Điểm báo tuần số 188 từ ngày 21-11 đến ngày 26-11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 28/11/2016, 15:43 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (23-11) đưa tin, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa XIV) bế mạc sau hơn một tháng làm việc, hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng, thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Quốc hội đã thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 14 dự án luật khác. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV đối với một số thành viên Chính phủ. Hoạt động chất vấn cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Các vị đại biểu đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng tính tranh luận để làm rõ thêm; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục trong lĩnh vực công thương, tài nguyên, môi trường, giáo dục và đào tạo và nội vụ. Các vị bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn đã nắm bắt yêu cầu; bám sát chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mình phụ trách; trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đưa ra giải pháp và hướng khắc phục những hạn chế, bất cập. Thủ tướng Chính phủ đã trả lời trực tiếp các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ.
 
    Báo Đời sống và Pháp luật, Ninh Thuận (24-11) phản ánh các nội dung của Hội thảo “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016” khu vực phía Nam do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Sau 03 năm triển khai thực hiện, Đề án nói trên cơ bản đã được Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan, các cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội luật gia ở địa phương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, các hoạt động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn. Nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội ra đời với vai trò nòng cốt là hội viên Hội Luật gia như: “Đội tuyên truyền thanh niên”; “Đội thanh niên tình nguyện tư vấn pháp lý”; “Nông dân và pháp luật”; “Phụ nữ tuyên truyền pháp luật”… Các mô hình này đã góp phần tích cực triển khai Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” ở các địa phương.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Dân trí, Kinh tế đô thị, TTXVN (25-11) cho biết, Bộ Công an và Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phối hợp công tác. Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về những kết quả, kinh nghiệm, khó khăn, tồn tại và vướng mắc trong quan hệ phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ như: Công tác phối hợp xây dựng các dự án Luật; xử lý vướng mắc trong giám định tư pháp, thi hành án dân sự khi giải quyết các vụ việc, vụ án lớn, trọng điểm về tham nhũng, kinh tế; quản lý tổ chức và hoạt động của luật sư; công tác gia nhập, đàm phán ký kết các điều ước quốc tế về an ninh, trật tự. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã biểu dương những kết quả phối hợp giữa hai Bộ thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, quan hệ phối hợp giữa hai Bộ là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, thống nhất, trước tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự còn nhiều khó khăn, Bộ Công an và Bộ Tư pháp sẽ tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Văn hóa, Hà Nội mới, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (26-11) đưa tin Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 258). Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã tạo được những chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan và người có trách nhiệm về vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp được nâng lên rõ rệt… Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, Bộ Tư pháp cần xây dựng Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2020 gắn với cải cách tư pháp và thực hiện Luật Giám định tư pháp. Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay các vướng mắc về  công tác giám định trong những vụ án tham nhũng, kinh tế để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương chỉ đạo thực hiện việc thống kê, đánh giá tình hình trưng cầu, yêu cầu giám định và sử dụng kết luận giám định; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý giám định tư pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. 
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm tra, giám sát tại tỉnh Bắc Ninh và Tây Ninh
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm tra, giám sát tại tỉnh Bắc Ninh
    Báo Lao động, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN (22-10) dẫn nguồn tin từ Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông Đỗ Hồng Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa, đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở số tiền 6,3 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài chính Khánh Hòa, từ năm 2014-2015, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa đã triển khai thực hiện 24 công trình nạo vét và bơm tưới, 49 công trình sửa chữa thường xuyên với tổng số vốn gần 8,5 tỷ đồng. Qua thanh tra cho thấy các công trình này không triển khai hoặc triển khai với khối lượng rất ít; ông Đỗ Hồng Hải đã chỉ đạo cấp dưới làm giả giấy tờ liên quan để quyết toán các công trình và bỏ túi hơn 6,3 tỷ đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất với đề xuất của Sở Tài chính là kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đỗ Hồng Hải, đồng thời cũng sẽ xem xét hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan tại doanh nghiệp này.  
 
    Báo Công lý (23-11) có bài viết, “Nhiều công nhân phản ánh hiện tượng rửa tiền”. Nhiều công nhân thuộc Công ty cổ phần Than Hà Lầm tố cáo tình trạng cố ý làm trái pháp luật, biển thủ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội của công nhân, tiền thuế của Nhà nước bằng cách “rửa tiền” của công ty. Cụ thể, hàng tháng Công ty gửi vào tài khoản của công nhân với mức từ 03 triệu đồng đến 10 triệu đồng dưới danh mục như bổ sung lương đã lĩnh… nhưng thực tế thì công nhân bị bắt buộc phải rút hết số tiền này ra và nộp lại cho các Tổ trưởng. Phóng viên Báo Công lý đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Tác, Phó trưởng Phòng Thanh tra – Kiểm toán, là người phát ngôn của Giám đốc Công ty cổ phần Than Hà Lầm. Ông Tác đã ghi nhận những thông tin này từ báo chí. Ông khẳng định lãnh đạo Công ty không có chủ trương chỉ đạo việc gửi tiền qua tài khoản của công nhân và sẽ kiểm tra, rà soát và phản hồi với cơ quan báo chí vào thời gian thích hợp…
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Đời sống và Pháp luật, VietnamNet, Đài TNVN (24-11) dẫn nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra, truy tố ông Lê Ngọc Phổ, nguyên kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về tội “Nhận hối lộ”. Theo kết luận điều tra, ông Phổ được phân công thụ lý hồ sơ vụ án Mua bán trái phép chất ma túy do Võ Thị Kim Anh thực hiện. Ông Phổ đã gặp gia đình Kim Anh bàn bạc việc chạy án để giảm mức án từ 8-9 năm xuống 4-5 năm tù, thì phải chi 120 triệu đồng. Gia đình Kim Anh giao ông Phổ 10 triệu đồng ứng trước. Sự việc đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa khám phá. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa, sau đó phối hợp với lực lượng công an tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Lê Ngọc Phổ.
 
    Báo Tiền phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Tuổi trẻ, Dân trí, Người lao động (24-11) đưa tin, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Kết luận chỉ rõ: SCIC đã chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về bộ, địa phương quản lý tổng số 30 doanh nghiệp nhưng chỉ có Công ty Cổ phần Jetstar Pacific Airlines là có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, còn lại là không rõ ràng; khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC hơn 1.600 tỷ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu thực chất chỉ giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ trái phiếu đến hạn cho khoản lỗ gần 2.000 tỷ đồng tại dự án xi măng Cẩm Phả. Khoản đầu tư hơn 43 tỷ đồng tại dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam chưa có hiệu quả… Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xử lý hơn 600 tỷ đồng trích lập sai quy định tại SCIC, đồng thời xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. 
 
    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Dân trí, VietnamNet (24-11) cho biết, với cương vị Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thủ công - Mỹ nghệ Bình Định, ông Huỳnh Hữu Bình để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác cán bộ; vi phạm thu, chi tài chính, trong mua sắm thiết bị, tài sản công; lập chứng từ khống rút tiền về để ngoài sổ sách kế toán; tuyển sinh vượt mức quy mô đào tạo… Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký quyết định kỷ luật cách chức Hiệu trưởng đối với ông Huỳnh Hữu Bình, đồng thời truy thu số tiền mà Nhà trường chi sai và xem xét kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan.
 
    Báo Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN (25-11) phản ánh các nội dung của Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng về công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội để phòng, chống tham nhũng. Hai bên cũng sẽ tăng cường phối hợp trong tham gia ý kiến về chủ trương, định hướng lớn của Đảng về tổ chức hoạt động của cơ quan nội chính (Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Công an, Quân đội, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam). Cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã ký Quy chế phối hợp nhằm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
 
    Báo Nhân dân, THVN, TTXVN, Đài TNVN (26-11) đưa tin, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bắc Ninh và Tỉnh ủy Tây Ninh để thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Công tác số 3 đã chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng mà tỉnh Bắc Ninh cần khắc phục trong thời gian tới; đề nghị tỉnh tăng cường giám sát công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng, kinh tế; có biện pháp cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp thực hiện nhằm chấm dứt việc bán đất trái thẩm quyền; chấn chỉnh, xử lý vi phạm về quản lý đất đai. Đoàn công tác cũng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với 2 vụ án, 1 vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế theo đúng quy định của pháp luật. Tại tỉnh Tây Ninh, Đoàn công tác số 3 kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng; tích cực phối hợp, rà soát để xử lý nghiêm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng và án kinh tế mà Đoàn công tác đã phát hiện, kiến nghị...
 
    Báo Công lý, An ninh Thủ đô, Đài TNVN, TTXVN (26-11) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt tù đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ xã, cán bộ huyện ở huyện Thạch Thất, Hà Nội về các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và nhận hối lộ. Trong đó, Đỗ Văn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng nhận 14 năm tù; Nguyễn Thành Huyên, nguyên cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất nhận 15 năm tù. 06 bị cáo khác bị tuyên phạt các mức án từ 3 năm tù đến 7 năm tù giam. Theo cáo trạng, năm 2007, thực hiện giải phóng mặt bằng trong Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các bị cáo trong vụ án đã lập khống, giả mạo hồ sơ về diện tích đất nông nghiệp tại địa phương bị thu hồi để trục lợi cá nhân và gây thất thoát hơn 3 tỷ đồng ngân sách.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tuổi trẻ (21-11) dẫn nguồn tin của Hãng tin Reuters, nhằm mục đích chống tham nhũng, chính sách thu hồi tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee đang gây ra nhiều vấn đề nan giải cho việc kinh doanh tại Ấn Độ vì loại tiền này chiếm hơn 80% lượng tiền lưu hành trên thị trường. Đây được coi là bước đi táo bạo nhất của chính phủ Ấn Độ để đàn áp hành vi trốn thuế, hối lộ và tiền giả. Các chuyên gia và cố vấn kinh tế cho Chính phủ Ấn Độ đưa ra dự đoán chỉ số tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ sụt giảm xuống còn 4,1% so với 7,65% năm 2015 và phải mất khoảng 6 tháng để ổn định tình hình.
 
    Báo Thanh tra (24-11) cho biết, bê bối tham nhũng tại Brazil vẫn chưa yên, bởi không chỉ có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobras đang ngập chìm trong bê bối tham nhũng, hối lộ, mà một loạt bê bối khác cũng bị đưa ra ánh sáng, trong đó phải kể đến Tập đoàn Hàng không vũ trụ Embraer, Tập đoàn Thực phẩm JBS và Tập đoàn Xây dựng Camargo Correa. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa XIV);
    - Tổng kết thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp;
    - Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng;
    -  Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm tra, giám sát tại tỉnh Bắc Ninh và Tây Ninh;
    - Buộc thôi việc đối với Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa tỉnh Khánh Hòa và Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thủ công - Mỹ nghệ Bình Định.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.