Điểm báo tuần số 74 (Từ ngày 24-8 đến ngày 29-8-2014) về nội chính và phòng, chống tham nhũng
1. CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Tiền phong, Đại đoàn kết (25-8) đăng bài viết của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trên Tạp chí Cộng sản nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chủ tịch Nước nhấn mạnh về chủ quyền quốc gia, lòng yêu nước, ý chí quật cường và sự tỉnh táo của người Việt Nam ta trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Chủ tịch Nước cũng đặt vấn đề về những biểu hiện suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Trong đó, vấn đề “đạo đức bốn mặt” được Chủ tịch Nước chỉ ra như một lời cảnh báo nghiêm khắc.
Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, Người lao động, Đời sống pháp luật, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam (26-8) đưa tin, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương do Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự Đảng và lãnh đạo các đơn vị Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý cán bộ, đảng viên của ngành mình nhằm khắc phục tối đa tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; Không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm mới đúng là cán cân công lý.
Thông tấn xã Việt Nam, báo Pháp luật Việt Nam, Hải quan (26-8) cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (gọi tắt là dự án Luật) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Đóng góp ý kiến về dự án Luật với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam. So với Luật bầu cử hiện hành, dự án Luật có 11 chương với 99 điều, trong đó có 7 điểm mới, 42 điều được sửa đổi, bổ sung.
Thông tấn xã Việt Nam, báo Lao động, Thanh tra, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (26-8) phản ánh, tại trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã tiếp đại diện 2 đoàn công dân của thành phố Hà Nội. Đây là lần thứ 2, Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ theo Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ.Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, rõ ràng và cụ thể. Nếu người dân chưa rõ, chính quyền phải giải thích cho thấu đáo, xác định rõ đúng sai. Nếu cơ quan chức năng sai sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Người lao động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (27-8) đưa tin, “Tăng cường liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong ngành hành pháp” là chủ đề của hội thảo do Bộ Công an cùng Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức.Hội thảo là cơ hội tốt để chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm nhằm đảm bảo tính liêm chính trong hoạt động thực thi pháp luật, góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng công tác và hạn chế được tiêu cực, sai phạm xảy ra trong hoạt động của cơ quan hành pháp Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, báo Đại đoàn kết (28-8) phản ánh, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQ Việt Nam) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSND tối cao) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên và ký kết quy chế phối hợp sửa đổi. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý khi tổ chức phản biện xã hội đối với các dự thảo chương trình, dự án, đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp, đến hoạt động tố tụng, đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam mời đại diện Viện KSND tối cao tham dự. Hai bên cần tập trung giải quyết những vấn đề còn bức xúc như việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; đề nghị Viện KSND tối cao có góp ý vào báo cáo định kỳ 6 tháng một lần của MTTQ Việt Nam…
Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân (28-8) đưa tin, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Đảng đoàn Quốc hội về tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội chủ trì buổi làm việc. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hoan nghênh các cơ quan Quốc hội đã quán triệt chủ trương và thực thi có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp từ khâu xây dựng luật, giám sát, chất vấn hoạt động của các cơ quan tư pháp, tạo nền tảng cho công tác cải cách tư pháp có bước tiến dân chủ trong thời gian tới.
Báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, An ninh thủ đô, Dân trí (28-8) cho biết, sáng 28-8, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Dương Tự Trọng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Năm 2011, khi là Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng, bị cáo Dương Tự Trọng đã không có ý kiến chỉ đạo, cũng không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt đối tượng Đồng Xuân Phong theo chức năng, nhiệm vụ được giao mặc dù từ năm 2010, Trọng đã biết rõ Phong bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh truy nã vì có liên quan đến vụ án kinh tế. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 15 tháng tù. Đồng thời, tổng hợp với bản án hình sự phúc thẩm ngày 23-5-2014 của Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 16 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt bổ sung cho 2 bản án là 17 năm 3 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 22-2-2013; cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, An ninh thủ đô, Dân trí (29-8) phản ánh, tại phiên họp thường kỳ của chính phủ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó đột phá vào cải cách thủ tục hành chính.Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.Năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); tăng thu ngân sách khoảng 11%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 -2%...
2. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Tiền phong, Kinh tế và Dự báo (23-8) cho biết: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp Thượng nghị sỹ Shimba, Trưởng đoàn Nghị sĩ Nhật Bản sang thăm và kiểm tra các dự án ODA tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho biết đang xem xét giải quyết vấn đề tham nhũng tại các dự án ODA. Trong tương lai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét giải quyết vấn đề này theo 3 hướng: Đưa ra những quy định chặt chẽ để không cho phép những người lạm dụng khe hở này vi phạm; thanh tra, kiểm tra thường xuyên, kiểm toán nội bộ các đơn vị địa phương để sớm phát hiện và ngăn chặn những dấu hiệu không bình thường ngay từ đầu; có cơ chế xử lý thích đáng các cán bộ vi phạm.
Báo Nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động (26-8) phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất Dự thảo Thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự thảo quy định ba hình thức khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng, gồm: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; mức khen thưởng bằng vật chất tối đa không quá 10% giá trị tiền, tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 5 tỷ đồng.
Báo Nhân dân, Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Điện tử Đảng CSVN, VnExpress, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, SGGP, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, An ninh thủ đô, Dân trí (25-8) đưa tin Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo cáo với Đoàn kiểm tra, năm 2013, Thanh tra Bộ đã tiến hành 148 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi 10 tỷ đồng, giảm trừ hơn 342 triệu đồng. Các Tổng cục đã ban hành 3.940 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5 tỷ 932 triệu đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su và các Tổng Công ty thuộc bộ đã phát hiện xử lý thu hồi 154 tỷ đồng. Bộ đã kỷ luật cách chức, chuyển công tác một số cán bộ sai phạm.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc |
Báo Thanh tra, Dân trí, Tài Nguyên môi trường, Đà Nẵng (26-8) cho biết, tại TP. Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng. Hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thanh tra 18 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên tham dự.Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến phát biểu, các thắc mắc được nêu ra, nhất là kinh nghiệm của quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Điều này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng mà còn khẳng định vai trò là một quốc gia thành viên tích cực trong khuôn khổ hợp tác quốc tế song phương và đa phương
Theo tin từ báo Lao động,Công an nhân dân (27-8), Công an huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bắt tạm giam ông Đinh Văn Thuận, cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội xã Ba Giang về hành vi làm sai lệch hồ sơ của 101 đối tượng chính sách trên địa bàn để trục lợi cá nhân. số tiền ngân sách bị thất thoát là 5 tỷ 237 triệu đồng.
Báo Quân đội nhân dân, Thanh tra, Tiền phong, Dân trí,Người lao động, An ninh Thủ đô, Nông nghiệp, SGGP, Vietnamnet (28-8) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố và tiến hành bắt tạm giam Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cao su Hương Khê, nguyên Tổng giám đốc Công cao su Hà Tĩnh vì hành vi cấu kết lập hồ sơ khống chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng của nhà nước.Trước đó, liên quan đến vụ lập hồ sơ khống chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hà, Giám đốc công ty Đại Phát và Ngô Đăng Khoa, nguyên Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên về hành vi Tham ô tài sản.
Báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Vnexpress (27-8) đưa tin Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp kỷ luật đảng với hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Hồng đối với ông Lâm Trần Ngoan, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sa Rài vì đã chỉ đạo, quản lý điều hành tài chính sai quy định với số tiền trên 1 tỷ đồng. Trước đó, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và ông Phùng Thanh Hải, Phó Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng bị cảnh cáo; cách chức đối với ông Phan Phước Hải, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy.
Báo Nhân dân, Đại biểu nhân dân, TTXVN, Đài TNVN, báo Điện tử Đảng CSVN, Pháp luật TP.HCM, Pháp luật xã hội, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Công dân nhân dân (29-8) phản ánh, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo: “Phân tích, so sánh mô hình cơ quan độc lập chống tham nhũng của một số nước”. Hội thảo giới thiệu Khái quát những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng; Báo cáo tổng thuật về phân tích các mô hình cơ quan chống tham nhũng trên thế giới - nhìn Việt Nam.Những ý kiến phát biểu, thảo luận sẽ đóng góp, bổ sung, làm giàu những kinh nghiệm quý báu, thiết thực cho công tác nghiên cứu, tham mưu trong công tác phòng,chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương.
3. TIN QUỐC TẾ
Theo tin từ báo Thanh niên (28-8), truyền thông Pháp cho biết cơ quan chức năng nước này sắp mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde với cáo buộc “thiếu trách nhiệm” liên quan tới một vụ án tham nhũng hàng trăm triệu USD khi bà đang ở cương vị Bộ trưởng Tài chính Pháp.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Đảng đoàn Quốc hội;
- Hội thảo “Phân tích, so sánh mô hình cơ quan độc lập chống tham nhũng của một số nước”;
- Khởi tố, bắt tạm giam Trần Ngọc Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công cao su Hà Tĩnh;
- Xét xử bị cáo Dương Tự Trọng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG