷ đồng.
Theo tin từ TTXVN, báo Tin tức, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (8/8), Điện tử ĐCSVN, Pháp luật TP.HCM, Thanh niên, Người Lao động (9/8), Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt Vũ Đình Toàn, ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh 2 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2008 - 5/2009, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Lưu Tố Lan, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy móc nối với các nhân viên trong bệnh viện và bác sĩ tuyến dưới sử dụng bảo hiểm y tế của những người có thẻ nhưng không đi khám, chữa bệnh rồi kê 1.168 đơn thuốc khống, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 3,96 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 1,1 tỷ đồng. Lan đã bị xử phạt 16 năm tù, Toàn bỏ trốn đến ngày 20/9/2011 thì bị bắt giữ. Trong vụ án này, Toàn giúp sức cho Lan chiếm đoạt hơn 134 triệu đồng.
Báo Tiền phong (8/8), Thanh tra (10/8) cho biết, qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Tổng Công ty Thép Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng trăm tỷ đồng là các khoản nợ khó có khả năng thu hồi do buông lỏng quản lý. Theo kết luận thanh tra, một số đơn vị thuộc Tổng Công ty chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định về kinh doanh thương mại; các bộ phận chức năng tham mưu của Tổng Công ty thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, giám sát bộ phận trực tiếp kinh doanh dẫn đến sai phạm. Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Kim khí và Dịch vụ số 2 (thuộc Công ty Kim khí Hà Nội) có dấu hiệu vụ lợi. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Chi nhánh Hà Nội có dấu hiệu giả mạo giấy tờ, tài liệu; làm trái các quy định mua bán hàng của Công ty, dẫn đến công nợ kéo dài, khó có khả năng thu hồi. Cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 2 đơn vị này.
TTXVN, báo Tiền phong (8/8), Điện tử ĐCSVN, VnExpress, Hà Nội mới (9/8) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Khanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch 4 năm tù giam, Nguyễn Văn Ơn và Đỗ Văn Hồ, đều nguyên là cán bộ địa chính xã cùng chung mức án 3 năm tù. Theo hồ sơ, Khanh, Ơn có nhiều sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận chuyển đổi mục đích sử dụng 27.819 m2 đất. Khanh, Ơn và Hồ còn phối hợp thực hiện ký xác nhận cho 209 lượt hộ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu gần 600 triệu đồng trái quy định.
Báo Nông thôn ngày nay, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, Lao động (9/8) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ đang thụ lý vụ ông Lương Quang Minh, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ - Hậu Giang biếu 100 triệu đồng cho đại úy Trương Minh Phú, Đội trưởng đội 6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Cần Thơ. Theo thông tin phản ánh, đại úy Phú là cán bộ trực tiếp điều tra một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ - Hậu Giang có dấu hiệu sai phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngày 17/7, ông Minh đến nhà đại úy Phú để lại một phong bì 100 triệu đồng. Đại úy Phú đã báo cơ quan và bàn giao số toàn bộ tiền trên. Báo Tuổi trẻ TP.HCM (10/8) thông tin thêm, Công an TP. Cần Thơ đã gửi hồ sơ kiến nghị Bộ Công an xét tặng Bằng khen đột xuất cho đại úy Trương Minh Phú.
TTXVN (9/8), báo Đại đoàn kết, Pháp luật VN, Thanh niên, Thanh tra (10/8) phản ánh, tại tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng”. Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu tập trung về một số nội dung như một số vấn đề chung về lý luận và thực tiễn phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, khuyến nghị đối với Việt Nam; việc thực hiện các chức năng của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng; hỗ trợ Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng… Để nâng cao vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, Quốc hội phải nâng cao chất lượng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hạn chế cơ hội tham nhũng; nâng cao chất lượng quyết định, phê chuẩn và giám sát ngân sách, quyết định các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia. Các quyết định của Quốc hội về kinh tế, tài chính, về ngân sách và chính sách tài khóa phải thực chất. Đồng thời cần phải xây dựng các thiết chế hỗ trợ trong phòng, chống tham nhũng… Các đại biểu cho rằng, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch. Cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Báo Pháp luật TP.HCM (10/8) phản ánh tại hội thảo cho biết, muốn “Chống tham nhũng: Giám sát cả gia đình quan chức”.
Hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng”
Báo SGGP (10/8) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Hải Hòa, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Công ty TNHH Xổ số kiến thiết (SXKT) tỉnh Đắk Nông tại tỉnh Gia Lai và Chu Huy Khánh, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Công ty XSKT Đắk Nông tại huyện Chư Jút, tỉnh Gia Lai về hành vi tham ô tài sản. Từ năm 2008 - 2011, Hòa và Khánh đã cố ý làm trái các quy định của Công ty trong quản lý tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Đặc biệt Hòa và Khánh đã tự ý thu tiền của các đại lý trái quy định pháp luật, sử dụng vào mục đích cá nhân; đã chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Tin Quốc tế:
Báo Pháp luật TP.HCM (6-8/8) phản ánh 3 kỳ với nội dung: “Các nước chống tham nhũng”. Kỳ I, “Nam Sudan: Buộc kê khai tài sản” cho biết, tham nhũng đã tàn phá châu Phi và bần cùng hóa hàng triệu người tại châu lục này. Theo Liên minh châu Phi, khoảng 148 tỷ USD tại lục địa đen bị các lãnh đạo, quan chức bỏ túi mỗi năm. Đầu tháng 2/2012, các vị tướng cao cấp của Quân giải phóng nhân dân Nam Sudan (SPLA) được Ủy ban Chống tham nhũng nước này yêu cầu kê khai thu nhập và tài sản. Dư luận coi đó là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng ở quốc gia châu Phi này. Kỳ II, “Luật kiểm soát thu nhập” cho biết, ở Mỹ, do việc kiểm soát thu nhập cán bộ, công chức khá chặt chẽ nên tham nhũng khó có cơ hội nảy sinh. Ở Nhật Bản, quan chức cấp cao phải báo cáo về những quà tặng vượt quá 5.000 yên, giao dịch chứng khoán và thu nhập vượt quá 1 triệu yên (9.430 USD). Một số phần trong bản kê khai được đem cho dân chúng xem. Kỳ 3, “Trung Quốc: Túi quan cả làng muốn tỏ” cho thấy, Trung Quốc cũng đã từng rầm rộ kê khai tài sản nhưng kê khai xong lại cất kín trong tủ. Sắp tới đây có thể Trung Quốc sẽ thực hiện truy nguyên nguồn gốc túi tiền của quan chức trước khi công khai cho dân biết.
Báo Thanh tra (7/8) cho biết, Văn phòng Chống tham nhũng Afghanistan mở cuộc điều tra đối với Bộ trưởng Tài chính Hazarat Omar Zakhilwal vì nghi ngờ đã chuyển tổng cộng 1,2 triệu USD ra các tài khoản ở nước ngoài trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2011. Vụ việc chỉ được phát hiện khi một tài khoản ở Canada xuất chi 100 nghìn USD để mua một căn nhà và người đứng tên xuất chi là ông Hazarat Omar Zakhilwal. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Afghanistan khẳng định, ông không hề chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, mà đó hoàn toàn là tiền do ông lao động chân chính làm ra.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng”.
- Đề nghị truy tố các bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh - Vinashin.
- Đề nghị truy tố 11 bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Agribank (ALCII).
VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG