Điểm báo tuần số 158 (Từ ngày 23-04 đến ngày 29-04) về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 16:36 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (23-04) đưa tin, các Đoàn giám sát, kiểm tra của Trung ương do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thực hiện việc kiểm tra công tác bầu cử tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bầu cử; phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền sâu rộng về mục đích ý nghĩa của cuộc bầu cử; Ủy ban bầu cử tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và xử lý đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
 
    TTXVN, báo Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Lao động, Người Lao động, VietNamnet, Thanh niên, Dân trí, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (25-04) cho biết, phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các Bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các Bộ, ngành liên quan cần nâng cao tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường tổ công tác thực hiện 2 luật để kiểm tra, phát hiện kịp thời vướng mắc, chủ nghĩa cục bộ.
 
    Báo Điện tử Chính phủ (25-04) đưa tin, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong tháng 3-2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 9 Nghị định của Chính phủ và 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật là Nghị định 20/2016/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính nhằm tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện hiệu quả, đảm bảo tính khả thi; thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. 
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Công lý, Sài Gòn giải phóng, VietNamnet, Thanh niên, Dân trí, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Tuổi trẻ Tp.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (25-26/04) cho biết, tại Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về các vấn đề quan trọng như: Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân; các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; cho ý kiến đối với Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước.
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Sài Gòn giải phóng, Công lý, Tiền phong, Đại đoàn kết, Người Lao động, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (26-04) phản ánh, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân ký Nghị quyết số 270/NQ-HĐBCQG công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, có 870 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIV. Trong đó đại biểu do Trung ương giới thiệu là 197 người, địa phương giới thiệu là 673 người. 
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Tiền phong, Công lý, Dân trí, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (26-04) cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 và 3 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12,  Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thảo luận và thông qua: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng; Chương trình công tác toàn khóa và năm 2016 của Ủy ban kiểm tra Trung ương khóa 12; xem xét một số vụ việc theo thẩm quyền. 
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công lý, Lao động, Đại đoàn kết, VnExpress, Dân trí, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (26-04) phản ánh, theo Báo cáo của Bộ Nội vụ về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (SIPAS 2015), tỷ lệ hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính là: Thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân: 83,4%; thủ tục cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất: 74,4%; thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở: 78,4; thủ tục Chứng thực: 86%; thủ tục Kết hôn: 89,5%; thủ tục cấp giấy Khai sinh: 87,5 %. Chất lượng năng lực chuyên môn của công chức được người dân đánh giá cao, tuy nhiên người dân chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình chu đáo của công chức.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Thanh tra (23-04) đưa tin, theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, qua 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hành vi tham nhũng đều được phát hiện qua công tác thanh tra, điều tra. Thanh tra các cấp, các ngành đã tiến hành 11.315 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền trên 60 tỷ đồng, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật 44 tập thể và 352 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 07 vụ 22 cá nhân có hành vi tham nhũng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ (23-04), Công lý (24-04) đưa tin, liên quan tới thông tin “44% sổ đỏ phải nộp phí bôi trơn”, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 1415/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương chỉ đạo kiểm tra làm rõ vấn đề này. Theo đó, các địa phương tổ chức thanh tra công vụ, phát hiện những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận; xử lý nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, rà soát các thủ tục hành chính về đất đai đã ban hành, công bố theo quy định; việc công khai các loại phí, lệ phí mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải nộp khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo quy định.
 
    Báo Công lý, Dân trí (23-04), Người Lao động (24-04), Thanh tra (25-04) cho biết, Ủy ban nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Lợi, Cán bộ chính sách xã Xuân Lộc để điều tra, làm rõ việc sai phạm trong cấp chế độ bảo trợ xã hội cho các đối tượng trên địa bàn. Theo thông tin ban đầu, ông Lợi đã lợi dụng chức vụ chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục triệu đồng của những người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội từ năm 2011 theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 136/2013/NĐ-CP) của Chính phủ.
 
    Báo Tuổi trẻ (24-04) phản ánh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành cáo trạng truy tố bị cáo Lê Thị Minh Trang, nguyên Trung úy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Khánh Hòa về tội Tham ô tài sản. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3-2008 đến cuối tháng 5-2011, khi được giao nhiệm vụ thu tiền phí, lệ phí đăng ký làm biển số xe môtô, Trang đã dùng thủ đoạn ghi chênh lệch số tiền trên các liên phiếu thu để chiếm đoạt ngân sách Nhà nước 2,069 tỷ đồng.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (26-04) cho biết, theo Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, tổng số tiền và vụ việc phải thi hành của 6 tháng đầu năm 2016 trong các vụ án tham nhũng là 124 việc tương ứng với số tiền trên 2.445 tỷ 739 triệu đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới chỉ thi hành xong 10 việc tương ứng với số tiền  trên 91 tỷ đồng. 
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Công lý, VietNamnet, Dân trí, VnExpress, Hà Nội mới, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM (27-04) phản ánh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp Phiên thứ 10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề: Kiểm điểm việc thực hiện Kết luận Phiên họp thứ 9; Công bố các Quyết định của Bộ Chính trị về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Quyết định phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo; kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo; cho ý kiến về Kế hoạch triển khai Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”; cho ý kiến về tiến độ, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và bàn về một số vấn đề quan trọng khác.
 
Phiên thứ họp thứ 10 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên thứ họp thứ 10 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao động, VietNamnet, Sài Gòn giải phóng, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (28-04) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Thủ tướng chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị để khuyến khích mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng; đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng…
 
    Báo Nhân dân, Thanh tra, Hà Nam (28-04) đưa tin, tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác điều tra. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện chính sách hình sự trong xử lý tham nhũng.
 
    Báo Điện tử ĐCSVN (28-04) cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ký ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu: các sở, ban, ngành Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các Tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị trực thuộc thành phố nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo; kịp thời xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Thanh tra (29-04) phản ánh, theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng của tỉnh có nhiều tiến bộ; nhiều vụ án tham nhũng được xử lý dứt điểm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Kết quả, đã điều tra, truy tố, xét xử 83 vụ án tham nhũng với 157 bị can. Trong đó: Tham ô tài sản 46 vụ/71 bị can; nhận hối lộ 04 vụ/09 bị can; lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ 18 vụ/49 bị can; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ 02 vụ/03 bị can; giả mạo công tác 03 vụ/04 bị can.
 
    TTXVN, báo Pháp luật Việt Nam, VietNamnet, Công lý, Pháp luật TP.HCM, Đài TNVN (29-04) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử tuyên phạt bị cáo Đào Thành Long, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2010-9/2011, Long thay mặt Công ty dịch vụ dầu khí đứng ra ký hợp đồng mua hai thửa đất của hai hộ dân ở phường Trung Hòa với tổng diện tích gần 800m², với giá hơn 58,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có ý đồ chiếm đoạt tiền của công ty nên Long đã nhờ đại diện hai hộ dân ở phường Trung Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng với giá trị thực tế từ hơn 58,8 tỷ đồng lên thành 85 tỷ đồng. Ngoài ra, Long còn chỉ đạo nhiều nhân viên dưới quyền giả mạo chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa số tiền mua đất thành 85 tỷ đồng.
 
    QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (23-04) cho biết, cựu Tổng thống Guatemala, ông Otto Perez Molina và cựu Phó Tổng thống dưới thời ông là Roxana Baldetti đã xuất hiện trong một phiên điều trần hôm 20-4 để quyết định xem họ có phải đối mặt với phiên tòa  tham nhũng hay không. Các công tố viên cho biết, ông Perez Molina và Roxana Baldetti là những người đứng đầu trong một mạng lưới gồm các quan chức Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và các cá nhân khác bị cáo buộc nhận hối lộ ít nhất 30 triệu USD để cấp phép cho Công ty Terminales Contenedores de Barcelona (TCB) của Tây Ban Nha xây dựng và quản lý bến cảng Quetzal lớn nhất quốc gia. Trong đó, 2 cựu lãnh đạo cấp cao này được cho là đã bỏ túi mỗi người 4,2 triệu USD.
 
    Báo Thanh tra (28-04) đưa tin, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp Brazil, năm 2015, nước này đã thu hồi được 125 triệu USD bị thất thoát thông qua tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài bởi các quan chức, chính trị gia và doanh nhân tham nhũng. Đây được cho là con số kỷ lục, cao gấp 8 lần so với số tiền thu hồi được trong 10 năm trước đó. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm (2005-2014), các cơ quan chức năng của Brazil đã thu hồi 15 triệu USD tiền thất thoát ra nước ngoài do tham nhũng.
 
    Thông tin đáng chú ý:
    - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp Phiên thứ họp thứ 10;
    - Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng;
    - Bộ Nội vụ công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015;
    - Truy tố nguyên Trung úy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Khánh Hòa về tội Tham ô tài sản. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
;
.