Điểm báo tuần số 8 (Từ ngày 23/4/2013 đến ngày 26/4/2013)

Thứ Bảy, 18/05/2013, 04:01 [GMT+7]

Công tác Nội chính:

Báo Điện tử ĐCSVN, Công an nhân dân, Quân dội nhân dân, Tiền phong, Pháp luật VN, Người Lao động (23/4) cho biết, Ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao đổi về việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ động thông tin, phản ánh kịp thời với Ban Nội chính Trung ương, đề xuất những giải pháp cần tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cổng TTĐT Chính phủ, báo Điện tử ĐCSVN (23/4) đưa tin, Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Báo Thanh tra (24/4) cho biết, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện xử lý gần 11 tỷ đồng tiền sai phạm khi tiến hành thanh tra 5 dự án nhà ở cho sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án trên chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2009.

Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Dân trí (24/4) đưa tin, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tại Hội nghị tập trung vào nội dung như: Cơ chế thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định giá đất, chính sách thuế liên quan đến đất đai…

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Báo Nông thôn ngày nay (24/4) phản ánh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển hồ sơ vụ sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thuỷ cho Công an tỉnh điều tra. Ban quản lý để mất 43,6 ha rừng; tổ chức khai thác hơn 68ha rừng nhưng không có hợp đồng khai thác tận thu, không có quyết định phê duyệt dự toán, quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế, không có biên bản kiểm phiếu bán đấu giá; gây thất thu ngân sách và 130ha rừng bị cán bộ xâm chiếm trái phép.

Báo Tiền phong (25/4) cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố quyết định thôi chức Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo đối với ông Đỗ Đình Tiến. Trước đó, Ông Tiến bị kỷ luật do có liên quan đến việc đình chỉ xây dựng dự án Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo.

Báo Nhân dân (25/4) đưa tin,  Đảng uỷ xã Kim Hoà, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo kiểm điểm 8 cán bộ xã vì chế độ theo quyết định 167 sai đối tượng. Sự việc được phát hiện khi thực hiện công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Báo Tiền phong, Pháp luật TP.HCM (26/4) phản ánh, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nhan Văn Truyền, nguyên Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn 12 tháng tù treo; bị cáo Nguyễn Trọng Nhi, nguyên cán bộ Địa chính xã về tội giả mạo trong công tác. Các bị cáo đã làm giả hồ sơ, giúp ông Nguyễn Hùng, thành phố Hồ Chí Minh làm giấy tờ đất.

Theo tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, báo Thanh niên (26/4), Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tới UBND các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Bộ Công an, yêu cầu kiểm tra sự việc nêu trên báo Thanh Niên (nạo vét sông Thị Vải: Sự mờ ám kinh tởm). Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tiến hành điều tra, khởi tố.

Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Dân trí (26/4) cho biết, 4 tháng đầu năm, thanh tra các bộ, ngành tiến hành 26 cuộc thanh tra, đã kết luận 18 cuộc, kiến nghị thu hồi 180 tỷ đồng, xử lý hành chính 01 tập thể và 05 cá nhân vi phạm.

Công tác phòng, chống tham nhũng

Báo Thanh tra, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động (23/4) đưa tin, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo Ban thường vụ Thị ủy Đồng Xoài xem xét, xử lý nghiêm đối với ông Nguyễn Công Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thị xã Đồng Xoài vì lấy đất công để xây cổng nhà riêng và xây nhà lấn chiếm hành lang bảo vệ.

Báo Người Lao động (23/4) phản ánh, một số hộ dân ở xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau khiếu nại đến các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ dấu hiệu bao che cho hành vi chiếm đất dân để trục lợi của một số cán bộ Lâm ngư trường Tam Giang 1. Qua thanh tra, Cơ quan chức năng phát hiện nhiều hợp đồng giao khoán trái quy định, không đúng đối tượng thậm chí giao cả cho trẻ em; diện tích giao cho cán bộ lãnh đạo vượt quy định nhiều lần, …

Theo tin từ báo Lao động, Thanh niên, VnExpress (23/4), Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm lại vụ án Ngô Quang Chướng (tên gọi khác là Ngô Quang Trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải) thuê sát thủ giết đồng nghiệp. Phát hiện Chướng có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ đền bù khống và bán đất chưa đền bù tại dự án khu dân cư Bà Điểm nên ông Sỹ nhiều lần làm đơn tố cáo Chướng gởi đến cơ quan chức năng. Theo quyết định giám đốc thẩm, Ngô Quang Chướng là người chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức vì động cơ đê hèn. Tòa sơ thẩm xử Chướng tù chung thân là chưa tương xứng với mức độ phạm tội.

Báo Pháp luật TP.HCM (23/4) cho biết, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận quyết định miễn nhiệm ông Ngô Ngọc Nhàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân do sai phạm là: sử dụng kinh phí của các Trạm Y tế xã, thị trấn vào hoạt động của trung tâm; lập chứng từ khống để chi tiếp khách, tặng quà; trốn thuế với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Báo Thanh tra (23/4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Phùng Xuân Quýnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh về tội Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng; 8 cựu quan chức còn lại bị cáo buộc tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng là: Nguyễn Công Nhân, Phó Giám đốc Sở; Đặng Đức Châu, Phó Giám đốc; Phan Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y; Đoàn Cường, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược; Rah Mah Plih, Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ; Bùi Ngọc Thư, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ kiêm Kế toán trưởng; Lê Khánh Lân, phòng Kế hoạch, Nguyễn Thị Kim Liên, phòng Nghiệp vụ Dược. Các bị cáo được cho là có liên quan hàng loạt các sai phạm của ngành Y tế Gia Lai, gây thiệt hại gần 9 tỷ đồng.

Báo Pháp luật TP.HCM (23/4) phản ánh, Công an tỉnh Ninh Thuận khởi tố vụ án, bắt giam bà Nguyễn Thị Lan Anh, Kế toán phòng Tài vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận về tội Tham ô tài sản. Theo điều tra ban đầu, bà Lan Anh đã kê khống, kê tăng nhiều chứng từ để chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng. Trong đó có việc lập bảng kê chi tăng lên gấp nhiều lần tiền chế độ các ca phẫu thuật để hưởng chênh lệch.

Theo tin từ báo Tin tức, Pháp luật VN, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Dân trí (24/4), Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Vi Anh Tuấn, nguyên Phó Văn phòng Công an tỉnh Hà Giang về tội Nhận hối lộ. Biết được thông tin Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc có sai sót trong việc thanh lý 91 gốc thông tre, Tuấn viết đơn chuyển đến Công an tỉnh Hà Giang rồi triệu tập ông Nguyễn Viết Xuân, Hạt trưởng lên làm việc, gợi ý chi 100 triệu đồng để có kết luận tốt, nếu không sẽ kết luận nặng.

Báo Tuổi trẻ TP.HCM (24/4) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt Phan Thanh Vân, nguyên Công chứng viên phòng Công chứng Số 2, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo cáo trạng, với thủ đoạn giả chữ ký của chủ sở hữu để chuyển dịch bất hợp pháp tài sản sang tên người khác, sau đó dùng tài sản này để thế chấp vay tiền của ngân hàng thông qua 6 hợp đồng tín dụng, Phượng đã chiếm đoạt của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á Chi nhánh Bình Tây số tiền 4,05 tỷ đồng.

Báo Nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM (24/4) đưa tin, Công an tỉnh Lào Cai khởi tố bị can Nguyễn Hữu Dũng, nguyên cán bộ Ngân hàng MHB Chi nhánh Lào Cai về hành vi Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Được Công ty cổ phần xây dựng giao thông 18, Hà Nội ủy quyền thực hiện ký kết hợp đồng mua, bán quyền khai thác mỏ đá của Công ty TNHH Cát Khánh, Lào Cai, Dũng chỉ thanh toán cho Công ty Cát Khánh 7 tỷ 240 triệu đồng; còn gần 2,7 tỷ đồng Dũng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Báo Lao động (25/4) phản ánh, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh phiên phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, tăng án từ 20 năm lên tù chung thân đối với Nishimura Setsuo, nguyên Giám đốc tài chính Công ty Sannyo tại Việt Nam về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2008 đến 2009, Setsuo đã rút 28 lần, với số tiền 132 tỉ đồng và hơn 460.000USD từ tài khoản của Công ty; lập danh sách khống cho nhân viên của mình đi nước ngoài nhiều lần trong thời gian dài; lấy hơn 66.000USD trong két sắt của Công ty.

Theo tin từ TTXVN, VietNamNet, VnExpress, báo Nhân dân, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động (25/4), Công an thành phố Cần Thơ khởi tố bị can đối với ông Lương Quang Minh, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ - Hậu Giang; bà Nguyễn Thị Mai, nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu; Lâm Chí Công, nguyên Phó phòng và cán bộ Tín dụng Nguyễn Minh Phục để điều tra hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các cán bộ trên đã tạo điều kiện để Nguyễn Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Khang, trụ sở tại thành phố Cần Thơ lập hồ sơ khống để được vay và chiếm đoạt của các Ngân hàng hàng chục tỷ đồng. Sương khai đã chi cho ông Minh 1,2 tỷ đồng và 10.000 USD; Nguyễn Thị Mai 3,1 tỷ đồng và 10.000 USD.

Báo Pháp luật VN (25/4) có bài, “Khai khống hàng trăm lao động để rút tiền Nhà nước?”. Bài báo cho biết, sau 1 năm ở cương vị Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cromit Cổ Định tỉnh Thanh Hóa, ông Thái Văn Thắng chứng kiến sai phạm trên tại Công ty này và có báo cáo gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đề nghị làm rõ. Nhưng, kết luận thanh tra của Vinacomin chưa làm sáng tỏ bản chất sự việc.

Báo Lao động, Công an nhân dân, Thanh niên, Dân trí (25/4) cho biết, Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam ông Lê Quốc Cường, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 1 để điều tra làm rõ về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Cường móc nối với nhiều đối tượng khác chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng.

Báo Tiền phong (25/4) đưa tin, ông Võ Văn Tú, Bí thư Chi bộ khu phố Lai Phước, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lai Phước chỉ đạo lập 30 hồ sơ trình lên các cấp để nhận số tiền đền bù mặt bằng (đợt 1) lên hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó có nhiều trường hợp là hồ sơ khống.

Báo VnExpress, Tiền phong, Người Lao động (25/4) phản ánh, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng phạt tù chung thân đối với Phan Thành Chính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Công Chính về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bồi thường cho ngân hàng 557 tỷ đồng. Năm bị cáo khác nguyên là cán bộ, chuyên viên Techcombank thành phố Hồ Chí Minh bị xử 3 năm tù treo về tội Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Lương Hữu Lâm, nguyên Giám đốc; Đinh Thị Hiền, nguyên Phó Giám đốc; Bùi Minh Hải, nguyên Phó phòng Doanh nghiệp; Phạm Phú Phong và Nguyễn Thúy Hằng là chuyên viên Khách hàng. Cùng tội danh này, bị cáo Huỳnh Xuân Quang, Giám định viên Công ty cổ phần Giám định FCC 3 năm tù treo. Các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng trong quản lý có nhiều sơ hở, tạo điều kiện để Công ty của Chính làm giả hàng chục hợp đồng kinh tế đưa vào hồ sơ vay vốn. Các đối tượng còn khai tăng số lượng hàng trong kho và hàng đang vận chuyển để vay vốn rồi chiếm đoạt gần 560 tỷ đồng.

Báo Nông thôn ngày nay (25/4) có bài, “Giám đốc Sở cố ý làm trái vẫn chưa bị xử lý”. Bài báo cho biết, Hồ sơ về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Thanh tra tỉnh chuyển đến Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nửa năm đã trôi qua, ông Vang vẫn ung dung tại vị.

Theo tin từ báo VnExpress, Thanh niên (26/4), Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Nguyễn Hữu Quang, nguyên Giám đốc Ngân hàng MHB tại huyện Lấp Vò tù chung thân về tội Tham ô tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Nguyễn Thiện Nhơn, nguyên cán bộ Tín dụng lĩnh 14 năm tù về tội Tham ô tài sản. Quá trình điều tra xác định, bị cáo Quang chiếm đoạt hơn 47 tỷ của 34 người; chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục cho khách hàng mượn 10 hồ sơ vay vốn rồi tự ý xóa thế chấp, xuất trả tài sản trái quy định.

Tin Quốc tế

Báo Thanh tra (23/4) cho biết, Tổng thống Liên bang Comoros (quốc gia nằm ở Đông Phi) Ikililou Dhoinine đệ trình lên Ủy ban Quốc gia Phòng, chống tham nhũng Comoros (CNPLC) bản kê khai chi tiết toàn bộ tài sản và thu nhập của mình. Theo Tổng thống Ikililou Dhoinine, ông muốn mọi quan chức đều phải công khai, minh bạch các khoản thu nhập và tài sản; tất cả các cơ quan công quyền cũng phải rõ ràng, minh bạch trong việc sử dụng ngân sách quốc gia. Chính phủ và Quốc hội Comoros cũng thông qua một đạo luật quy định việc công khai các hoạt động của Chính phủ và các cấp chính quyền ; công khai tài sản và thu nhập của các quan chức cũng như những người thân trong gia đình. Đạo luật quy định, bất kỳ ai khai báo gian dối hoặc chậm khai báo sẽ bị phạt tiền 5 triệu franc Comoros (khoảng 13.300 USD) và bị phạt tù giam từ 2 - 5 năm.

Báo Thanh tra (24/4) phản ánh, Giám đốc Văn phòng Trung ương Chống tham nhũng Algeria tiến hành chiến dịch chống tham nhũng mà tâm điểm là Bộ Đoàn kết Quốc gia và một số tập đoàn kinh tế quốc gia. Một đơn vị điều tra đặc biệt được thành lập có quyền kiểm tra tất cả tài khoản, giao dịch, các khoản chi tiêu của Bộ Đoàn kết Quốc gia cũng như những tập đoàn kinh tế quốc gia nằm trong chiến dịch chống tham nhũng lần này. Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm quốc gia có nhiều bê bối nhất như dự án Đại lộ Đông - Tây, một số tập đoàn kinh tế quốc gia như Sonatrach, Sonelgaz và Bộ Lao động cũng sẽ tiếp tục bị điều tra.

Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

- Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi);                       

- Ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xây dựng Quy chế phối hợp; 

- Xét xử nguyên cán bộ Sở Y tế tỉnh Gia Lai;

- Bắt tạm giam nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

;
.