Điểm báo tuần số 207 từ ngày 17-4 đến ngày 22-4 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 24/04/2017, 14:56 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-2) phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý lần thứ 2 và thứ 3 đối với các dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.... Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời chất vấn và tham gia giải trình những vấn đề liên quan…
 
    Báo Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-4) cho biết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc làm việc với UBND TP. Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, các hoạt động khủng bố diễn ra ở nhiều nơi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Tuần lễ cấp cao, không được để xảy ra bất cứ sơ suất nào dù là nhỏ nhất. Đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chú trọng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn trên không, trên bộ, trên biển trong quá trình di chuyển. Chuẩn bị kỹ lưỡng, diễn tập đưa ra tình huống để tìm cách xử lý… không để xảy ra bất cứ một sơ suất nào, dù là nhỏ nhất. Ngoài ra, Chủ tịch nước đề nghị các tiểu ban và Đà Nẵng cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về sự kiện APEC 2017, đặc biệt là hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, phát triển trong lòng bạn bè quốc tế; chuẩn bị kỹ các vấn đề về y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các địa điểm sơ cấp cứu, các tình huống khi xảy ra sự cố... Riêng với Đà Nẵng, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, địa điểm phục vụ APEC 2017, cần tập trung chỉnh trang đô thị, chú trọng công tác an toàn giao thông, an toàn trật tự, đặc biệt là công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Từ nay đến lúc diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, những hình ảnh không đẹp về thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện, mến khách. 
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-4) đưa tin về Hội nghị giao ban lực lượng Cảnh sát hình sự  toàn quốc năm 2017. Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự đã làm tốt công tác tham mưu chiến lược, xây dựng nhiều kế hoạch, biện pháp, chương trình công tác trong phòng, chống tội phạm hình sự; chủ động nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm hình sự để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo giải quyết các điểm nóng về hình sự, không để bị động, bất ngờ. Quý I-2017, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết tin báo, tố giác và tổ chức tiến công quyết liệt các loại tội phạm; trong đó đã điều tra, khám phá 10.251 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 22.708 đối tượng, đạt tỷ lệ 80,31%; triệt phá 421 băng, nhóm tội phạm các loại, bắt giữ xử lý 2.694 đối tượng. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đề nghị, lực lượng Cảnh sát hình sự cần triển khai quyết liệt các giải pháp, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ đối với các loại tội phạm hình sự; huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa tội phạm, hướng dẫn cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng công dân để phòng ngừa tội phạm có hiệu quả cao; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, có biện pháp kịp thời ngăn chặn tội phạm. Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm thượng tôn pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Công lý, Dân trí, Văn hóa, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (20-4) cho biết, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là khu vực khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững... Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng khó khăn về đời sống, trình độ dân trí của đồng bào để kích động, chia rẽ các dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị. Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, công tác dân tộc cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền các địa phương để có những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế; phải có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. 
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền phong, Giáo dục, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Tuổi trẻ, Đài TNVN, TTXVN (22-4) thông tin về Quyết định kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ có liên quan đến sự cố về môi trường tại bốn tỉnh miền trung của Ban Bí thư. Căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Bí thư thống nhất 100% bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016; thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Minh Quang; kỷ luật cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí Bùi Cách Tuyến và đồng chí Nguyễn Thái Lai; kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh theo quy định). Đồng thời, Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng theo quy định đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Nguyễn Minh Quang, đồng chí Bùi Cách Tuyến, đồng chí Nguyễn Thái Lai và đồng chí Võ Kim Cự.
 
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu nhân dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền phong, Công lý, Xây dựng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Người lao động, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-4) đồng loạt đăng tải các nội dung cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn trong việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng khối lượng công việc nhiều, phức tạp nên một số vụ án, vụ việc tiến độ xét xử chưa đúng tiến độ, và vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan liên quan phải thống nhất nhận thức về bản chất vụ án, vụ việc để xét xử đúng người, đúng tội. Tổng Bí thư đề nghị, với những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo phải làm quyết liệt, không chỉ đảm bảo tiến độ mà còn đảm bảo chất lượng điều tra, xét xử. Cũng tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đồng ý kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017; đồng ý Kế hoạch thành lập 8 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 tỉnh…
 
    Báo Khánh Hòa, Công an nhân dân, Lao động,  Đại đoàn kết, Thanh niên, Đài TNVN (19-4) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh hòa cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Phương, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang về hành vi tham ô tài sản. Năm 2015, Sở Tài Chính tỉnh Khánh Hòa phát hiện khuất tất trong bán vé khách thăm quan vịnh Nha Trang; giám định tài liệu thực thu của Ban quản lý chỉ của năm 2014 thông qua bán vé được hơn 4 tỷ đồng nhưng ông Phương đã chỉ đạo nhân viên chỉ hạch toán nhà nước 3 tỷ đồng, số tiền còn lại không đưa vào sổ sách mà Ban quản lý tự cân đối thu chi. 
 
