Điểm báo tuần số 234 (Từ ngày 11/8 đến ngày 17/8/2012)
Báo Công an nhân dân (11/8) đưa tin, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù đối với Phan Thanh Nhật, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Techcombank - chi nhánh Lê Quang Định, quận Bình Thạnh về tội nhận hối lộ. Lợi dụng quyền hạn và nhiệm vụ được giao, trong quá trình giải ngân cho Công ty Đất Vàng Len, Nhật đã gây khó khăn đồng thời yêu cầu Công ty này phải chi cho mình 3% trên tổng số tiền được vay (20 tỷ đồng). Phía Công ty đã chi cho Nhật và Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên quan hệ khách hàng 70 triệu đồng nhưng Nhật chê ít, tiếp tục đòi thêm. Công ty Đất Vàng Len đã tố cáo hành vi của Nhật ra cơ quan Công an. Đến ngày 22/1/2011, trong lúc Nhật và Tuấn đang nhận tiếp số tiền 98,5 triệu đồng từ doanh nghiệp này thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Phú Nhuận bắt quả tang.
Theo tin từ báo Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM (11/8), Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh quyết định hoàn trả hồ sơ để điều tra lại vụ tham nhũng của nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khỏe. Vụ án xảy ra từ năm 2008. Một năm sau đó, Cơ quan công tố đã có cáo trạng thứ nhất truy tố 10 bị cáo, nhưng bị tòa trả hồ sơ. Sau khi cáo trạng lần thứ hai hoàn thành, tháng 8/2010, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa và tuyên phạt ông Khỏe 26 năm tù. Đến phiên phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, với lý do cấp sơ thẩm xác định thiệt hại của vụ án chưa chính xác.
Báo Pháp luật TP.HCM, Người Lao động (11/8), Thanh niên (12/8) cho biết, Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Hữu Phước, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng La Ngâu (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà - Tánh Linh) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra ban đầu, ông Phước có dấu hiệu bao che để lâm tặc đốn hạ 25 cây gỗ quý tại tiểu khu 336A, 336B (trên 30m3). Trước đó, Hạt Kiểm lâm và Công an huyện đã phát hiện tại nhà riêng ông Phước và người em rể có giấu 5,6m3 gỗ căm xe (nhóm II) không rõ nguồn gốc và đã tịch thu số gỗ này.
Báo Nông thôn ngày nay, SGGP (11/8), Công an nhân dân (12/8) đưa tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ Đông, Trưởng phòng quản lý và dịch vụ kho quỹ Chi nhánh ngân hàng đầu tư - phát triển (BIDV) Phú Yên về tội tham ô tài sản. Trong một cuộc thanh tra BIDV Việt Nam đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm trong hoạt động tín dụng ở BIDV Phú Yên, gây thất thoát hơn 6,7 tỷ đồng, trong đó có một số khoản tiền bị “rút ruột” do hành vi tham ô. BIDV Việt Nam đã có quyết định cách chức Giám đốc BIDV Phú Yên đối với ông Nguyễn Công.
Báo Pháp luật TP.HCM, VnExpress (11/8), Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên (12/8), Nông thôn ngày nay (13/8) cho biết, liên quan đến vụ cán bộ quản lý thị trường bị tố cáo vòi tiền doanh nghiệp, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với các ông Phạm Văn Hòa, Đội trưởng; Hồ Huy Cường, Đội phó; cảnh cáo đối với ông Lương Mạnh Toàn, kế toán Đội Quản lý thị trường số 2.
Theo báo SGGP (12/8), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Khổng Trung Thiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Liên doanh Lenex, Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2005 - 2011, Thiếu đã nhiều lần chỉ đạo Tổng giám đốc, Kế toán và thủ quỹ kê khống nhiều hợp đồng môi giới, hóa đơn chứng từ, chiếm đoạt trên 550 triệu đồng của Công ty; chỉ đạo cấp dưới làm khống hợp đồng xây dựng với một công ty của Hàn Quốc, trả công ty này 1,4 tỷ đồng và ký nhận hơn 500 triệu đồng; chi sai nguyên tắc hơn 1,1 tỷ đồng. Tính đến nay, ngoài số tiền đã chiếm đoạt, Thiếu còn ký nhận của Lenex hơn 2,5 tỷ đồng nhưng cũng không chứng minh được các khoản chi.
Báo Pháp luật TP.HCM (13/8) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định có cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân để xét xử Trần Tín Kiệt, nguyên Hiệu trưởng; Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường Đại học Quy Nhơn tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo cáo trạng, từ năm 1999 - 2008, Trần Tín Kiệt đã chỉ đạo các phòng Đào tạo, Kế hoạch - Tài chính thực hiện các khoản thu phí đối với sinh viên trái quy định với số tiền hơn 22 tỷ đồng, gây thiệt hại cho sinh viên hơn 18 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, đã chỉ đạo cấp dưới chi sai nguyên tắc hơn 11 tỷ đồng, trong đó chi bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên của trường 965 triệu đồng. Bản thân Kiệt nhận hơn 280 triệu đồng, Ngọc Anh nhận 30 triệu đồng.
Báo Thanh niên, Người Lao động (13/8), Điện tử ĐCSVN, Thanh tra, Pháp luật VN, Tiền phong, Dân trí (14/8) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh. Bị cáo Nguyễn Kim Phúc, nguyên Giám đốc Sở TN-MT cùng 9 bị cáo khác nguyên là cán bộ của Sở cùng bị truy tố về tội tham ô tài sản. Bị cáo Nguyễn Kim Phúc tiếp tục cáo bệnh xin vắng mặt. Theo cáo trạng, từ tháng 1/2007 - 11/2009, các bị cáo này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình thực hiện chương trình SEMLA Phú Yên để lập khống chứng từ thanh toán, chiếm đoạt hơn 432 triệu đồng.
TTXVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Quân đội nhân dân (13/8), Điện tử ĐCSVN, Nhân dân, Tin tức, Công an nhân dân và các báo… (14/8) đồng loạt phản ánh, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục đích là trao đổi kinh nghiệm bước đầu đã đạt được trong quá trình chuẩn bị và các bước tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Ðảng để các tỉnh ủy, thành ủy và tương đương nghiên cứu, triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị. Ðồng chí Lê Hồng Anh đã trình bày báo cáo về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân được tiến hành một cách nghiêm túc, chân tình nhưng thẳng thắn, không né tránh, trong không khí dân chủ, cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Kiểm điểm tập thể làm cơ sở cho kiểm điểm cá nhân, kiểm điểm cá nhân đặt trong quan hệ kiểm điểm tập thể. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở các đồng chí bí thư, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy và tương đương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhóm giải pháp hàng đầu của Nghị quyết Trung ương 4. Phải thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm từng bước tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quang cảnh Hội nghị
Báo Công an nhân dân (13/8) phản ánh, liên quan đến việc đại úy Trương Hoài Phú, Phó Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án kinh kế, Phòng PC46, Công an TP.Cần Thơ từ chối nhận hối lộ 100 triệu đồng. Lãnh đạo Công an TP.Cần Thơ đã đề nghị Bộ Công an tặng Bằng khen đột xuất cho đại úy Phú. TTXVN, VnExpress (16/8), báo Nông thôn ngày nay, Pháp luật TP.HCM (17/8) cho biết, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ đã trao tặng Bằng khen của Bộ Công an cho Thiếu tá Trương Hoài Phú (đại úy Phú vừa được thăng hàm thiếu tá) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương và là người vừa từ chối nhận món quà trị giá trên 100 triệu đồng. Thiếu tá Trương Hoài Phú đã nêu tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần rèn luyện tu dưỡng phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” của cán bộ công an nhân dân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TTXVN, báo Tin tức, Điện tử ĐCSVN, Thanh niên (14/8), Tuổi trẻ TP.HCM (15/8) đưa tin, Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước khởi tố, bắt giam 5 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Phong, Giám đốc; Võ Tấn Cang, chốt trưởng bảo vệ rừng; Triệu Văn Cư, nhân viên của Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh; Lâm Văn Thạnh, Hạt trưởng và Châu Văn Bảy, Kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm huyện Lộc Ninh do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến việc phá hoại 52 ha đất rừng. Đây là khu vực đất rừng cần khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt, cấm hủy hoại. Ông Trương Văn Phúc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh (nay là Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh) đã có văn bản thuận chủ trương cho HTX Phương Thảo phá rừng để trồng cao su. Theo cơ quan chức năng, hành vi này của ông Phúc là có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo Thanh niên, VnExpress (14/8), Nhân dân, Pháp luật TP.HCM (15/8) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định khởi tố bị can đối với Võ Chí Đảm, nguyên Phó giám đốc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và quản lý quy hoạch huyện Đông Hải về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra, khi còn đương chức, ông Đảm đã ký séc để Kế toán trưởng Lê Tùng Linh rút tiền bồi hoàn của dân, tạo điều kiện cho Linh chiếm đoạt trên 400 triệu đồng. Linh đã bị bắt giam về hành vi tham ô tài sản.
Theo tin từ báo Người Lao động (14/8), Tuổi trẻ TP.HCM (15/8), sau 2 ngày xét xử (ngày 10 và 14/8), Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và không tố giác tội phạm xảy ra tại dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ở dự án thủy lợi Phước Hòa. Liên quan đến vụ án này có 9 bị cáo nguyên là cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cán bộ một số xã có công trình đi qua... lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền đền bù và gây thất thoát của Nhà nước gần 2,1 tỷ đồng.
Báo Lao động (15/8) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình đã phát lệnh truy nã đối với Nhâm Ngọc Chinh, Giám đốc Công ty TNHH sứ Tây Sơn, Khu công nghiệp huyện Tiền Hải về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ, từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp của Chinh đã nhận gần 5 tỷ đồng mua gạch ốp lát của khoảng 20 đơn vị, nhưng sau đó không giao hàng. Cuối năm 2011, Chinh đã bỏ trốn khỏi địa phương.
TTXVN, báo Thanh niên, Hà Nội mới, SGGP (15/8), Công an nhân dân, Nông thôn ngày nay, Đất Việt (16/8) phản ánh, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm mức án 7 năm tù về 2 tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và lập quỹ trái phép đối với bị cáo Nguyễn Duy Khoát, nguyên Chủ tịch UBND kiêm Phó Bí thư Chi bộ xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo cáo trạng, từ tháng 3/1979 - 12/1994, khi còn đương chức bị cáo Khoát đã cho thu hồi trái quy định pháp luật hơn 14.000m2 đất của 9 hộ dân để phân lại cho những người có quan hệ cá nhân với bị cáo; chỉ đạo cấp dưới ký các giấy tờ hóa giá 7.000m2 đất do Nhà nước quản lý cho vợ bị cáo đứng tên nhưng không đóng tiền hóa giá; năm 1999, ông Khoát tiếp tục chỉ đạo thanh lý nhà kho của xã, giao 4.032m2 đất cho bị cáo nhưng lại để người khác đứng tên.
TTXVN, báo Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động (15/8), Tin tức, Điện tử ĐCSVN, Công an nhân dân, Thanh niên, Pháp luật VN, Pháp luật TP.HCM, SGGP (16/8), Lao động (17/8) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Quang, nguyên Giám đốc; Đoàn Hồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Tín dụng; Nguyễn Văn Tạo, Phó phòng Tín dụng; Lê Văn Sơn, nguyên cán bộ hậu kiểm Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra, từ năm 2008 - 2011, các bị can này đã buông lỏng quản lý, làm sai quy định, thiếu kiểm tra, kiểm soát… tạo sơ hở để Huỳnh Chí Trung, nhân viên tín dụng Chi nhánh Ngân hàng này chiếm đoạt hơn 19,5 tỷ đồng. Ngày 17/7/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã tuyên phạt Trung án tù chung thân về tội tham ô tài sản.
Báo Pháp luật VN (16/8) phản ánh, Thanh tra tỉnh Vĩnh Long kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hàng loạt lãnh đạo và cán bộ đầu ngành huyện Long Hồ do có nhiều sai phạm trong quản lý và cho thuê đất bãi bồi trên địa bàn huyện gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài, làm thất thu hàng tỷ đồng của Nhà nước. Bài báo phản ánh việc huyện này đã thực hiện thu hồi đất cho “quan chức” thuê, dẫn đến sai phạm kéo dài.
