Điểm báo tuần số 220 từ ngày 17-7 đến ngày 22-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân Dân, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Đài TNVN, TTXVN (17-7) đưa tin, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến để hoàn thiện Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) trước khi nộp lên Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc. Các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của quốc gia trong việc thực hiện Công ước ICCPR, kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước này năm 1982. Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức đối với việc thực thi Công ước tại Việt Nam như khuôn khổ pháp luật, mức độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các vùng miền, phong tục tập quán, biến động tình hình quốc tế…
Báo Chính phủ điện tử, Tuổi trẻ, Người lao động, TTXVN (17-7) phản ánh, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang công bố số điện thoại đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh tại số điện thoại 02933556677, tiếp nhận thông tin trong giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, ghi nhận và phản hồi các ý kiến đóng góp mang tính cấp bách, bức xúc, cần giải quyết ngay của công dân, tổ chức liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính, đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt là tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử, tác phong, lề lối làm việc thiếu chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Báo Chính phủ điện tử, Quân đội nhân dân, Người lao động, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Dân trí, Vietnamnet, Đài TNVN, TTXVN (18-7) cho biết, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước thông tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trên mạng xã hội. Theo đó, những ngày gần đây, trên mạng xã hội (facebook) lan truyền hình ảnh đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bị các đối tượng xấu gắn vào đó những phát ngôn bịa đặt về tình hình Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh khẳng định đây là thông tin bịa đặt hoàn toàn nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh đã cùng với Công an tỉnh làm việc với Cục an ninh mạng - Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin xuyên tạc nêu trên. Đề nghị người dân, cộng đồng mạng cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt để không chia sẻ hoặc bình luận về những thông tin không được kiểm chứng, gây thất thiệt, vi phạm pháp luật.
Báo Nhân Dân, Thanh niên, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Pháp luật Việt Nam, Công lý (18-7) đưa tin, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức lễ ra mắt Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của tòa án (có địa chỉ congbobanan.toaan.gov.vn). Việc tòa án công bố các bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án là một giải pháp đột phá trong chiến lược cải cách tư pháp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa... Người dân có thể trực tiếp cho ý kiến đối với các bản án, quyết định đã được công bố thông qua nhiều tiện ích, trong đó, có tiện ích “ý kiến phản hồi đối với bản án, quyết định.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Pháp luật Việt Nam, Công lý (18-7) cho biết, Khối thi đua bộ, ban, ngành nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, công tác thi đua, khen thưởng của 8 bộ, ban, ngành thuộc Khối Thi đua các bộ, ban, ngành Nội chính Trung ương đã có những bước chuyển biến tích cực. Việc xây dựng kế hoạch phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua, đăng ký thi đua đã được triển khai theo đúng quy định. Nội dung thi đua bám sát đường lối, chính sách của Đảng, của Chính phủ. Mục tiêu thi đua hướng tới hoàn thành nhiệm vụ chính trị của bộ, ban, ngành. Các phong trào thi đua được tổ chức đa dạng, có chủ đề rõ ràng, thiết thực... đã tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cá nhân, của tập thể, của bộ, ban, ngành. Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ban, ngành cũng đã thông qua Kế hoạch kiểm tra công tác thi đua tại các đơn vị trực thuộc.
Báo Chính phủ điện tử, Đại biểu nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Thời báo tài chính, Dân trí, Đài THVN, TNVN, TTXVN (20-7) phản ánh, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển; có quy định cụ thể về việc điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan đơn vị có biểu hiện bao che dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với cơ quan chức năng; huy động sức mạnh xã hội trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Đại biểu nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Công an nhân dân, Đài THVN, TNVN, TTXVN (20-7) đưa tin Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2017). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lực lượng Cảnh sát nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, không để bị động bất ngờ trọng mọi tình huống, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị của đất nước. Thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích, chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen” sử dụng vũ khí nóng gây án; tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, nhất là trong các ngành , lĩnh vực và địa bàn trọng điểm. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội…
Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thái Nguyên, Đài TNVN, TTXVN (21-7) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2017, sơ kết thi đua chuyên đề 2016-2017 các ban nội chính tỉnh ủy Cụm số 1, gồm 14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. 6 tháng đầu năm 2017, Ban Nội chính các tỉnh trong Cụm số 1 đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất cho tỉnh ủy quán triệt, triển khai các chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tình hình an ninh chính trị, tiêu cực trên địa bàn. Theo dõi đôn đốc, xử lý xong 43 trong số 89 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, dư luận quan tâm. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả đợt thi đua chuyên đề: "Phát hiện, tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án nội chính và tham nhũng" theo kế hoạch của Ban Nội chính Trung ương. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: Thời gian tới, ban nội chính tỉnh ủy các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cần phối hợp tốt các cơ quan chức năng để nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp. Triển khai có hiệu quả các quy định của Ðảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch thi đua chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu, tham gia ý kiến về công tác cán bộ, thẩm định các đề án, kế hoạch quan trọng của địa phương liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Lao động, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Người lao động, Dân trí, Vnexpress, Vietnamnet, TTXVN (21-7) dẫn thông tin từ Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết đã kết luận nhiều vi phạm về tuyển dụng công chức trong giai đoạn từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2016 tại tỉnh Bến Tre. Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ đạo thu hồi quyết định tuyển dụng đối với trường hợp có bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành không đạt trong kỳ thi tuyển công chức năm 2014; quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên đối với trường hợp có bài thi môn ngoại ngữ không đạt trong kỳ thi nâng ngạch công chức năm 2014 và trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng công chức trong kỳ thi nâng ngạch công chức năm 2016. Thực hiện rà soát, chịu trách nhiệm về việc xác nhận tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 23 trường hợp nêu trên trước khi bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính theo thẩm quyền. Quy định thời hạn bắt buộc đối với 25 trường hợp đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoàn thiện điều kiện về ngoại ngữ, tin học theo quy định.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Thanh niên (18-7) đưa tin, liên quan đến các sai phạm trong vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với: Hà Tấn Phước (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Long An, nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát VNCB), Lê Văn Thanh (Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh Long An, thành viên Tổ giám sát VNCB), Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó Tổ giám sát VNCB, thành viên HĐTV Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngô Văn Thanh (Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Long An, thành viên Tổ giám sát VNCB). Trước đó, tháng 7-2015, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can nói trên.
Báo Thanh niên (18-7) cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn (Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, tên cũ là Chi nhánh Mạc Thị Bưởi), gây thiệt hại cho Ngân hàng 165 tỷ đồng. Bị can Phạm Thị Mai Toan - nguyên ủy viên Hội đồng thành viên Agribank Việt Nam kiêm Giám đốc Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn và Đỗ Thị Yến (nguyên Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn) bị đề nghị truy tố 2 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Phí Thị Ong (nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn), Nguyễn Thị Thanh Vân (nhân viên tín dụng Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn) bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (từ ngày 19-7 đến ngày 22-7) đưa tin, các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Lai Châu, Hà Nam, Ninh Thuận, Điện Biên. Việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo là công việc thường xuyên, hằng năm, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đất nước. Việc kiểm tra, giám sát tập trung vào 08 nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở địa phương; việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của ban nội chính tỉnh ủy; việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nội dung về chống các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống liên quan đến “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng.
Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Lai Châu |
Báo Tuổi trẻ (19-7) có bài “Chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, chỉ bị cảnh cáo” với nội dung: Thu chi tài chính sai quy định, kê khống tiền thực phẩm, tiền lao động của can phạm, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ bị cảnh cáo - chuyện xảy ra tại trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng. Bài báo cho biết, vi phạm xảy ra tại trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng kéo dài trong nhiều năm, tới tháng 7-2015 mới bị phát hiện nhưng xử lý chưa tới nơi tới chốn khiến cán bộ, chiến sĩ bức xúc.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (19-7) phản ánh, Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử lưu động vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, tuyên phạt 5 năm tù đối với bị cáo Vũ Thị Thanh Thúy, nguyên kế toán trưởng. Theo cáo trạng, lợi dụng việc trả lương điện tử hằng tháng và sự sơ hở trong quản lý của hiệu trưởng, sự thiếu kiểm tra của giáo viên, bà Thúy đã gian dối trong tác nghiệp kế toán để chiếm đoạt 111 triệu đồng tiền ngân sách và 16 triệu đồng tiền của trường. Việc chiếm đoạt này thông qua các hành vi như tự ý chuyển tăng lương cho mình; tự đưa tên mình vào danh sách được hưởng phụ cấp ưu đãi (35%); mặc dù có giáo viên đã nghỉ việc hoặc nghỉ thai sản (lương do BHXH chi trả) nhưng bà Thúy vẫn đưa vào danh sách nhận lương rồi chuyển cho mình...