    Báo Thanh niên, Người lao động (20-4) đăng tải thông tin từ Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận đã chuyển kết luận sai phạm về chi phí môi giới quảng cáo tại Đài phát thanh - Truyền hình Bình Thuận (BTV) sang Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) - Công an Bình Thuận để tiếp tục điều tra làm rõ. Theo kết luận thanh tra, từ năm 2012 đến 2015, BTV ký 193 hợp đồng tài trợ, 190 hợp đồng môi giới tài trợ, thanh toán cho 28 người có hợp đồng khai thác với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. BTV đã ký với Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát 09 hợp đồng tài trợ trên 12,6 tỉ đồng, chi môi giới quảng cáo hơn 1,1 tỉ đồng cho 03 cá nhân trong Đài. Trong đó, xác định chi cho một cá nhân 122,7 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn số tiền chi cho 2 cá nhân khác thì chưa thu thập được đủ tài liệu để đánh giá nên phải chuyển sang cơ quan CSĐT để tiếp tục làm rõ. Ngoài ra, trong năm 2014 -2015, BTV đã chi từ nguồn thu sự nghiệp 707 triệu đồng để tiếp khách nhưng không rõ đối tượng, thành phần, số lượng người...
 
    Báo Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Vnexpess, Đài TNVN (21-4) thông tin từ UBND huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện để xử lý vì có dấu hiệu tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản đối với bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Thủ quỹ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã chiếm dụng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cũng kiến nghị có hình thức kỷ luật đối với tập thể lãnh đạo và 4 cá nhân Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện này vì đã buông lỏng quản lý, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thu, chi tài chính, thiếu kiểm tra cấp dưới để bộ phận kế toán và thủ quỹ làm sai các nguyên tắc kế toán, tài chính do Nhà nước quy định.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, An ninh Thủ đô, Đài TNVN (21-4) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 6 đối tượng trong đó có Phan Minh Nguyệt, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Công ty Hadico), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội và Nguyễn Thị Huyền Hảo, Kế toán trưởng Công ty Hadico về 2 tội danh gồm "Tham ô tài sản" và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Theo cáo trạng, từ tháng 12-2005 đến tháng 2-2015, Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo  một số cán bộ dưới quyền khác tổ chức phá dỡ khu nhà kho cũ trên lô đất thuộc trạm máy kéo, tự lập "dự án" xây dựng nhà cho thuê tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm, gây thiệt hại cho 138 người đã nộp tiền thuê nhà với tổng số tiền thiệt hại là 46,84 tỷ đồng, riêng bị can Nguyệt đã sử dụng cá nhân và chi tiêu không đúng quy định số tiền 17,75 tỷ đồng…
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    TTXVN (18-4) theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh cho biết, Toà án Nhân dân Cấp 1 thành phố Thiên Tân của Trung Quốc đã tuyên phạt Phan Dật Dương, cựu Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông 20 năm tù giam vì tội đưa và nhận hối lộ. Phan Dật Dương còn phải nộp phạt 4 triệu Nhân dân tệ, đồng thời toàn bộ tiền bạc và tài sản phi pháp của bị cáo sẽ bị tịch thu để sung vào công quỹ. Theo cáo trạng, trong thời gian nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại tỉnh Giang Tây và Nội Mông, Phan Dật Dương đã hối lộ Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc 7,6 triệu Nhân dân tệ; nhận hối lộ của các doanh nghiệp với số tiền lên đến 86 triệu Nhân dân tệ (khoảng 12,5 triệu USD). 
 
    Báo Điện tử Chính phủ (19-4) cho biết, ngày 18/4 Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha, một trong các tòa hình sự hàng đầu của nước này chuyên xét xử các vụ tham nhũng lớn, đã triệu tập Thủ tướng Mariano Rajoy ra làm chứng trong một vụ xét xử tham nhũng lớn liên quan đến các thành viên trong Đảng Nhân dân cầm quyền. Tổng cộng có 37 bị cáo phải hầu tòa, trong đó có 2 cựu thủ quỹ của Đảng Nhân dân và doanh nhân Francisco Correa, người bị cáo buộc đứng đầu mạng lưới trên. Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Ana Mato và một đại diện pháp lý Đảng Nhân dân cũng phải ra hầu tòa. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    - Ban Bí thư quyết định kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ có liên quan đến sự cố về môi trường tại bốn tỉnh miền trung của Ban Bí thư. 
 
    - Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
 
    -  Truy tố nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội.
 
    - Bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Phương, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.