Điểm báo tuần số 176 Từ ngày 29-8 đến ngày 03-9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 05/09/2016, 17:51 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân dân, Lao động, Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Xây dựng, TTXVN (29-8) đưa tin, đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về giải quyết khiếu nại đông người, kéo dài liên quan đến dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3, tỉnh Bình Thuận và dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đồng chí kết luận: Việc giải quyết khiếu kiện của dân liên quan dự án cần tập trung giải quyết quyết liệt, không để kéo dài; cần phân loại theo đối tượng sử dụng đất để giải quyết cho đúng; đất thuộc địa phương nào thì địa phương đó chủ trì giải quyết. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã chủ trì nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố phía Nam để chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài, đặc biệt là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, vượt cấp, công dân tập trung lên các cơ quan Trung ương.
Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (31-8) truyền đạt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016: “Phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công vì đó là mồ hôi, công sức của nhân dân; tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận kỹ những vấn đề rất quan trọng như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Như vậy sẽ xây dựng một luật để sửa 12 luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp. Cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu. Thực hiện ngay việc thiết lập các kênh để lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; khuyến khích, khen thưởng kịp thời và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng; nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật. Triệt để thực hành, chống lãng phí trong hệ thống hành chính Nhà nước và toàn xã hội.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Giáo dục Việt Nam (01-9) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Chương trình nhằm chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự; không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai; khi xác định đã có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; hạn chế đến mức thấp nhất việc đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình, người đang bị giam giữ và chấp hành án tại các cơ sở giam giữ chết do tự sát, đánh nhau; xử lý nghiêm minh đối với người thi hành công vụ sai phạm và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Tầm nhìn (29-8) phản ánh, trong năm 2015, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra, xem xét, giải quyết sai phạm liên quan đến việc tố cáo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương. Ông Hiệp luôn nói rằng mình “vô tội” trong hơn 10.000 ca phẫu thuật cận thị theo phương pháp Lasik, mà ông đã chỉ đạo cho y tá phòng mổ theo dõi để rút tiền của bệnh viện khoảng 1,4 tỷ đồng. Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Bảo hiểm Xã hội số 3621/BHXH-CSYT ngày 22-9-2015, thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế 1,165 tỷ đồng và gần 26 tỷ đồng chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Nếu tính ra gần 5 năm từ ngày ông Hiệp nhận chức Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, phụ trách thanh toán bảo hiểm y tế, thì con số này lên đến 100 tỷ đồng. Khi các cơ quan thanh tra chưa có kết luận, thì Vụ Tổ chức Cán bộ đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ông Nguyễn Xuân Hiệp lên làm Giám đốc Bệnh viện.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân dân, Hà Nội mới, TTXVN (30-8) phản ánh Đoàn khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” làm việc với Thành ủy Hà Nội. Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. 10 năm qua, toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều nghiêm túc triển khai công tác này, đạt những kết quả bước đầu tích cực, tình trạng tham nhũng, lãng phí được kiềm chế, ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đảng bộ Thành phố Hà Nội và khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc trước mắt cũng như lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành. Đồng thời, cần nêu cao vai trò của người đứng đầu, người lãnh đạo trong việc chống tham nhũng, lãng phí. Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác phòng, chống tham nhũng một cách linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm soát việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh vai trò tự kiểm tra, giám sát trong công tác phát hiện tham nhũng; cần mở rộng phạm vi của các tội phạm tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Đồng chí Phạn Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trưởng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội |
Báo Giáo dục Việt Nam, Thanh tra, Đời sống pháp luật, Hà Nội mới, Dân Việt (30-8) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường trung học phổ thông tiếp tục lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy từ năm học mới 2016-2017; trọng tâm là giáo dục đạo đức liêm chính, kết hợp giảng dạy pháp luật về phòng, chống tham nhũng với thời lượng phù hợp. Các trường đại học, cao đẳng nghiêm túc thực hiện việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình chính khóa và ngoại khóa bảo đảm đủ thời lượng theo quy định, trong đó với các chương trình đào tạo chuyên về luật phải bảo đảm thời lượng 15 tiết.
Báo Thanh tra (30-8) đưa tin, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký ban hành Quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thủ trưởng bảo hiểm xã hội các cấp, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, thủ trưởng các đơn vị chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu đang quản lý, lưu giữ có liên quan đến vụ việc tố cáo theo yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Theo tin từ Báo Công an nhân dân, Tiền phong (30-8), Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đã tống đạt cáo trạng truy tố 4 bị can gồm: Huỳnh Văn Thức, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh; Trần Thị Diễm Thúy, nguyên Kế toán trưởng; Phạm Anh Thơ, nguyên Tổ trưởng nông sản; Võ Minh Khôi, nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Lương thực Vĩnh Long. Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo đã tự ý ký hàng chục hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum dưới dạng cho vay lãi gây thiệt hại 102 tỷ đồng cho Công ty Lương thực Vĩnh Long.
Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (30-8) có bài viết “Giám đốc Sở Tư pháp để vợ làm Trưởng Văn phòng công chứng”. Nội dung bài viết đề cập tới việc ông Lê Văn Hạ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa để vợ hoạt động dịch vụ công chứng, chứng thực thuộc lĩnh vực ông quản lý trực tiếp. Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết sẽ kiểm tra thông tin về ông Lê Văn Hạ. Hành vi này của ông Hạ có dấu hiệu vi phạm Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng. Khoản 4 điều luật này quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.
Báo Tiền phong (30-8) đăng tải thông tin về vụ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh bị tố làm tiền doanh nghiệp. Tổ kiểm tra liên ngành vào ngày 21-6-2016 bị tố nhận 30 triệu đồng của Công ty Cổ phần Đại Long để được giảm nhẹ mức phạt vi phạm hành chính của Công ty này. Những thành viên trong Tổ kiểm tra đều khẳng định không biết số tiền trên. Một Tổ kiểm tra liên ngành khác cũng bị Công ty Cổ phần Đại Long tố từng nhận 50 triệu đồng trong đợt kiểm tra năm 2015, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh thừa nhận Tổ kiểm tra liên ngành chỉ vi phạm nghiệp vụ, tham gia lập biên bản vi phạm hành chính sai quy định về địa điểm là tại khách sạn. Về nội dung doanh nghiệp tố đưa 50 triệu đồng tại khách sạn, các thành viên trong Tổ đều phủ nhận. Chiều 29-8, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có cuộc làm việc với Sở Giao thông vận tải để nắm rõ sự việc. Liên quan đến trách nhiệm còn có một số cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hà Tĩnh là thành viên trong 02 Tổ kiểm tra liên ngành, các đơn vị này cho biết đang làm rõ sự việc để có hành thức kỷ luật thích đáng.
Báo Lao động (30-8) có loạt bài điều tra “Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đường dây làm giả hồ sơ hàng loạt đối tượng chính sách”. Theo báo cáo, ở Nghĩa Hưng, lợi dụng chính sách tốt đẹp của Nhà nước đối với nhũng người có công, hình thành cả một đường dây làm giả hồ sơ, đối tượng chính sách gây thất thoát hàng tỷ đồng của Nhà nước. Theo nhẩm tính của các cựu chiến binh, huyện Nghĩa Hưng có 25 đơn vị hành chính, trong đó có 23 xã thì xã nhiều tới vài trăm trường hợp, xã ít cũng 30-40 trường hợp. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì có thể lên đến trên 80% là đối tượng chính sách giả.
Báo Công an nhân dân, Kiểm lâm, Đà Nẵng (31-8) đưa tin, Tòa án nhân dân huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án khai thác gỗ trái phép, nhận hối lộ của cán bộ Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông. 07 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên, công chức kiểm lâm Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông lãnh các mức án như sau: Trạm trưởng Phạm Phú Cường 4 năm tù; Trạm phó Hồ Tấn Hai 2 năm tù; Trạm phó Thủy Ngọc Trọng và nhân viên Nguyễn Văn Ấn cùng nhận mức án 18 tháng tù; Kỹ sư lâm nghiệp Lý Thanh Tùng 12 tháng tù; Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Nhung 6 tháng tù; Kiểm lâm viên Đinh Ngọc Bán 9 tháng tù.
Báo Lao động, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Gia đình Việt Nam, Vnexpress (01-9) cho biết, ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà. Cụ thể, tháng 4-2016, ông Võ Thành Long ký tờ trình gửi Tổng cục thuế đề nghị bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp cục giai đoạn 2016-2020, cụ thể là chức “phó cục trưởng” với hai người, trong đó có bà Đỗ Thị Phương Ngọc (vợ ông Long). Bà Đỗ Thị Thanh Thúy (em ruột bà Ngọc), hiện là kiểm tra thuế viên ở phòng Tuyên truyền hỗ trợ. Bà Thúy đã được bổ sung quy hoạch phó trưởng phòng tại quyết định ra tháng 03-2016. Ông Nguyễn Đăng Bình (chồng bà Thúy) cũng đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Côn Đảo vào tháng 8-2015. Dư luận đặt câu hỏi liệu ông Long có vi phạm Luật phòng, chống tham nhũng hay không?
Báo Công an nhân dân, Lao động, Pháp luật TP. HCM, Dân trí, Thanh niên, Vnexpress, Đài TNVN (01-9) công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bản Kết luận đã chỉ ra 4 nhóm sai phạm lớn tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng. Phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách. Góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015. Buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ.
TIN QUỐC TẾ
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Cảnh sát Liên bang Bra-xin cho biết, cựu Tổng thống Lula da Silva cùng vợ là Marisa Letícia Rocco đang bị tình nghi có liên quan tới vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Hiện vợ chồng ông Lu-la cùng Chủ tịch Quỹ Lu-la Paulo Okamott và nguyên Chủ tịch Công ty xây dựng OAS Aldemario Pinheiro bị cảnh sát cáo buộc tội tham ô và rửa tiền. Theo cảnh sát, số tiền mà ông Lula được hưởng lợi bất hợp pháp từ OAS lên tới 750.000USD.
Báo Thanh tra (02-9) đưa tin, Du Shanxue , cựu Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Tây (phía Bắc Trung Quốc) vừa bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng, nhận hối lộ. Cảnh sát điều tra đã tiến hành phong tỏa toàn bộ tài sản của cựu quan chức này cũng như của người thân, với tổng giá trị khoảng 90 triệu nhân dân tệ (khoảng 13,5 triệu USD), không ai trong gia đình cựu quan chức Du Shanxue có thể chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của nó.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp về giải quyết khiếu nại đông người, kéo dài;
- Khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tại Thành ủy Hà Nội;
- Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh bị tố làm tiền doanh nghiệp;
- Công bố kết luận thanh tra Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;