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ điện tử, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Tiền phong, Dân trí, TTXVN (20-7) cho biết, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo về công tác quý II/2017. Trong nửa đầu năm 2017, toàn ngành Tư pháp đã giải quyết được trên 314.000 số việc, đạt tỷ lệ trên 59%. Về tiền, ngành tư pháp cũng giải quyết xong trên 21.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 21%. Toàn hệ thống thi hành án dân sự đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng và các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp… Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài; đặc biệt là các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Công lý, Dân trí, Infonet, Vnexpress, Vietnamnet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-7) đưa tin, liên quan đến Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác xác minh thông tin báo chí về việc ông Hà Quốc Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong khi đang là viên chức. Theo kết quả buổi làm việc sơ bộ của Tổ công tác, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp, là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam là vi phạm Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012 và Luật Viên chức. Bộ Công Thương đã yêu cầu Viện tiến hành việc kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định. Viện trưởng đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân.
Báo Thanh niên (22-7) cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố Bùi Minh Hải (nguyên Phó phòng Quan hệ khách hàng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh - Techcombank TP.HCM) và Nguyễn Thanh Tiến (nguyên cán bộ quan hệ khách hàng Techcombank TP.HCM) cùng tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Techcombank TP.HCM 30 tỷ đồng. 5 bị can của Công ty TNHH Vân An, tỉnh Bình Phước bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đó có Đặng Phước An (Giám đốc). Bộ Công an cũng đã phát lệnh truy nã Lương Hữu Lâm (nguyên Giám đốc) và Đinh Thị Hiền (nguyên Phó Giám đốc Techcombank TP.HCM) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo kết luận điều tra, tháng 3-2007, Công ty Vân An vay vốn tại Techcombank TP.HCM và được cấp hạn mức tín dụng 45 tỷ đồng. Mặc dù Công ty Vân An vi phạm hợp đồng tín dụng, không còn khả năng tài chính nhưng nguyên lãnh đạo Ngân hàng Techcombank chi nhánh TP.HCM vẫn ký cho vay, gây thiệt hại cho ngân hàng 30 tỷ đồng, không thu hồi được.
TIN QUỐC TẾ
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (21-7) đưa tin, trong 6 tháng đầu năm 2017, có 210.000 quan chức Trung Quốc đã bị phạt vì vi phạm các nguyên tắc, đặc biệt là vấn đề tham nhũng. Trước đó, hôm 17-7, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh, CCDI sẽ tăng cường kiểm tra kỷ luật sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 trong vài tháng tới. Thông tin được công bố chỉ vài ngày sau khi Tân Hoa xã hôm 15-7 đưa tin ông Tôn Chính Tài thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc, và sẽ bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Báo Thanh tra (22-7) phản ánh, Viện Kiểm sát Tài chính quốc gia Pháp (PNF) quyết định giám sát đối với 2 cựu quan chức là Philippe Japiot - cựu Giám đốc Ngoại thương Tập đoàn Đóng tàu Naval Group (Chính phủ sở hữu phần lớn cổ phần chi phối của tập đoàn này), và Jean Paul Perrier - cựu Giám đốc Ngoại thương Tập đoàn Thales (Chính phủ nắm giữ ¼ cổ phần của tập đoàn), vì cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng công quỹ. Lệnh giám sát được thực hiện nhằm phục vụ cuộc điều tra liên quan đến vụ bán 3 tầu ngầm cho Malaysia hồi năm 2002 trị giá 835 triệu euro.
Báo Thanh tra (22-7) cho biết, Chủ tịch Quốc hội Indonesia bị Ủy ban Bài trừ Tham nhũng Indonesia (KPK) cáo buộc biển thủ, nhận hối lộ. Theo KPK, Chủ tịch Quốc hội Setya Novanto bị nghi ngờ lạm dụng chức vụ quyền hạn để làm giầu bất chính cho cá nhân, cũng như "giúp đỡ" những người thân cận "đút túi" 1 khoản tiền lớn từ ngân sách nhà nước, trong khuôn khổ thực hiện dự án cấp thẻ định danh điện tử cho công dân Indonesia, giai đoạn 2009-2015. Theo ước tính, ngân sách Indonesia đã bị thất thoát ít nhất 740 triệu ringgit (khoảng 172,4 triệu USD), tương đương 1/3 tổng số tiền ngân sách chi cho dự án này.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG