Điểm báo tuần số 245 (Từ ngày 26/10 đến ngày 2/11/2012)
Báo Đại đoàn kết, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM (26/10) cho biết, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng tại dự án nhà máy chế tạo ống thép thuộc Khu công nghiệp dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng nhà máy, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam và các nhà thầu tham gia xây dựng để xảy ra nhiều sai sót. Bộ Xây dựng đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, các cá nhân Hội đồng Thành viên và Ban Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc ban hành các văn bản, chỉ thị cho đơn vị cấp dưới thực hiện chỉ định thầu trái với Luật Đấu thầu trong việc xây dựng Nhà máy.
Báo Thanh niên, Pháp luật TP.HCM (26/10) đưa tin, liên quan đến vụ sai phạm trong “chạy” chế độ 290 dành cho đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng chưa được hưởng chính sách tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 5 phê chuẩn lệnh bắt tạm giam Thượng tá Trương Kim Thường, nguyên Chính trị viên Huyện đội huyện Phú Ninh để làm rõ hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thường ký duyệt hồ sơ đề nghị hưởng chế độ 290 cho hàng trăm đối tượng không đủ tiêu chuẩn với số tiền đã chi trả khoảng 1 tỷ đồng; chỉ đạo cán bộ thuộc quyền lập chứng từ quyết toán khống vụ lợi hơn 100 triệu đồng.
Báo Pháp luật TP.HCM (26/10) phản ánh, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành truy nã bị can Phạm Văn Bình, Phó trưởng phòng Tín dụng cá nhân Ngân hàng Ocean Bank, Chi nhánh Vũng Tàu. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Bình về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Bình vay gần 12 tỷ đồng của nhiều người dân trên địa bàn rồi bỏ trốn.
Cũng theo tin từ báo này, Đảng ủy khối Dân-Chính-Đảng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm chuyên đề phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc cải tiến thủ tục hành chính. Tại buổi tọa đàm, nhiều cơ quan, đơn vị trong khối cho biết các tổ chức đoàn thể đã có nhiều mô hình tham gia tích cực cùng cơ quan, đơn vị mình cải tiến thủ tục hành chính, tăng thêm sự hài lòng cho người dân.
Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Dân trí (26,27/10) cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII. Điểm thay đổi lớn của dự luật là quy định Thủ tướng là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bỏ; việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ do Đảng quy định. Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Báo Nhân dân, VnExpress, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM (26/10), Nhân dân (30/10) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang Nguyễn Quốc Kiên, cán bộ Ban quản lý công trình UBND thành phố Quảng Ninh đang nhận hối lộ 155 triệu từ nhân viên doanh nghiệp trên địa bàn tại một nhà hàng ở phường Cẩm Thành, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. Được giao nhiệm vụ giám sát công trình tại 2 phường Cẩm Thủy và Cẩm Tây do Ban quản lý công trình thành phố làm chủ đầu tư, Kiên yêu cầu Doanh nghiệp trên là chủ thầu thi công một số công trình giao số tiền "phần trăm" theo trị giá công trình.
Báo Pháp luật TP.HCM, Bình Thuận (28/10) phản ánh, hàng chục cán bộ, nhân viên Bưu điện tỉnh Bình Thuận gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, tố cáo bà Trần Thị Hiền, Giao dịch viên Bưu điện tỉnh có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Theo đơn, từ năm 2011 đến 2012, bà Hiền đặt vấn đề với các đồng nghiệp để vay nhiều tỷ đồng mua đất. Tuy nhiên, bà Hiền đã không trả cả tiền gốc lẫn lãi. Đến thời điểm hiện tại, số nợ của tám người có đơn đã lên đến 1,3 tỷ đồng.
Theo tin từ báo Người Lao động (28/10), VnExpress, Tiền phong, Công an nhân dân, Thanh niên, SGGP, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động (29/20), Quân đội nhân dân, Tin tức (30/10) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố ông Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc ALC II và 10 bị can về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc ký, giải ngân 9 hợp đồng thuê tài chính, gây thiệt hại cho Công ty hơn 510 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ vì cho rằng ông Hảo còn có hành vi tham ô tài sản.
Báo Thanh niên, Pháp luật TP.HCM (28/10) cho biết, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an thành phố Tuy Hòa bắt quả tang Lê Hồng Tú, nhân viên lái xe Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên nhận 3 triệu đồng của ngư dân ở Phường 6. Ngư dân đưa tiền cho Tú để làm hồ sơ hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ thuộc diện được hỗ trợ tiền dầu vì đánh bắt ở vùng biển xa. Báo Pháp luật TP.HCM (30/10) thông tin thêm, Công an thành phố Tuy Hòa tiếp tục xác minh việc Lê Hồng Tú nhận tiền của ngư dân để “chạy” hồ sơ xin hỗ trợ chuyến biển. Bước đầu đã có gần 20 chủ tàu ở Phường 6 khai báo đã đưa cho Tú 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi hồ sơ.
Báo Công an nhân dân (29/10) có bài, "Ai bao che cho sai phạm ở Công ty Phytopharma?". Bài báo cho biết, mặc cho sự phản ứng gay gắt của các cổ đông và dư luận, song cả lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam và Bộ Y Tế cũng như các cơ quan chức năng vẫn cố tình làm ngơ… khiến sai phạm của Phytopharma ngày càng nghiêm trọng, kéo dài mà không ai xử lý. Những sai phạm ở Phytopharma đã liên tiếp xảy ra trong suốt mấy năm qua, khiến dư luận bất bình, cổ đông điêu đứng. Chẳng lẽ Bộ Y tế cũng như Tổng Công ty Dược Việt Nam cứ để “người đại diện”của mình qua mặt, làm hại nhà nước đến bao giờ?
Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, báo Đại đoàn kết, Lao động, Công an nhân dân, Thanh tra (30/10) đưa tin, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Bộ Phát triển Anh quốc tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo "Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương - Thực trạng và giải pháp". Tại hội thảo, các địa phương cùng chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt về công tác phòng, chống tham nhũng theo các chủ đề: Tham nhũng và chống tham nhũng ở địa phương; Sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN ở địa phương; Trao đổi kinh nghiệm về PCTN và những kiến nghị, đề xuất về giải pháp cho công tác PCTN.
Báo Đại đoàn kết, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Khánh Hòa (30/10) phản ánh, Ban Chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa về phòng, chống tham nhũng vừa nhận được công văn của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN yêu cầu làm rõ thông tin về việc Đội liên ngành do UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà thành lập có hành vi ăn chặn, tư túi tiền bán kỳ nam thu được của dân đào trầm. Văn bản nêu rõ, báo chí phản ánh về việc chính quyền huyện Khánh Sơn thành lập Đội kiểm tra liên ngành để ngăn chặn, vận động người dân không tham gia đào bới tìm trầm tại khu vực rừng Gộp Ngà. Tuy nhiên, Đội liên ngành lại móc nối để làm bảo kê cho những người tìm trầm để ăn chia.
Báo Pháp luật TP.HCM (30/10) có bài, "Kiên Giang: Nhiều thiết bị y tế trùm mền". Bài báo cho biết, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng ngành y tế Kiên Giang mua sắm trang thiết bị y tế chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu điều trị của từng bệnh viện. Nhiều bệnh viện được trang bị các thiết bị y tế giá cao nhưng chưa đưa vào sử dụng. Nhiều bệnh viện đang lãng phí hàng tỷ đồng khi để nhiều thiết bị y tế trùm mền, trong khi nhiều cơ sở y tế của tỉnh này cần lại không có đủ thiết bị sử dụng.
Theo tin từ báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM (30/10), Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai quyết định kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Đình Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban quản lý dự án hỗ trợ phát triển nông thôn huyện Mang Yang. Trong thời gian kiêm nhiệm vụ Trưởng Ban quản lý dự án hỗ trợ phát triển nông thôn huyện Mang Yang, ông Sơn đã buông lỏng quản lý, quản lý tài chính không đúng nguyên tắc; lập chứng từ khống, chi khống với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Báo Pháp luật TP.HCM (31/10) cho biết, Công an huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố ông Võ Hoàng Triều, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian phụ trách về xây dựng đô thị, ông Triều đã giải quyết cấp phép nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp.
Báo Nhân dân, VnExpress, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, Người Lao động (31/10) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt Nguyễn Tiến Cường, nguyên cán bộ Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Thanh Hóa 25 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và đánh bạc. Từ năm 2010 đến 2011, bằng thủ đoạn thường xuyên báo với tổ trưởng các sự cố của máy ATM trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa để được giao chìa khóa, Cường đến các máy ATM mở khóa lấy tiền và chiếm đoạt 4 tỷ 265 triệu đồng của Ngân hàng để cá độ bóng đá.
Báo Tiền phong (1/11) phản ánh, dự án “Tăng cường tác động cải cách hành chính ở TP Đà Nẵng” được thành phố Đà Nẵng phối hợp Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) chính thức khởi động. Dự án có tổng vốn hơn 1,3 triệu USD trong đó vốn ODA 1,2 triệu USD, được tiến hành từ nay đến năm 2016. Lần đầu tiên dự án mở rộng tuyển dụng công chức, viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh và thực tài; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến công chức viên chức.
Cũng theo tin từ số báo này, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra thông tin phản ánh trên báo Tiền Phong qua bài viết "Đại dự án thủy lợi 7.000 tỷ đồng tiến độ rùa: Hàng trăm tỷ đồng ngân sách bị “chôn” ở đâu?". Bài báo trên phản ánh về dự án thủy lợi cải tạo sông Tích, có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm khởi công, dự án đại thủy lợi này đang thi công với tiến độ rùa, trong khi việc quản lý số tiền tạm ứng từ ngân sách hàng trăm tỷ đồng đang bị thả nổi.
Báo SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Bà Rịa - Vũng Tàu (1/10) cho biết, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND Phường 8, thành phố Vũng Tàu về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Thế Tiến, cán bộ Địa chính về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra, ông Lâm và ông Tiến xác nhận sai thực tế nguồn gốc đất, thời gian sử dụng đất, giúp Nguyễn Văn Đông, trú tại 27A Phạm Văn Dinh, phường Thống Nhất chiếm đoạt 2,42 tỷ đồng tiền đền bù của Nhà nước và lô đất tái định cư 248,28m2 tại số 261B Thi Sách, Phường 8, TP Vũng Tàu.
Báo Pháp luật TP.HCM, Dân trí (1/11) đưa tin, Công an TP.HCM bắt tạm giam Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng Marketing Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Chi nhánh Bình Thạnh về hành vi tham ô. Được giao nhiệm vụ tiếp quỹ cho các máy ATM, Nhàn đã tham ô 21 tỷ đồng của Ngân hàng.
Tin Quốc tế:
Báo Thanh tra (26/10) phản ánh, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2012, Văn phòng Chống tham nhũng Haiti (ULCC) đã tiến hành 1.005 cuộc thanh tra, kiểm tra về các hành vi tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền ở nhiều bộ, ngành, đơn vị kinh tế trong cả nước. Chiến dịch thanh tra, kiểm tra này được tiến hành tại 4 bộ và 12 cơ quan hành chính, đơn vị kinh tế lớn của Haiti. Qua thanh tra, đã thu hồi về cho ngân sách 17,9 triệu gourde (tiền Haiti, khoảng gần 425 nghìn USD), chuyển cơ quan tư pháp xử lý 16 trường hợp.
Theo tin từ báo Thanh tra (29/10), luôn nói “không” với hối lộ là trường hợp của bà Louise O'Sullivan, cựu Ủy viên Hội đồng thành phố Montréal, Québec, Canada, người vừa được kênh truyền hình LCN của Québec mời tọa đàm về tình trạng tham nhũng hiện nay ở Québec nói riêng, Canada nói chung. Bà Louise O'Sullivan đã nhiều lần từ chối các món quà và những lời mời mang tính chất hối lộ. Nhiều món quà được gửi thẳng đến Tòa thị chính, nhưng bao giờ bà cũng gọi mọi người cùng mở ra kiểm tra, sau đó yêu cầu trả lại cho người gửi. Nhiều doanh nhân có ý định nhờ giúp đỡ, bà đều yêu cầu đến gặp trực tiếp ở văn phòng. Và, ngay lần gặp đầu tiên, bao giờ bà cũng nói thẳng: “Tôi chẳng có ích gì đâu”.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (31/10) cho biết, một cơ quan kiểm toán của Chính phủ Nhật Bản vừa phát hiện nhiều khoản tiền dự chi công tác tái thiết sau động đất - sóng thần năm 2011 đã bị chi sai. Qua kiểm toán phát hiện khoảng 1/4 trong số tiền 150 tỉ USD đã bị chi cho các dự án không liên quan, trong đó có dự án làm đường ở Okinawa, chiến dịch quảng bá cho tòa nhà cao nhất Nhật Bản và ủng hộ nghiên cứu cá voi.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Theo dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội, quy định Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã được bỏ; thành lập BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban;
- Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra thông tin báo Tiền phong nêu qua bài viết “Đại dự án thuỷ lợi 7000 tỷ đồng tiến độ: Hàng trăm tỷ đồng ngân sách bị “chôn” ở đâu” ?
- Hội thảo "Công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương - Thực trạng và giải pháp";
- Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam;
- Bắt tạm giam Phó phòng Marketing Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Chi nhánh Bình Thạnh, TP.HCM tham ô 21 tỷ đồng.
VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG