Điểm báo tuần số 198 từ ngày 13-02 đến ngày 18-02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Giáo dục và Thời đại, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, Đài TNVN, TTXVN (14-02) cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Theo Nghị định, có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: 1) Tổ chức họp báo; 2) Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; 3) Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; 4) Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; 5) Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; 6) Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí. Nghị định cũng nêu rõ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng một lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo, cung cấp thông cáo báo chí và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Điện tử Đảng CSVN, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Người Lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-02) đưa tin, Hội nghị báo cáo công tác phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong năm qua, công tác phối hợp có nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, trong thời kỳ phát triển mới, Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác trao đổi thông tin, nghiên cứu tham mưu với Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ động đề xuất các chương trình hành động cụ thể nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo; nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, làm tốt vai trò giám sát, biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (16-02) đồng loạt đưa tin về Hội nghị giao ban Liên ngành tư pháp - nội chính Trung ương đánh giá công tác phối hợp năm 2016, triển khai công tác phối hợp năm 2017. Trong năm qua, các cơ quan tư pháp và nội chính Trung ương đã thường xuyên phối hợp xây dựng và tham gia nhiều dự án luật, pháp lệnh góp phần hoàn thiện thể chế. Về điều tra, truy tố, xét xử và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cùng với việc phối hợp giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền, các cơ quan đã chỉ đạo tiến hành tố tụng ở địa phương tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án. Các cơ quan tư pháp - nội chính Trung ương đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các đơn kêu oan; giải quyết nhiều đơn kêu oan, tiến hành minh oan cho hai trường hợp đã xét xử từ nhiều năm trước. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp - nội chính Trung ương thời gian vừa qua. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan cần tiếp tục phối hợp tham mưu với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác cải cách tư pháp, nhất là tham mưu chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng, nghiêm trọng, xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan.
Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền phong, Dân trí, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-02) đưa tin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với các cơ quan thi hành án thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp. Năm 2016, các cơ quan thi hành án đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường; sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án với nhau và với các ban, bộ, ngành tư pháp và nội chính trung ương được chú trọng. Đồng tình với những nhiệm vụ công tác năm 2017 của các cơ quan thi hành án đã đề ra, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan thi hành án cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thi hành án, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm hoạt động thi hành án cả về hình sự, dân sự, hành chính chính xác, khách quan, đúng pháp luật, tích cực góp phần phòng, chống tội phạm. Chủ tịch nước cho rằng, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án và giữa các cơ quan thi hành án với tòa án, viện kiểm sát và các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, nhất là trong việc thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với các cơ quan thi hành án thuộc các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Tiền phong (14-02) có bài viết “Thất thu thuế hàng trăm tỷ đồng: chưa xử lý ai”. Kết quả thanh, kiểm tra của cơ quan kiểm toán khu vực phát hiện trong nhiều năm liền, Chi cục Thuế Buôn Ma Thuột đã giảm thuế không đúng đối tượng, giấu nợ thuế, áp thuế không phù hợp… gây thất thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng, nhưng chưa có cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm. Tính đến thời điểm kiểm toán, sổ sách thể hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn nợ thuế hơn 185 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu chiếm tới 83%. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột báo cáo nợ còn thiếu tới 507,9 tỷ đồng, mà không được chỉ đạo hoặc có biện pháp đôn đốc thu hồi. UBND TP. Buôn Ma Thuột chỉ đạo Chi cục thuế khắc phục những tồn tại, hạn chế và phải đưa 507,9 tỷ đồng nợ thuế vào báo cáo để theo dõi, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước; Kiểm điểm Chi cục trưởng và các bộ phận liên quan của Chi cục thuế, báo cáo Kiểm toán Nhà nước trước ngày 31-3-2017.
Báo Thanh niên, Xây dựng (14-02) phản ánh về sai phạm tài chính của nhiều cán bộ Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP). Theo đó, ông Ngô Quang Hùng, Phó viện trưởng, nguyên Giám đốc Phân viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, phải bàn giao hồ sơ tiến độ thực hiện 2 đồ án quy hoạch vùng khi đã giải ngân số tiền hơn 32 tỉ đồng; chịu trách nhiệm về việc không kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hồ sơ số tiền chứng từ không đủ điều kiện thanh toán là hơn 2,9 tỉ đồng; chi vượt chi phí giao dịch hơn 4,3 tỉ đồng và mất cân đối tài chính trong thời kỳ làm Giám đốc phân viện với số tiền hơn 7,4 tỉ đồng; nhiều lần không chấp hành lịch làm việc của Thanh tra Bộ Xây dựng. Bà Trần Thị Ngọc Sương, Giám đốc Trung tâm quy hoạch xây dựng thuộc SISP cũng không hợp tác để thực hiện công tác bàn giao sổ sách kế toán, công tác kế hoạch, không thanh toán các khoản công nợ tạm ứng và các khoản vay cho Viện với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng; không thanh toán tiền lương cho cán bộ Trung tâm số tiền hơn 1,6 tỉ đồng... Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị lãnh đạo Bộ xử lý kiểm điểm về những vi phạm kỷ luật đối với ông Ngô Quang Hùng và bà Trần Thị Ngọc Sương, trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, nếu ông Hùng và bà Sương không có biện pháp khắc phục, không hợp tác với Viện để giải quyết dứt điểm các vấn đề nêu trên, yêu cầu SISP báo cáo Bộ Xây dựng, chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xử lý theo quy định pháp luật.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, An ninh Thủ đô, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài THVN, TTXVN (16-02) đưa tin, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 3308-CV/VPTW thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nội dung các bài báo liên quan đến đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Báo Nhân Dân, Lao động, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN (16-02) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, đang điều tra mở rộng vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC), đồng thời, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 05 bị can, về tội tham ô tài sản, gồm 03 bị can thuộc Tổng công ty PVC: Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch và Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty miền trung; Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bị can Lê Thị Anh Hoa bị cấm đi khỏi nơi cư trú, 04 bị can còn lại đã bị bắt giam.
Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền phong, Thanh niên, Công an TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, TTXVN (16-02) đưa tin, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án tham ô 260 tỷ đồng xảy ra tại Vinashinlines. Theo đó, bị cáo Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của công ty này bị đề nghị mức án tử hình về tội tham ô tài sản. Các bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc bị đề nghị mức án tù chung thân; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng bị đề nghị mức án 20 năm tù, cùng về tội tham ô tài sản. Riêng bị cáo Giang Văn Hiển, bố đẻ của Giang Kim Đạt bị đề nghị xử phạt từ 8-9 năm tù về tội rửa tiền.
Báo Công lý, Sài Gòn giải phóng, Dân trí (17-02) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Hồng Quân, Lê Huy Hải, Nguyễn Văn Dục, nguyên cán bộ Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh (cũ); Lê Thị Hồng Vân, nguyên cán bộ địa chính xã Kỳ Long về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và bị cáo Nguyễn Việt Đức, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT- GPMB huyện Kỳ Anh (cũ) bị truy tố về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện 2 đợt bồi thường tại địa bàn xã Kỳ Long, các bị cáo đã thực hiện việc lập hồ sơ bồi thường sai quy định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 7 tỷ 770 triệu đồng. Hội đồng xét xử tuyên phạt: Nguyễn Hồng Quân 9 năm tù giam; Lê Huy Hải 6 năm tù giam; Lê Thị Hồng Vân 4 năm tù giam; Nguyễn Văn Dục 2 năm tù giam; Nguyễn Việt Đức 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về các tội danh trên.
TIN QUỐC TẾ
Báo Biên phòng (14-02) cho biết, Bộ Tư pháp Peru tuyên bố đã có đủ bằng chứng và ra lệnh bắt giam 18 tháng đối với cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo để điều tra một số cáo buộc về tham nhũng, rửa tiền và lợi dụng chức quyền, và nhận hối lộ 20 triệu USD từ tập đoàn Odebrecht của Brazil. Nhà chức trách Peru đã yêu cầu Cảnh sát quốc tế (Interpol) ra lệnh truy nã ông Toledo ở hơn 190 nước và treo thưởng 30.000 USD cho những ai có thông tin về nơi ẩn náu của ông này. Thông qua tài khoản mạng xã hội Twitter của mình, cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo cho biết ông không trốn chạy luật pháp Peru và yêu cầu quyền giả định vô tội về những cáo buộc chống lại ông. Ông Toledo lập luận rằng thời điểm ông rời Peru vẫn chưa xuất hiện những cáo buộc trên, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ uy tín của mình với điều kiện không bị kết tội trước.
Đài Truyền hình Việt Nam (17-02) đưa tin, Bộ Quốc phòng Áo thông báo sẽ kiện hãng sản xuất máy bay Airbus, của Pháp về hành vi tham nhũng và nhận hối lộ liên quan đến hợp đồng mua máy bay chiến đấu Eurofighter trị giá 2 tỷ USD. Vào năm 2000, Áo đặt mua 24 máy bay tiêm kích Eurofighter do Airbus sản xuất nhưng sau đó hợp đồng đã giảm xuống 18 và cuối cùng là 15 chiếc. Nguyên nhân là do Áo phát hiện Airbus có hành vi gian dối và nâng giá. Không lâu sau khi hợp đồng được ký kết, cũng có thông tin cho rằng nhiều nhân vật và chính trị gia liên quan đến hợp đồng mua bán này đã nhận được hàng triệu Euro tiền lót tay từ các công ty tư vấn để đảm bảo hợp đồng nói trên.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ thông tin về tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương;
- Giao ban Liên ngành tư pháp - nội chính Trung ương đánh giá công tác phối hợp năm 2016, triển khai công tác phối hợp năm 2017;
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với các cơ quan thi hành án thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp;
- Xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin: Đề nghị tử hình Giang Kim Đạt;
- Khởi tố 05 bị can liên quan vụ tham ô tài sản tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG