Điểm báo tuần số 122 (Từ ngày 9-8 đến ngày 15-8) về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/08/2015, 11:17 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, Lao động, Tiền phong, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam (10-8) đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 40 với việc cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 17 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh. Đây là các luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có nhiều dự luật quan trọng như: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật trưng cầu ý dân; Luật tín ngưỡng tôn giáo… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Viên năm 1980; sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội; việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. 
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, Pháp luật Việt Nam (11-8) cho biết, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thẩm phán Toà án tối cao Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg đang thăm, làm việc tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp cũng như xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, thực hiện ngày càng tốt việc bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người. Việt Nam cũng đang đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp phù hợp với hiến pháp, với truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán của dân tộc cũng như những giá trị phổ quát của nhân loại. Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn cơ quan tòa án của hai nước tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiệu quả, nhất là chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đào tạo trong lĩnh vực tư pháp, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả hợp tác chung giữa hai nước trên các lĩnh vực.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Thanh tra, Tuổi trẻ, Thanh niên (12-8) phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng vừa quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN,Tiền phong, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam (13-8) cho biết, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương cho ý‎ kiến vào dự thảo các văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quân ủy Trung ương trong thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh, tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại, tăng cường sức chiến đấu và có đủ năng lực để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Đảng bộ Quân đội cần chú ý xây dựng, giữ gìn uy tín quân đội, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; Quân đội phải tuyệt đối giữ được niềm tin trong nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đảng bộ Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự, phối hợp tốt với công an; lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt khu vực sản xuất, kinh doanh. Quân đội cũng phải là một mẫu mực về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí không để ảnh hưởng tới uy tín niềm tin đối với Quân đội.
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, Tuổi trẻ, Thanh niên (14-08) đưa tin, Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-06-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020". Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tiếp tục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu trên 10 lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra gồm: Chính sách người có công; việc làm; thực hiện chương trình giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; đảm bảo giáo dục - nghề nghiệp; đảm bảo y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh môi trường; đảm bảo thông tin tối thiểu; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách trên từng lĩnh vực, chính sách nào phù hợp thì khẳng định và tiếp tục làm cho tốt, vấn đề nào chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung ngay nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Người lao động, Thanh niên (10-8) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can nguyên là cán bộ kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa về tội nhận hối lộ, gồm: Lê Đức Hải (36 tuổi, nguyên Trạm trưởng, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1) và Lê Văn Hải (41 tuổi, nguyên Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1). Theo cáo trạng, sau khi nhận được đơn tố giác của một doanh nghiệp ở Nghệ An, 17 giờ 30 ngày 1-8-2014, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã bắt quả tang Lê Đức Hải đang nhận 100 triệu đồng từ doanh nghiệp. Qua điều tra, các cơ quan tố tụng xác định, Lê Đức Hải đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng nhiễu, gây khó khăn và gợi ý doanh nghiệp đưa hối lộ. Cụ thể, khi phát hiện chiếc ô tô của một doanh nghiệp tại Nghệ An có dấu hiệu sai phạm, Lê Đức Hải đã yêu cầu doanh nghiệp này phải hối lộ 60 triệu đồng để không bị kiểm tra hàng hóa vi phạm trên xe.
 
    Theo tin từ báo Công lý, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật xã hội, Vietnamnet (10-8), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 11 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thăng Long (SN 1960, quận Hoàn Kiếm), cựu Tổng giám đốc Intimex Hà Nội, về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo cáo trạng, từ ngày 17-1 đến ngày 28-1-2008, ông Long chỉ đạo nhân viên Intimex làm giả các hợp đồng mua, bán cà phê với các doanh nghiệp để tín chấp 3 ngân hàng, qua đó chuyển hơn 15 tỷ đồng góp vốn cá nhân để kinh doanh bất động sản. Quá trình kinh doanh thua lỗ, ông Long đã gây hại cho Intimex hơn 8 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Thanh niên, Dân trí, Pháp luật Việt Nam (11-8) phản ánh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 4 cán bộ thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thất thoát 30 tỷ đồng. 4 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Lê Hữu Diện, Chủ tịch phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Lê Anh Đức, cán bộ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã Kỳ Anh; Nguyễn Huy Tường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Kỳ Anh, hiện là cán bộ Ban Chuyên trách xử lý các vấn đề tồn đọng tại thị xã Kỳ Anh và Lê Quang Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh. Qua điều tra ban đầu, PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định các đối tượng đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước, lập ra nhiều bộ hồ sơ khống cho người dân địa phương đứng tên để biến hơn 80 ha đất công, đất tranh chấp giữa 4 xã nêu trên thành đất đền bù, gây thất thoát hơn 30 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Dân Trí, Tiền phong, Pháp Luật Việt Nam, Công lý, Thanh niên, Pháp luật xã hội, Vietnamnet (13-8) đưa tin, Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô. Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh (57 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô) lĩnh án nặng nhất 13 năm tù. Các bị cáo Nguyễn Trần Phong (50 tuổi, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cảng Vũng Rô tại TP. HCM), Huỳnh Thanh (63 tuổi, Phó Phòng kế toán chi nhánh tại TP. HCM), mỗi bị cáo 6  năm tù; bị cáo Ngô Minh Dũng (47 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cảng Vũng Rô) 5 năm 6 tháng tù. Theo cáo trạng, các đối tượng đã cấu kết với nhau lập nhiều chứng từ kế toán, hợp đồng mua bán, thủ tục vay tiền không đúng quy định của pháp luật; đồng thời, chuyển tiền từ Công ty Cảng Vũng Rô sang cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Lộc sử dụng gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước hơn 37,3 tỷ đồng.
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Người lao động, Thanh niên, Thanh tra, Pháp luật TP HCM (15-8) phản ánh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an tỉnh Tây Ninh đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Cảnh Lạc (SN 1954) về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng". Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong thời gian đương chức Tổng Giám đốc Công ty mía đường Tây Ninh, ông Trần Cảnh Lạc đã ký 5 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa gồm 4.000 tấn gạo và 2.270 tấn tinh bột sắn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lạc để đối tác nợ nần nhiều, không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
 
    QUỐC TẾ
 
    Báo Điện tử Vietnamnet, Thanh tra, TTXVN, Pháp luật Việt Nam (11-8) cho biết, Trung Quốc đã tuyên án tử hình đối với Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), về tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, ông Cốc Tuấn Sơn sẽ được hoãn thi hành án 2 năm. (Thông thường, quyết định hoãn thi hành án đồng nghĩa với việc án tử hình sẽ được giảm nhẹ xuống tù chung thân sau 2 năm phạm nhân cải tạo tốt). Ông Cốc Tuấn Sơn bị điều tra tham nhũng kể từ khi bị cách chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần năm 2012 với cáo buộc tham nhũng số tiền lên đến 5 tỷ USD.
 
    Báo Thanh tra (15-8) đưa tin, Tòa án Tối cao Indonesia vừa ra phán quyết, buộc gia đình cố Tổng thống Suharto (nắm quyền từ tháng 3-1967 đến tháng 5-1998) phải nộp trả lại cho ngân sách 4.389 tỷ rupiah (khoảng 318 triệu USD). Đây là số tiền đã bị biển thủ bởi cố Tổng thống Suharto và người thân trong gia đình trong suốt thời gian cầm quyền của ông.
 
    Thông tin đáng chú ý:
    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 40.
    - Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương.
    - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt tạm giam 4 cán bộ thị xã Kỳ Anh về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây thất thoát 30 tỷ đồng;
    - Công an tỉnh Tây Ninh quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.