Điểm báo tuần số 72 (Từ ngày 09-8 đến ngày 15-8-2014) về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 19/08/2014, 14:25 [GMT+7]
    1. CÔNG TÁC NỘI CHÍNH 
 
    Báo Nhân dân, Lao động, Quân đội nhân dân, An ninh Thủ đô, Tiền phong (9-8) cho biết, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và định hướng kế hoạch năm 2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế rà soát lại các chính sách, khắc phục những thiếu sót; các tỉnh phải chỉ đạo cho thanh tra, kiểm tra toàn bộ việc nhập khẩu máy xét nghiệm sinh hóa trên địa bàn… 
 
    Báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, An ninh thủ đô, Dân trí (11/15-8) đưa tin, từ ngày 11 đến 15-8-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII họp phiên thứ 30 tại Hà Nội, cho ý kiến về 04 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, gồm: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật thú y và 10 dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm: Luật đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật công an nhân dân (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
    Theo tin từ báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Điện tử Đảng CSVN, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Hải quan (11-8), Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng đẩy mạnh cải cách những thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. Thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
 
    Báo Tin tức (12-8) phản ánh, theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) do Bộ Tư pháp soạn thảo, cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu bồi thường nếu văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại cho người dân. Đây được coi là bước đột phá về pháp lý nhằm hạn chế "căn bệnh” ra văn bản "trên trời” đang ngày càng có xu hướng gia tăng. 
 
    Theo tin từ báo Thanh niên, Tiền phong, Đời sống pháp luật (12-8), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét hủy bỏ, hoặc sửa đổi Điều 38 của Thông tư 28 quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân. Điều 38 của văn bản có đoạn: “Khi phát hiện thấy người bào chữa… có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối… thì điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở…”. Quy định này có dấu hiệu không rõ ràng trong việc điều chỉnh thẩm quyền của điều tra viên.
 
    Báo Thanh tra (12-8) đưa tin, Thanh tra Chính phủ làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về 05 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài tại 05 trường đại học. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cương quyết hơn nữa trong xử lý sai phạm nhất là khi đã có kết luận đúng. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thường xuyên trao đổi thông tin để giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài. 
 
    Báo Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam (12-8) phản ánh, tại cuộc họp Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng: việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự được tiến hành trong điều kiện hết sức thuận lợi, khi Hiến pháp mới được thông qua và có hiệu lực đã quy định rõ Tòa án thực hiện quyền tư pháp, quy định những nguyên tắc quan trọng về tranh tụng; quy định Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để nghiên cứu sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự lần này. Do đó, cần bám sát các quy định của Hiến pháp và gắn việc sửa đổi Bộ luật với quá trình tổng kết Bộ luật hiện hành.
 
    Báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Điện tử Đảng CSVN, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Người Lao động, Xây dựng (15-8) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - Môi trường về cải cách thủ tục hành chính để tăng năng lực cạnh tranh. Thủ tướng yêu cầu lập kế hoạch cải cách hành chính trong lĩnh vực, xây dựng, đất đai, trong đó đề ra lộ trình cụ thể để tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm và kịp thời các cơ quan, tổ chức quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính.
 
    2. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Đời sống pháp luật, Đất Việt (11-8) phản ánh: một năm sau vụ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội được phanh phui, thời gian qua, chị Hoàng Thị Nguyệt đã nhận được hàng loạt tin nhắn khủng bố, đe dọa. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người thân trong gia đình, chị đã gửi đơn đến cơ quan công an nhờ can thiệp. Công an huyện Hoài Đức và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đang trực tiếp thu thập chứng cứ, sau khi có kết quả điều tra, tùy theo mức độ sai phạm sẽ khởi tố vụ án.
 
    Báo Nhân dân, Người lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Thanh niên (12-8) cho biết, Thanh tra tỉnh Phú Yên đã thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà Nước cấp cho Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên và phát hiện Công ty này có nhiều sai phạm về đầu tư xây dựng cơ bản, lao động, tiền lương, thuế cũng như triển khai dự án phát triển đô thị vừa và nhỏ miền Trung tỉnh Phú Yên. Số tiền sai phạm lên đến 7,6 tỷ đồng.
 
    Theo báo Nhân dân, Quân đội nhân dân (13-8), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với Lê Ðức Hải (35 tuổi), nguyên Trạm trưởng Kiểm lâm của Ðội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, về hành vi "nhận hối lộ". Trước đó, ngày 1-8, lực lượng công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng đã bắt quả tang ông Hải nhận hối lộ số tiền 100 triệu đồng. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
    Báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN,  Tiền phong, Thanh niên, Hà Nội mới, SGGP (15-8) đưa tin, ngày 14-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông trên địa bàn. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng chức năng thành phố Hà Nội cần tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác này, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân từng bước đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại. Cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất và tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất cho lực lượng phòng, chống gian lận thương mại; bổ sung thay đổi cán bộ yếu kém và xử lý nghiêm cán bộ thoái hóa.
 
   3. TIN QUỐC TẾ
 
    Theo báo Pháp luật Việt Nam (12-8), truyền thông Trung Quốc đưa tin, hơn 150 tội phạm kinh tế trong đó có nhiều người là quan chức tham nhũng hay đã bị tình nghi nhận hối lộ đang lẩn trốn tại Mỹ. Từ giữa những năm 1990 đến nay đã có từ 16 nghìn đến 18 nghìn quan chức, doanh nhân và cá nhân biến mất khỏi Trung Quốc cùng với số tiền lên đến 130 tỷ USD.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII;
    - Thủ tướng Chính phủ chỉ thị triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ;
    - Thanh tra Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về 05 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.