TTXVN, báo Thanh tra, Hà Nội mới (16/8), Nhân dân, Pháp luật VN (17/8) cho biết, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng (VACI 2011). Với 3 phiên thảo luận, Hội thảo đã đánh giá việc triển khai 34 sáng kiến phòng, chống tham nhũng đã đạt giải VACI 2011, qua đó tiếp tục hỗ trợ, tăng cường năng lực thực hiện các dự án, đồng thời đề xuất ý tưởng ban đầu về việc nhân rộng sáng kiến thực hiện trong công tác này. Một trong số đó là tăng cường năng lực giám sát cộng đồng và giáo dục. Thời gian tới, các cơ quan đồng tổ chức cần tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai VACI 2011, nhất là việc phân tích, đánh giá tính khả thi và dự báo rủi ro trong xây dựng kế hoạch chi tiết, thiết kế các hoạt động truyền thông ở các cấp độ đề án và toàn chương trình nhằm tạo hiệu hứng tích cực, tăng tính lan tỏa của chương trình VACI. Báo Nông thôn ngày nay, Dân trí, Tiền phong, Đại đoàn kết (17/8) phản ánh, trao đổi với phóng viên bên lề Đối thoại giữa kỳ về sáng kiến phòng, chống tham nhũng tại Hà Nội về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết: việc nâng cao chất lượng của việc kê khai tài sản, thu nhập của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là cần thiết. Tất cả những điều này sẽ được đưa vào luật, cụ thể hóa bằng các nghị định, hướng dẫn. Và từ luật, chúng ta sẽ có những chế tài để xử lý. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, trong công tác PCTN có rất nhiều nội dung, nhưng nội dung mà nhân dân, các cơ quan quản lý nhà nước đang quan tâm là vấn đề công khai, minh bạch trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tin Quốc tế:
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (11/8) cho biết, nhà hoạt động chống tham nhũng Baba Ramdev đã bắt đầu đợt tuyệt thực ba ngày để kêu gọi Chính phủ Ấn Độ thu lại hàng trăm tỷ USD mà các quan chức đã cất giấu ở nước ngoài. Có khoảng 20.000 người tham gia để bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch chống trốn thuế và bài trừ tham nhũng của ông Baba Ramdev. Báo cho biết, mục đích tuyệt thực của ông Baba Ramdev nhằm xóa sổ những khoản thu nhập bất chính và trốn thuế của các quan chức đem trở về nước. Ông cáo buộc các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được sử dụng như một kênh chính thức nhằm hợp thức hóa các khoản tiền đen và yêu cầu Chính phủ điều tra danh tính các nhà đầu tư FDI.
Báo Thanh tra (12/8) đưa tin, một trang web có tên là Korupedia đã chính thức đi vào hoạt động ở Indonesia. Đây được coi như một từ điển bách khoa toàn thư mở trực tuyến, chuyên cung cấp và cập nhật danh sách những cá nhân, cơ quan, tổ chức dính líu đến tham nhũng. Thông qua trang web này, mọi người có thể liên tục được cập nhật tên, tuổi, hình ảnh, mức án, nội dung vụ án, số tiền tham nhũng và cả những khối tài sản bất hợp pháp bị cơ quan chức năng phát hiện của những cá nhân, tổ chức liên quan đến tham nhũng (đã hoặc sắp được đưa ra xét xử). Theo đó, bên cạnh việc cung cấp thông tin chi tiết các vụ việc tham nhũng, Korupedia còn được coi là một trong các cách thức nhằm công khai tất cả vụ việc liên quan đến tham nhũng.
Theo tin từ báo Thanh tra (14/8), Cảnh sát Hoàng gia Canada mở cuộc điều tra tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và trốn thuế đối với 4 cựu công chức của Cục Thuế TP.Montréal (Québec, Canada); gồm: 2 cựu Giám đốc Chi nhánh Tổng cục Thuế Canada tại Québec, 1 kế toán và 1 công chức của Cục Thuế TP.Montréal. Bốn người này bị tố cáo đã lợi dụng chuyên môn nghiệp vụ, chức vụ, quyền hạn để lách luật, trốn thuế và ngăn cản không cho đồng nghiệp kiểm tra, giám sát các nguồn thu nhập. Tổng số tiền những người này trốn thuế ước tính 3 triệu USD.
Báo Thanh tra (15/8) cho biết, bà Anna Bubenikova, cố vấn người Slovakia phụ trách lĩnh vực tư nhân hóa của Liên minh châu Âu (EU) đã có đơn xin từ chức vì bị nghi ngờ tham nhũng. Năm 2011, bà Anna Bubenikova được EU chỉ định làm cố vấn trợ giúp EU trong quá trình tư nhân hóa một loạt tập đoàn kinh tế Nhà nước của Hy Lạp nhằm giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn kinh tế của Hy Lạp, sau khi được cổ phần hóa vẫn không mang lại hiệu quả, thậm chí còn bị “lỗ”. Vì thế, nhiều người nghi ngờ, bà Anna Bubenikova có hành vi tham nhũng trong quá trình cổ phần hóa này, đặc biệt là trong thương vụ bán 10% tài sản của OTE Telecom (Hy Lạp) cho Tập đoàn Deutsche Telekom (Đức).
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng.
- Khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng quản lý và dịch vụ kho quỹ Chi nhánh ngân hàng đầu tư - phát triển Phú Yên về tội tham ô tài sản.
- Truy tố nguyên Hiệu trưởng và Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường Đại học Quy Nhơn tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
- Xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên.
- Khởi tố 4 cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG