Điểm báo tuần số 159 và 160 (Từ ngày 30-04 đến ngày 13-05) về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 13/05/2016, 16:27 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Sài Gòn giải phóng, Thanh niên, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (30-4) cho biết, Văn phòng Chủ tịch Nước công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về việc công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết và 1 Pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11, gồm: Luật trẻ em; Luật báo chí; Luật tiếp cận thông tin; Luật dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật điều ước quốc tế; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Pháp lệnh Quản lý Thị trường.
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, VietNamnet, Dân trí, VnExpress, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (04-05/05) đưa tin, phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là người yếu thế trong xã hội; chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân; xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực và không lãng phí.
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền phong, Lao động, Người Lao động, Sài Gòn giải phóng, Đại đoàn kết, VietNamnet, Dân trí, VnExpress, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Lào Cai, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đài THVN, Đài TNVN (02-13/05) phản ánh, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp xúc cử tri tại các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Khánh Hòa, Phú Yên, Lào Cai, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Tại các buổi tiếp xúc, ý kiến cử tri bày tỏ tin tưởng về trình độ năng lực, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV; đồng thời kiến nghị, các ứng viên đại biểu Quốc hội khi trúng cử cần nâng cao vai trò giám sát của người đại biểu nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc như: bảo vệ môi trường, việc làm, giáo dục, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới... 
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (06-06) đưa tin, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ đã hệ thống hóa được 324 thủ tục trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, gồm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Công chứng, luật sư, giám định tư pháp, đăng ký giao dịch đảm bảo, bồi thường nhà nước, thi hành án dân sự…
 
    Báo Nhân dân (09-05) đưa tin, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 870 người chính thức được giới thiệu ứng cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỷ lệ số dư là 1,74 lần, tại 184 đơn vị bầu cử; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bầu là 3.918 người, trong tổng số 6.528 người giới thiệu ứng cử, bình quân số dư là 1,67 lần, tại 1.096 đơn vị bầu cử; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu là 24.993 người và 294.055 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Lao động, Công lý, Sài Gòn giải phóng, VietNamnet, VnExpress, Dân trí, Người Lao động, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (10-05) phản ánh, theo Quyết định số 186-QĐ/TW ngày 29-4-2016 của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 23 đồng chí. Trong đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương; đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công lý, Đài TNVN (10-05), báo Điện tử ĐCSVN (11-05), Bảo vệ pháp luật (13-05) cho biết, theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, từ đầu năm đến nay, Tòa án các cấp đã giải quyết hơn 177.600 vụ án các loại trong tổng số hơn 270.800 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ hơn 65%, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Công tác giải quyết, xét xử các vụ án về cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… Nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng được các Tòa án khẩn trương đưa ra xét xử.
 
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng  chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCVSN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, VnExpress, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (04-05) đưa tin, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ban hành Thông báo số 15-TB/BCĐTW thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo. Thông báo Kết luận tập trung vào các nội dung: Kết quả thực hiện Kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo; Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp năm 2016 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; kết quả xét xử 8 vụ án trước Đại hội XII của Đảng; kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, Tổng Bí thư giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và báo cáo Ban Chỉ đạo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện Thông báo kết luận này
 
    Báo Thanh tra (03-05) cho biết, theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong 10 năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng của tỉnh có nhiều tiến bộ, nhiều vụ án tham nhũng được xử lý dứt điểm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình. Trong đó: điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng 83 vụ, 157 bị can (tham ô tài sản 46 vụ, 71 bị can; nhận hối lộ 4 vụ, 9 bị can; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 10 vụ, 22 bị can; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ 18 vụ, 49 bị can; lợi dụng quyền trong thi hành công vụ 2 vụ, 3 bị can; giả mạo công tác 3 vụ, 4 bị can). 
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao động, VietNamnet, Dân trí, Sài Gòn giải phóng, VnExpress, Người Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (06-07) phản ánh, theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2015 và quý I-2016, toàn ngành đã triển khai hơn 8 nghìn cuộc thanh tra hành chính, hơn 277 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm gần 120,8 tỷ đồng, 18,4 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 24,7 nghìn tỷ đồng và 7 nghìn ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 72 vụ/79 đối tượng… Quý I-2016, ngành Thanh tra phát hiện 4 vụ/6 đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền hơn 3 tỷ đồng, xử lý hình sự 3 vụ/5 đối tượng.
 
    Báo Thanh tra (08-05) đưa tin, theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, trong 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chức năng của tỉnh đã truy tố 33 vụ án tham nhũng với 62 bị can, có 41 đối tượng bị kết án tham nhũng. Trong đó, số đối tượng tham nhũng ít nghiêm trọng là 25 người; đối tượng phạm tội tham nhũng nghiêm trọng 8 người; 3 người phạm tội tham nhũng rất nghiêm trọng và 5 người phạm tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Phát hiện 10,1 tỷ đồng tiền sai phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó đã thu hồi 5,1 tỷ đồng. Ngoài ra còn xử lý hành chính 11 vụ tham nhũng với 32 người là cán bộ, công chức, viên chức.
 
    Báo Thanh tra (10-05) cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp có văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, các đơn vị cần chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra, có biện pháp kiên quyết để xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra.
 
    TTXVN (10-05) đưa tin, thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, 10 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, tăng cường nhiều biện pháp, phát hiện nhiều vụ án tham nhũng. Ngành Thanh tra thành phố đã thực hiện gần 2.500 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội; phát hiện sai phạm kinh tế gần 2.200 tỷ đồng; đã kiến nghị thu hồi trên 1.100 tỷ đồng, xử lý hành chính 457 tập thể và 1.210 cá nhân, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính nhà nước, xử lý kỷ luật 445 trường hợp và chuyển cơ quan điều tra 41 vụ… 
 
    Báo Thanh tra (10-05) cho biết, theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Tòa án nhân dân các cấp của tỉnh đã thụ lý và xét xử 35 vụ liên quan đến tội phạm tham nhũng; phát hiện hơn 69 tỷ đồng tài sản liên quan đến tham nhũng. Đã tiến hành xử lý 38 trường hợp về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. 
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền phong, Sài Gòn giải phóng, VietNamnet, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (11-05) phản ánh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ban hành Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Theo Kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; (2) Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số địa phương; (3) Việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; (4) Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; (5) Công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của ban nội chính tỉnh ủy; (6) Việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.
 
    QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (08-05) cho biết, Maroc chi 188 triệu USD chống tham nhũng sau khi thông báo giới thiệu Chiến lược quốc gia chống tham nhũng và ký kết 10 thỏa thuận với các tổ chức phi Chính phủ để thành lập một liên minh quốc gia chống tham nhũng. Các thỏa thuận bao gồm các chương trình để cải thiện dịch vụ công, tăng cường minh bạch và tiếp cập thông tin, trách nhiệm giải trình và tính liêm chính của khu vực tư nhân.
 
    TTXVN, báo Thanh tra, Lao động, Người Lao động, VietNamnet, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN (13-05) đưa tin, Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng được tổ chức ở thủ đô London, Anh, với sự tham gia của các quan chức cấp cao đến từ khoảng 40 quốc gia, cùng nhiều thể chế tài chính và các tổ chức phi chính phủ. Tại  Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các phương thức hành động chung trong cuộc chiến chống trốn thuế và tham nhũng trên toàn cầu. Các nhà phân tích đánh giá, đây là động thái tích cực để đối phó với nạn trốn thuế và tham nhũng đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama.
 
    Thông tin đáng chú ý:
    - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát về tham nhũng;
    - Thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo;
    - Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp xúc cử tri;
    - Công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về việc công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết và 1 Pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.