Điểm báo tuần số 175 (Từ ngày 22-8 đến ngày 27-8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng)
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra (22-8) đưa tin Đoàn công tác số 3 của Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết đạt 94,1%, việc giải quyết về cơ bản đã tuân theo quy định của pháp luật và quy chế, quy định của ngành. Các vụ, việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát các cấp được giải quyết bảo đảm đúng pháp luật; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ngày càng được nâng cao; các vụ, việc oan, sai, bỏ lọt tội phạm đều được xem xét lại một cách nghiêm túc, cầu thị để kịp thời khắc phục thiếu sót, vi phạm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự trị an xã hội.
Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Giao thông, Tuổi trẻ, Thanh niên, Biên phòng, Vnexpress, Đài THVN (22-8) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, tham mưu, giúp Thủ tướng theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được Thủ tướng ủy quyền kiểm tra các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau mỗi đợt kiểm tra, hoặc hàng tháng, Tổ công tác báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị các biện pháp khắc phục những tồn tại của các Bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23-8) đưa tin về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII”. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ toàn bộ ngành ngoại giao đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn, trước hết là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, góp phần thiết thực giải quyết những thách thức và nguy cơ tụt hậu qua việc tăng cường nghiên cứu, dự báo về những diễn biến trước mắt và dài hạn của kinh tế khu vực và thế giới, đưa các hiệp định tự do vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất và hạn chế tối đa tác động bất lợi. Tổng Bí thư căn dặn ngành ngoại giao cần hết sức nhạy bén trong dự báo tình hình, nắm vững các quan điểm chỉ đạo về quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh để góp phần vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển…
Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật Việt Nam, Dân trí, Cần Thơ, Đài TNVN, TTXVN (24-8) thông tin về Hội nghị chuyên đề công tác dân tộc, tôn giáo, an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tây Nam Bộ. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giảm nghèo cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn do hạn hán và xâm nhập mặn; các địa phương, bộ, ngành tích cực thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tăng cường an ninh biên giới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Đài TNVN (25-8) phản ánh các nội dung Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp (Đề án 258). Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác giám định tư pháp đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258. Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của Đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhất là công tác tiến hành tố tụng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách tư pháp, nhu cầu giám định tư pháp của các tổ chức, cá nhân trong các quan hệ hành chính, dân sự. Tuy nhiên công tác giám định tư pháp còn yếu, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng... đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Lao động (22-8) có bài điều tra “Hàng nghìn hécta rừng bị chặt phá ở Đắk Nông, giấu nhẹm để trốn trách nhiệm”. Theo nội dung bài viết, để 2.600 hécta rừng bị chặt phá, bao chiếm trái phép nhưng lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Đức Hòa báo cáo chỉ mất 67 hécta, nhằm trốn tránh trách nhiệm. Trong khi hàng nghìn hécta rừng bị xóa sổ, nhưng hằng năm Công ty vẫn đưa diện tích này vào phương án bảo vệ, phòng, chống cháy rừng để tiêu tiền Nhà nước. UBND tỉnh Đắk Nông giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Lao động, Công lý, Nghệ An (22-8) dẫn nguồn tin của Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đang tạm giữ Nguyễn Ngọc Sơn, Đội phó Đội Quy tắc đô thị, thị xã Nghi Phú đã điều tra, làm rõ về hành vi nhận hối lộ. Theo điều tra ban đầu, ông Sơn thường xuyên đi kiểm tra tại các tuyến phố, mặt đường khu vực gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh để bắt những chủ hàng có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, nhưng lại nhận tiền “bảo kê” để không xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong. Tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Báo Công an nhân dân, Công lý, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Vnexpress, VietnamNet, Đài TNVN (23-8) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Lễ, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu; Hồ Xuân Tục, nguyên cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu cùng mức án 15 tháng tù treo; Nguyễn Hữu Dương, nguyên Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu mức án 30 tháng cải tạo không giam giữ, cùng với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Trước đó 03 đối tượng trên trong khi xử lý hành vi vi phạm hành chính đã gợi ý chủ hàng “bồi dưỡng” cho tổ công tác 20 triệu đồng, nếu không sẽ bị xử phạt 120 triệu đồng. Tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-8 đến 26-8) đưa tin về hoạt động của 05 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số tỉnh, thành. Việc kiểm tra, giám sát tập trung vào 06 nội dung: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; (2) Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số địa phương; (3) Việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; (4) Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; (5) Công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của ban nội chính tỉnh ủy; (6) Kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2016 |
Báo Pháp luật Việt Nam (23-8) có bài viết “Quan chức sai phạm được ưu ái giữ chức lớn hơn?”. Theo bài báo, năm 2014, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 9 cán bộ, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hạ Long để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị can này đều bị xử lý hình sự. Đối với ông Nguyễn Văn Thanh, lúc đó giữ chức Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, là người ký trình cấp sổ đỏ trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị khởi tố đối với ông Thanh nhưng Viện kiểm sát từ chối phê chuẩn. Không những không bị xử lý hình sự vì để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, ông Thanh còn được chuyển công tác làm người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Báo Điện tử Chính phủ, Tiền phong, Tuổi trẻ, Vnexpress, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (25-8) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 03 cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm: Võ Nhật Tân, nguyên Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Thành; Nguyễn Văn Thức, nguyên Phó Chi cục trưởng và Trương Thị Ngọc Diễm, nguyên Kế toán trưởng để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo điều tra ban đầu, từ năm 2007-2013, Tân và Thức đã chỉ đạo Diễm gửi 3,7 tỷ đồng tiền thi hành án vào các tài khoản khác nhau ở Kho bạc mà không giao cho những người được thi hành án để chiếm đoạt, trục lợi. Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Báo Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Thanh niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN (25-8) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo về đề nghị xem xét, điều tra vụ việc vi phạm pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước đó báo chí đã đưa tin về việc cán bộ lãnh đạo, nhân viên Trung tâm này làm giả hồ sơ hợp quy của hơn 800 sản phẩm thủy sản, thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra, đánh giá các tài liệu, chứng cứ về vụ việc, nếu có dấu hiệu tội phạm thì quyết định khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-9-2016 về việc xác định có căn cứ khởi tố hoặc không có căn cứ khởi tố.
Báo Dân trí, Hòa Bình, TTXVN (26-8) đưa tin, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Công Tám, nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình giữ nguyên bản án Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã xử phạt bị cáo 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với số tiền trên 7 tỷ đồng, buộc bị cáo phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
TIN QUỐC TẾ
Thông tin từ TTXVN (25-8), Thị trưởng thành phố Bangkok của Thái Lan, M.R.Sukhumbhand Boribhat đã bị đình chỉ công tác theo chỉ thị của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, để tiến hành thêm điều tra về cáo buộc tham nhũng. Ông Boribhat bị cáo buộc liên quan tới vụ nhận hối lộ ước tính 1 triệu USD trong vụ mua hệ thống đèn chiếu sáng LED trang trí tại các trụ sở của Chính quyền thủ đô Bangkok.
Đài TNVN (26-8) dẫn nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc bị các kiểm sát viên quân sự bắt tại Tứ Xuyên trưa 25-8 vì "vi phạm kỷ luật đảng", cách nói để chỉ các quan chức tham nhũng. Ông Vương là tướng đầu tiên bị bắt khi đang tại vị kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng. Ông cũng là Thượng tướng thứ hai bị bắt trong vài tuần qua. Trước đó là Thượng tướng Điền Tu Tứ, cựu Chính ủy Không quân Trung Quốc.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các tỉnh, thành;
- Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII”;
- Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp;
- Điều tra vụ việc vi phạm pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG